Doanh nghiệp hướng đến du lịch có trách nhiệm

Cập nhật: 14/07/2010
Doanh nghiệp du lịch có trách nhiệm thân thiện với môi trường và xã hội là một khái niệm tương đối mới mẻ mà các nhà làm du lịch ở Quảng Nam đang tiếp cận và hướng đến.

Quyết tâm thực hiện du lịch có trách nhiệm của các doanh nghiệp một lần nữa được thể hiện tại hội thảo tập huấn về thực hiện du lịch có trách nhiệm do tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) và Phòng Thương mại Du lịch Hội An tổ chức vừa qua, tiếp sau hội thảo được tổ chức tại Thừa Thiên - Huế vào tháng 5.

Tại buổi hội thảo tập huấn nói trên, SNV đã đưa ra những con số khảo sát về thị trường này khiến nhiều doanh nghiệp quan tâm. Theo đó, 70% khách du lịch đến từ Hoa Kỳ, Anh, Úc có thể trả thêm 150 đôla cho kỳ nghỉ 2 tuần ở một khách sạn có trách nhiệm với môi trường.

Hơn 66% du khách Hoa Kỳ, Úc; 90% du khách Anh cho rằng bảo vệ môi trường và hỗ trợ cộng đồng địa phương là trách nhiệm của khách sạn. Đồng thời việc thực hiện du lịch có trách nhiệm có lợi rất nhiều cho doanh nghiệp như: Cắt giảm chi phí bằng cách giảm năng lượng tiêu thụ. Tạo ra những nguồn lợi mới bằng cách khai thác những xu hướng toàn cầu. Bảo vệ những nguồn lợi trong tương lai bằng cách giữ gìn những tài sản du lịch mà du khách muốn đến xem.  Chia sẻ cùng cộng đồng địa phương, doanh nghiệp được hưởng lợi trực tiếp từ việc bán sản phẩm, dịch vụ du lịch, đồng thời cũng làm du khách thỏa mãn.

Chính vì thế, xu hướng du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội, hòa nhập văn hóa Việt Nam đang được nhiều doanh nghiệp khách sạn, lữ hành ở Quảng Nam hướng đến. Thật ra, xu hướng này đã xuất hiện ở nhiều tour du lịch của Quảng Nam, hấp dẫn cả du khách lẫn cộng đồng cư dân địa phương.

Chẳng hạn như tour du lịch Một ngày làm cư dân làng rau Trà Quế của HoiAn Travel thực hiện từ năm 2005 đến nay đã trở thành điểm du lịch không thể thiếu của du khách khi đến Quảng Nam. Hòa nhập, cùng khám phá cuộc sống và công việc thường nhật của người trồng rau ở đây chính là điểm hấp dẫn của tour du lịch này.

Về phía người dân, nhờ có du lịch mà họ có thêm thu nhập, ý thức hơn về việc giữ gìn làng nghề truyền thống và nhất quyết thực hiện việc trồng rau sạch để đảm bảo thương hiệu và danh tiếng của làng nghề. HoiAn Travel- doanh nghiệp lữ hành xây dựng chương trình tour thì hỗ trợ và thực hiện trách nhiệm của mình bằng cách chia sẻ lợi nhuận cùng địa phương, hỗ trợ làng rau quảng bá thương hiệu, xây dựng các sản phẩm mới. 50% tiền bán vé nộp ngân sách UBND xã Cẩm Hà (nơi có làng rau).

Ngay sau cơn bão số 9 tàn khốc năm vừa qua, du khách đến với làng rau đã xắn tay cùng cư dân làng rau dọn dẹp những mảnh vườn đổ nát, cùng vun xới lại những luống rau sạch, xanh. Còn doanh nghiệp thì hỗ trợ giống, vốn để người dân vực lại sản xuất.

Hay như đầu năm 2010, Le Nguyen Travel đã đón 9 du khách Canada đến phố cổ Hội An lưu trú gần 1 tháng trời tại những ngôi nhà của cư dân địa phương và cùng tham gia sinh hoạt hằng ngày với gia đình, tham gia các hoạt động phụ giúp nấu ăn, lau nhà cửa... cho người già, tàn tật , trẻ em tại Trung tâm xã hội Quảng Nam và  Trung tâm trẻ mồ côi Hội An.

Họ cùng học tiếng Việt, học nấu ăn, phụ giảng trẻ em học tiếng Anh, học làm gốm ở làng gốm Thanh Hà, làm nông ở làng rau Trà Quế... với người dân. Và quan trọng hơn, trong suốt thời gian lưu trú, du khách đã không sử dụng máy điều hòa để tiết kiệm điện và lưu trú trong thời gian dài tại một địa điểm để hạn chế sử dụng các phương tiện đi lại ảnh hưởng đến môi trường.

Hai ví dụ trên chứng tỏ du lịch có trách nhiệm đang là xu hướng mà cả du khách, doanh nghiệp du lịch và cộng đồng cư dân địa phương cùng quan tâm hướng đến để phát triển du lịch bền vững. Đây cũng chính là 3 thành phần trọng tâm tham gia và cùng hưởng lợi khi thực hiện quá trình du lịch có trách nhiệm. Tại Quảng Nam, mô hình lưu trú cùng nhà dân (homestay) dù mới xuất hiện nhưng hiện đang phát triển tại Hội An, Cù Lao Chàm, các vùng miền núi và thu hút khá nhiều khách du lịch.

5 đặc điểm chính của du lịch có trách nhiệm được đưa ra tại hội thảo giúp doanh nghiệp có thể hình dung về khái niệm này là: Giảm thiểu các tác động tiêu cực. Xây dựng và nâng cao nhận thức về môi trường và văn hóa. Tạo ra những trải nghiệm tích cực cho khách du lịch và doanh nghiệp. Trực tiếp mang lại những lợi ích cho việc bảo tồn văn hóa và môi trường. Đem lại cơ hội và tối đa hóa sản xuất, thu nhập và việc làm cho người dân địa phương.

Theo bà Phạm Thị Duyên Anh, cố vấn du lịch của SNV, vai trò của doanh nghiệp trong du lịch có trách nhiệm rất quan trọng. Doanh nghiệp cần nhận thức đúng, đủ về xu hướng này, từ đó chủ động thu hút sự tham gia của cư dân và du khách vào quá trình hoạt động. Gắn mục tiêu kinh doanh với mục tiêu văn hóa, xã hội và môi trường.

Quảng Nam: Hỗ trợ người dân phát triển du lịch cộng đồng

Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam vừa phối hợp với trường Cao đẳng Du lịch Huế tổ chức khóa tập huấn “Lập kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng” cho người dân và đại diện đoàn thể xã Cẩm Thanh (Hội An). Đây là địa phương hiện có điểm du lịch sinh thái Rừng dừa Bảy Mẫu vừa được đưa vào danh sách điểm tham quan du lịch của tỉnh Quảng Nam. 

Mười hộ dân và đại diện các đoàn thể tham gia khóa học này sẽ được hướng dẫn, hỗ trợ học cách tự lập kế hoạch tổ chức tour du lịch như: Xây dựng trung tâm đón khách; biểu đồ chỉ dẫn lộ trình tham quan; mở trang web quảng bá sản phẩm, thương hiệu; thành lập ban điều hành, đội ngũ hướng dẫn viên...

Bên cạnh đó, người dân sẽ được học cách lập kế hoạch tổ chức bán sản phẩm theo tour bao gồm dịch vụ trọn gói hoặc từng phần cho khách lưu trú và không lưu trú. Cùng tham gia thực hiện tour đón khách nội địa và nước ngoài, làm cơ sở xây dựng khung giá cho từng loại sản phẩm cố định và không cố định. Ngay sau khóa tập huấn, người dân đã thực hành bằng việc xây dựng một sản phẩm trọn gói đầu tiên cho đoàn sinh viên tham quan vùng sông nước nơi đây.

Khánh Chi