Nguyên sơ suối Tiên

Cập nhật: 15/07/2010
Nói đến vẻ đẹp của đảo Phú Quốc (Kiên Giang), khách du lịch thường nghĩ đến những bãi cát trắng thoai thoải trải dài, những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn với nhiều loài động vật quý hiếm cùng với những ngọn núi, quả đồi, con suối hữu tình. Song, nếu đam mê khám phá, bạn có thể tìm hiểu, biết thêm nhiều điều thú vị ở nơi đây. Và ai đến Phú Quốc dịp này, suối Tiên sẽ là điểm dừng chân thú vị.

Từ thị trấn Dương Ðông đi về ấp Suối Ðá, xã Dương Tơ khoảng năm km, đến ngã ba rẽ trái, đi vào con đường đất đỏ khoảng hai km là tới chân suối Tiên. Tại đây du khách gửi xe và tiếp tục đi thêm một đoạn đường ngắn sẽ đến  suối Tiên. Ðường vào suối Tiên hẹp, nhưng khá dễ đi. Cảnh vật hữu tình, hai bên sim rừng mọc kín, đường uốn lượn quanh co giữa bạt ngàn rừng núi. Nhưng, có lẽ đẹp và thơ mộng nhất là từ tháng 12 đến tháng hai âm lịch hằng năm. Ðây là thời điểm sim rừng chín rộ, những cô gái, chàng trai địa phương hò hẹn cùng lên rừng hái sim chín. Sim chín đem về ủ lại cho lên men để lấy mật sim. Mật sim pha với rượu gạo sẽ cho một loại nước lên men với tên gọi là rượu sim - một đặc sản nổi tiếng không kém gì nước mắm hay hồ tiêu của Phú Quốc.

Dưới chân suối Tiên chỉ có gia đình ông Trần Văn Bé (63 tuổi) sinh sống. Theo lời kể của bác Trần Văn Bé, cách đây 20 năm có một người bạn chiến đấu về quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ thấy gia cảnh bác quá nghèo nên đã khuyên bác ra đảo khẩn hoang, làm ăn sinh sống. Nghe lời người bạn quý, bác Bé làm một chuyến ra thăm đất đảo. Và rồi lòng người nhân hậu, mến khách và mảnh đất tươi đẹp đã hấp dẫn bác. Ra đảo, gia đình bác Bé khai khẩn đất hoang, sinh sống bằng nghề trồng tiêu, trồng điều. Hiện nay, nghề chính của gia đình bác Bé là trồng các loại cây ăn trái và trồng tràm trên diện tích 15 ha với thu nhập mỗi năm trên dưới 100 triệu đồng. Con đường mòn dẫn vào suối Tiên có được  như hôm nay là nhờ một tay bác Bé làm hết năm này đến năm khác mà thành. Vào mùa mưa suối nhiều nước, những ngày cuối tuần khách đến tham quan tắm suối rất đông.

Nếu du khách cần, những thành viên ở  nơi đây ai cũng có thể làm "hướng dẫn viên" giới thiệu khái quát về Phú Quốc và cụ thể về suối  Tiên. Theo các nhà khoa học, thực vật ở rừng Phú Quốc mang nét đặc trưng của vùng hải đảo, nơi tập trung ba luồng thực vật di cư là hệ thực vật Mã Lai - In-đô-nê-xi-a, Hy-ma-lay-a - Vân Nam, Quỳ Châu (Trung Quốc) và hệ thực vật Ấn Ðộ... Thực vật nơi đây phong phú về thành phần loài, nhiều loài quý hiếm, đặc hữu có giá trị cho nghiên cứu khoa học, bảo tồn nguồn gen và kinh tế. Phú Quốc có 529 loài thực vật thuộc 118 họ và 365 chi, trong đó có tám loài đặc hữu. Trong 42 loài được ghi vào sách Ðỏ, có 11 loài tuyệt chủng hoặc có nguy cơ tuyệt chủng, 20 loài quý hiếm, tám loài bị đe dọa và ba loài nguy cấp. Còn động vật đặc hữu ở đảo Phú Quốc ngoài chó Phú Quốc, còn có hai loài chim là chìa vôi vàng, và hút mật đỏ. Tính quý hiếm của động vật đảo Phú Quốc còn thể hiện ở 23 loài được ghi trong sách Ðỏ, trong đó loài có nguy cơ tuyệt chủng là rắn hổ mây, vích, cá sấu nước ngọt, đồi mồi...

Suối Tiên có dòng nước chảy từ trên núi xuống với chiều dài tới hơn một cây số. Giống như suối Ðá Bàn, suối Tranh, lòng suối Tiên cũng có những tảng đá to nhưng khá bằng phẳng có thể trở thành những "thạch bàn" cho khách nghỉ chân. Suối chảy len lỏi theo núi đá, đoạn dưới suối tạo thành thác nhỏ và một hồ nước khá rộng. Sau chặng đường khá xa với đoạn cuối cùng phải cuốc bộ, nhảy qua vô số tảng đá, du khách chỉ muốn ngay lập tức đắm mình trong làn nước trong xanh mát lạnh.

Bài, ảnh: Việt Tiến

Nguồn: Báo Nhân dân