Đình, chùa trăm năm kêu cứu

Cập nhật: 20/07/2010
TPHCM hiện có 54 di tích cấp quốc gia, 86 di tích cấp TP và còn rất nhiều di tích chờ xếp hạng. Bên cạnh những di tích được bảo quản tốt, sử dụng đúng mục đích, có hàng loạt di tích cấp quốc gia, di tích cấp TP bị xâm hại xuống cấp nặng nề, di tích được xác lập rồi nhưng bị bỏ quên, rệu rã theo thời gian và có nguy cơ trở thành phế tích.

Nếu không biết trước, sẽ khó ai biết được chùa Giác Viên (nằm trên đường Lạc Long Quân, phường 10, quận 11 - TPHCM) là di tích cấp quốc gia khi bên ngoài khuôn viên chùa là rác, gạch đá vụn vương vãi và cỏ mọc um tùm.

Các tượng Phật úa màu bị bao vây bởi quán cà phê cóc, quần áo phơi khắp nơi, những chiếc lồng gà chất chồng và hàng rong vô tư thải rác quanh bảo tháp.

Khu bảo tháp tại chùa Giác Viên trở thành điểm tập kết xà bần

Rệu rã

Bên ngoài nhếch nhác, bên trong ngôi chùa có niên đại gần 300 năm này cũng đang lần hồi rệu rã. Đại đức Thích Huệ Thạnh (sống ở chùa 34 năm) cho biết chùa bị hư hỏng nặng, các trụ cột trong khu chánh điện bị mối mọt hủy hoại nhiều năm qua.

Trần nhà khu Đông lang đổ sụp, ngói rơi vỡ thành đống, kèo cũng bị sập xuống. Khu nhà bếp bị tốc mái để lộ một mảng trống hoác. Chưa kể những ngày mưa, chùa bị dột, thấm nước, nhà chùa phải mang thau chậu hứng nước tràn ra từ máng xối. Gian thờ bá tánh cũng bị mưa và mối dần dần phá hoại.

Nhiều năm qua, chùa đã nhiều lần kêu cứu nhưng chưa nhận được sự quan tâm triệt để.

“Chỉ biết trông chờ ở cơ quan quản lý chứ việc cải tạo thì thật sự nằm ngoài khả năng của chùa. Phần nữa, đây là di tích quốc gia nên rất cần nhận được sự hướng dẫn trong việc trùng tu tôn tạo để có thể giữ lại toàn vẹn giá trị lịch sử của di tích” - đại đức Thích Huệ Thạnh nói.

Không riêng chùa Giác Viên, nhiều di tích khác cũng đang trong tình trạng xuống cấp nặng. Đình Thông Tây Hội  (quận Gò Vấp, được công nhận di tích quốc gia vào ngày 26-9-1998, được xem là ngôi đình cổ nhất của vùng đất Sài Gòn - Gia Định) cũng đang trong tình trạng “chết dần chết mòn”.

Nước mưa dột từ mái ngói âm dương qua nhiều năm dần dần làm mục cột, rui, mè. Trên kèo có nhiều tổ mối. Cứ mỗi lần mưa, sân đình bị nước ngập lênh láng, nước tràn vào cả chánh điện, kéo theo rác thải tràn vào sân đình.

Hàng loạt ngôi đình, miếu nằm rải rác ở các quận, huyện như: đình Nam Chơn, đình An Phú, Bình Quới Tây, Vĩnh Hội, Hưng Phú, miếu ông Bổn, miếu Tân Kỳ... cũng lâm vào tình cảnh tương tự.

Tình trạng xuống cấp hàng loạt của những ngôi đình, chùa đã làm nên một bức tranh rệu rã về những di tích có giá trị hàng trăm năm lịch sử.

Trần nhà khu Đông lang chùa Giác viên (ảnh trên) và khu nhà bếp chịu cảnh sụp đổ nhiều năm nay

Bị lấn chiếm như đất hoang

Dù đã được công nhận là di tích cấp quốc gia, cấp TP nhưng các di tích trăm năm này lại bị bỏ quên trong sự tàn phá vô tâm của con người và môi trường tự nhiên khắc nghiệt qua hàng chục năm nay. Các di tích cổ đang mất dần sức sống và đã không còn giá trị đúng nghĩa của một di tích quốc gia như khi nó được lập hồ sơ công nhận.

Không chỉ bị xuống cấp, các di tích đang ngày càng úa màu trước tình trạng bị xâm hại, lấn chiếm. Chùa Giác Viên ban đầu có diện tích rộng hơn 1 ha nhưng nay đã bị các hộ dân lấn chiếm vô tội vạ, chỉ “khoanh vùng” cho chùa một khuôn viên chật hẹp.

Quần thể tháp cổ trước cổng chùa có kiến trúc khá đẹp nhưng bị bao vây bởi rác và trở thành điểm tập kết của đủ loại xà bần mà các hộ dân cư xung quanh thải ra.

Đình Thông Tây Hội từng có diện tích hơn 5.000 m2 nay chỉ còn lại khoảng hơn 1.500 m2. Các miếu thờ tại đình cũng bị di dời nhiều lần do dân xây nhà  lấn chiếm quá sát vách miếu.

Còn ngôi đình nhiều lần “kêu cứu” trong nhiều năm qua là đình An Phú ở quận 2 đã có lúc tưởng như biến mất khi chính quyền địa phương từng có ý định đập bỏ để nhường toàn mặt bằng xây chung cư mới (!) Đình nằm lọt thỏm trong khu chung cư An Phú An Khánh, nền thấp hơn các tòa cao ốc nên chỉ cần một cơn mưa nhỏ cũng đủ làm ngập sân.

Những ngôi đình, chùa bị xuống cấp, bỏ phế không chỉ làm mất giá trị lịch sử mà còn dẫn đến nhiều hệ lụy.

Các di tích bị bỏ quên trở thành những địa điểm có lợi để người dân mở quán kinh doanh, chiếm dụng phơi quần áo, mở quán ăn, thậm chí đổ cả rác. Tệ hại hơn là trở thành địa điểm cho dân bất hảo tụ tập đánh bạc, đá gà, nhất là ở những di tích thuộc các huyện ngoại thành, vùng ven. Cộng thêm vào sự nhếch nhác là những tệ nạn xã hội khác.

Trong sân một ngôi đình ở quận Gò Vấp thường xuyên xuất hiện những ống kim tiêm rơi vãi, một người dân ở đây cho biết nơi đây là “bãi đáp lý tưởng” cho dân nghiện ngập hoặc người dân tụ tập đánh bạc.

Dẫn đầu về di tích bị xâm hại

Ông Nguyễn Hùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TPHCM, đánh giá: “Có thể nói TPHCM là nơi dẫn đầu cả nước về di tích bị xâm hại”. Số di tích “sống mà như chết” đang lên đến mức báo động.

Theo báo cáo của sở này, có 11 trong tổng số 26 di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia và 27 trên tổng số 49 di tích cấp TP bị hư hỏng, xuống cấp nặng. Đình Bình Đông (Q.7) bị lún, nứt ở bờ kè; các ngôi chùa Phụng Sơn (Q.11), Thiên Tôn (Q.3), Thiên Phước (Q.8), Bửu Thạnh (Q.9), Từ Nghiêm (Q.10), Tường Quang (Q.12)... đều trong tình trạng chung: ngập nước, đòn tay, rui, vì kèo bị hư hỏng, mái ngói nứt bể, mục nát, mưa dột, mối mọt...

 

Nguồn: nld.com.vn