Voi nhà Đắk Lắk đang bị bắt làm việc đến kiệt sức

Cập nhật: 23/07/2010
Từ trước tới nay, voi nhà ở Đắk Lắk được sử dụng vào mục đích lao động, phục vụ trong lĩnh vực hoạt động văn hóa, du lịch của địa phương.

Tuy nhiên, do quá chạy theo lợi nhuận kinh tế trước mắt, các ông chủ đã bắt voi làm việc quá nhiều khiến sức khỏe đàn voi nhà đang giảm sút, ốm yếu và chết dần chết mòn, giảm số lượng quá nhanh.

Năm 1975, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có trên 500 con voi nhà, trong đó chủ yếu là nguồn săn bắt và thuần dưỡng từ voi rừng. Hơn 30 năm qua, đàn voi nhà không được bổ sung thêm mà lại bị già yếu và chết dần, một số bị kẻ sát hại voi lấy ngà, một số ít xuất bán ra địa phương khác.

Đặc biệt trong năm năm qua, số lượng voi giảm sút đáng kể do số voi nhà bị chết quá nhiều. Riêng trong sáu tháng đầu năm nay, tại địa bàn huyện Buôn Đôn và Ea Súp đã có ba con voi nhà bị ốm chết.

Theo các nhà chuyên môn, trong môi trường tự nhiên voi sống trên 100 năm, nhưng voi nuôi gia đình do sử dụng lao động nhiều nên chỉ sống khoảng 60 năm. Đến thời điểm này, đàn voi nhà toàn tỉnh chỉ còn dưới 60 con, trong đó tập trung ở huyện Buôn Đôn, Ea Sup 39 con và huyện Lắc 20 con.

Mặc dù số lượng voi nhà quá ít ỏi, nhưng tại các cơ sở du lịch, các nài voi (quản voi) vẫn bắt voi phải làm việc quá nhiều trong những lễ hội, vui tết cổ truyền, trong hoạt động đưa đón khách tham gia du lịch sinh thái.

Tại điểm du lịch Bản Đôn, một số người bắt voi làm việc liên tục như lội sông nước, chở khách lên rừng, biểu diễn các tiết mục múa lượn suốt ngày, để voi bị đói, kiệt sức. Tại điểm du lịch huyện Lắc, đàn voi nhà được huy động triệt để phục vụ "thượng đế" thập phương về du lịch văn hóa, du lịch sinh thái tại địa phương.

Sự nguy hại của việc bắt voi làm việc nhiều không những làm cho voi gầy yếu đi, mà còn ảnh hưởng đến sinh lý con vật, dễ gây ra những tai nạn chết người đáng tiếc như đã xảy ra thời gian gần đây ở hai huyện Lắc và Buôn Đôn.

Tình trạng đàn voi nhà không được chăm sóc và bị vắt kiệt sức vì mục đích thu lợi nhuận trước mắt là điều đáng lo ngại. Nếu địa phương không nhanh chóng có biện pháp cấp bách về công tác bảo tồn và nuôi dưỡng, thì khoảng mươi năm nữa, đàn voi nhà ở Đắk Lắk chỉ còn là huyền thoại./.

Nguyễn Tiên Tri

 

 

Nguồn: TTXVN/Vietnam+