Cục Quản lý Phát thanh, Truyền hình - Thông tin điện tử - Bộ TT&TT vừa tổ chức lớp tập huấn, cung cấp thông tin về biến đổi khí hậu (BĐKH) và những phương pháp nhằm giảm thiểu hậu quả thiên tai, những kỹ năng nghiệp vụ cho phóng viên, biên tập viên, nhà quản lý nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Nhiệt độ trung bình tăng từ 0,5-0,7oC; mực nước biển dâng khoảng 20cm
Hạn hán, lũ lụt và nước biển dâng là những hậu quả nhãn tiền mà Việt Nam đã phải gánh chịu trước những tác động BĐKH toàn cầu. Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, ở Việt Nam trong khoảng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình năm đã tăng khoảng 0,5 - 0,7oC, mực nước biển đã dâng khoảng 20cm.
Tác động biến đổi khí hậu đã làm gia tăng cường độ thiên tai, đặc biệt là bão, lũ, hạn hán, gây thiệt hại vô cùng to lớn đối với nền kinh tế. Hậu quả của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam là nghiêm trọng và là một nguy cơ hiện hữu cho mục tiêu xoá đói giảm nghèo, cho việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững của đất nước.
Theo GS. TSKH Nguyễn Đức Ngữ- nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn, mức độ tác động của BĐKH đến mỗi quốc gia tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố như điều kiện tự nhiên, đặc điểm về KTXH của quốc gia đó. Việt Nam nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa - là khu vực chịu nhiều ảnh hưởng của BĐKH.
Với vị trí địa lý vừa tiếp giáp đại lục Âu- Á, vừa tiếp giáp với đại dương, hằng năm VN phải chịu rất nhiều thiên tai.
Các chuyên gia về khí hậu của thế giới cũng cho rằng Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tổn thất nặng nề nhất khi mực nước biển dâng. Là một nước có bờ biển chạy suốt dọc chiều dài đất nước, với nhiều vùng đất thấp ven biển, nên tỉ lệ mất đất do bị ngập nước biển sẽ lớn nếu nước biển dâng lên.
Các nhà khoa học còn phân tích, với vị trí đặc biệt quan trọng của 2 vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long, cũng là 2 khu vực đông dân cư và có nền kinh tế phát triển nhất, nếu 2 vùng này bị ảnh hưởng do nước biển dâng, hạn hán hay lũ lụt thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới toàn bộ kinh tế - xã hội của nước ta.
Đặc biệt, khi vùng đồng bằng ven biển bị ảnh hưởng sẽ gây tác động đến hàng loạt các hoạt động KT khác như nông nghiệp (do đất đai bị ngập mặn, xói mòn...), thuỷ sản, năng lượng, giao thông vận tải (kể cả đường bộ, đường thuỷ, đường sắt, bến cảng ven biển...), du lịch (do bị mất nhiều bãi tắm, khách sạn ven biển...).
Làm gì để ứng phó với BĐKH?
Nhận thức rõ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, vào tháng 12.2008 Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Ứng phó với biến đổi khí hậu. Một trong những nội dung quan trọng của Chương trình là xây dựng và cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Đây là định hướng để các Bộ, ngành, địa phương đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, xây dựng và triển khai kế hoạch hành động ứng phó. Bộ Tài nguyên và Môi trường được Chính phủ giao đầu năm 2009 hoàn thành việc xây dựng các kịch bản biến đổi khí hậu ở Việt Nam, đặc biệt là nước biển dâng, dựa trên cơ sở các nghiên cứu đã có trong và ngoài nước...
Đến cuối năm 2010, hoàn thành việc cập nhật các kịch bản biến đổi khí hậu và đến năm 2015, tiếp tục cập nhật các kịch bản biến đổi khí hậu, đặc biệt là nước biển dâng cho các giai đoạn đến năm 2100.
Ngày 9.9.2009, tại Hà Nội Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chính thức công bố các kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam.
Theo các kịch bản, khí hậu trên tất cả các vùng của Việt Nam sẽ có nhiều biến đổi. Vào cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình năm ở nước ta tăng khoảng 2,3oC, tổng lượng mưa năm và lượng mưa mùa mưa tăng, trong khi lượng mưa mùa khô lại giảm, mực nước biển dâng khoảng 75cm so với trung bình thời kỳ 1980 - 1999.
Ngoài việc xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH cho các Bộ ngành, địa phương để các đơn vị này xây dựng kế hoạch hành động tương ứng, Bộ TNMT đã phối hợp với các cơ quan liên quan kêu gọi vận động tài trợ cho công việc ứng phó với BĐKH.
Cho tới nay, Việt Nam đã nhận được một số cam kết ban đầu về viện trợ không hoàn lại của các nước, các tổ chức quốc tế với số tiền khoảng 120 triệu USD và các cam kết cho vay ưu đãi khoảng 800 triệu USD.