Tại Hội thảo, đại diện chính quyền, các hội, đoàn thể các xã ven biển đã bày tỏ: Khí hậu thời tiết trong những năm gần đây thay đổi theo hướng không thuận lợi cho người dân trong vùng. Hiện tượng nắng hạn kéo dài, lượng mưa thấp, rừng bị suy kiệt do tàn phá chưa được phục hồi dẫn đến lượng nước ngầm giảm.
Trong khi đó người dân đào ao, giếng khai thác cạn kiệt nguồn nước ngầm phục vụ sản xuất sinh hoạt vô tình đã khiến xâm nhập mặn ngày càng nhiều, diện tích trồng trọt bị thu hẹp, cây trồng sinh trưởng kém, năng suất thấp, chi phí sản xuất cao làm cho cuộc sống cư dân trong vùng gặp khó khăn. Nhiều vùng trước đây trồng được nhiều loại cây thì nay không trồng được do đất nhiễm mặn. Nhiệt độ tăng làm các loại san hô ven biển, một số loài tôm, cá, rong biển có thể bị hủy diệt, một số loài đặc hữu có thể biến mất. Đồng thời, vào mưa, lượng nước ngọt đổ về đã pha loãng độ mặn của nước biển làm cho một số loài nhuyễn thể không tồn tại được...
Các chuyên gia đã trình bày nhiều vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường, hạn chế hậu quả của BĐKH như bảo tồn bền vững đa dạng sinh học, phát triển bền vững và thích ứng BĐKH, trong đó nêu rõ tầm quan trọng của các tổ chức xã hội dân sự, năng lực của địa phương khi lồng ghép các vấn đề môi trường trong xây dựng kế hoạch kinh tế- xã hội ở địa phương.
Các đại biểu đã đưa ra một số khuyến nghị nhằm bảo đảm phát triển bền vững về kinh tế- xã hội, bảo vệ môi trường; đề xuất các vấn đề về qui hoạch, bố trí dân cư, xây dựng cơ sở hạ tầng; tổ chức lại sản xuất, phòng chống sạt lở đất; tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng trong bảo vệ môi trường, phòng chống sa mạc hóa, bảo đảm an sinh xã hội. Các đại biểu cũng đã đề xuất các giải pháp xử lý rác thải, chất thải; xử lý vi phạm qui chế bảo vệ rừng, khai thác tài nguyên khoáng sản; tăng cường đào tạo lao động, nhất là lao động trẻ để chuyển dịch một bộ phận lao động sang các ngành dịch vụ, du lịch, góp phần giảm áp lực lên việc canh tác nông nghiệp, khai thác rừng, biển...