Câu ca dao nổi tiếng “Ai vô Bình Định mà coi, con gái Bình Định múa roi đi quyền” đã tạo nên sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với khách phương xa về một vùng sơn thủy hữu tình, cảnh quan kỳ thú. Đó chính là đất võ Bình Định, xứ sở của những truyền thuyết lịch sử gắn liền với vương triều Tây Sơn oai hùng.
Những năm trước, từ Hà Nội hay TPHCM tới Bình Định thật nhiêu khê, không có lựa chọn nào khác hơn là ngồi ô tô hoặc tàu hỏa ê mình và tốn nhiều thời gian. Ngày nay, sân bay Phù Cát đã hoạt động trở lại, chỉ trong khoảng hơn 1 giờ bay từ Hà Nội và chừng 40 phút từ Sài Gòn, du khách đã có mặt tại sân bay Phù Cát.
Đoạn đường xe chạy từ sân bay Phù Cát vào thành phố Quy Nhơn mất khoảng 45 phút. Qua khỏi cầu Bà Di, gần ngã ba quốc lộ 1A rẽ lên Tây nguyên theo quốc lộ 19, du khách sẽ thấy cụm tháp Bánh Ít gồm 4 ngôi tháp nổi bật trên một ngọn đồi cao. Gọi tên như vậy vì nhìn từ xa, các ngôi tháp trông giống như những chiếc bánh ít lá gai, một sản vật thường thấy trong dịp lễ tết của người miền Trung.
Bình Định có nhiều ngôi tháp Chăm cổ có tuổi thọ ngót nghét ngàn năm, với 8 cụm di tích cùng 14 tháp như tháp Cánh Tiên, tháp Dương Long, tháp Đôi… trải trên ba huyện Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước và thành phố Quy Nhơn.
Những vòm cửa hướng ra không gian bao la biển trời, ruộng đồng, núi sông là những góc ảnh đẹp để lữ khách chụp được những bức ảnh lạ, độc đáo và đẹp mắt. Hoa văn, phù điêu bằng đá được trang trí trên các vòm cửa của tháp. Các bức phù điêu bằng đá chạm khắc hình vũ nữ nhảy múa, tượng thần Siva, Ganesa; những pho tượng nữ thần Uma, thần Bhama trang trí trên tháp luôn gây sự tò mò và làm cho du khách có cảm giác như đang lạc vào thế giới thần bí của người Chăm cổ xưa.
Đến Quy Nhơn, thành phố trung tâm của Bình Định, du khách sẽ thấy một đô thị yên bình, xinh đẹp với những con đường thoáng rộng, sạch sẽ, nằm ven bờ biển êm đềm cát trắng và tựa vào những dãy núi cao lừng lững. Không khí của thành phố ven biển thật trong lành với hương muối biển khiến cho khách nhàn du cảm giác lâng lâng sảng khoái.
Quy Nhơn có khá nhiều nhà nghỉ với mức giá dễ chịu, chỉ tầm 100 - 200 nghìn đồng, bạn đã có chỗ nghỉ qua đêm có đầy đủ tiện nghi. Với mức giá cao hơn, bạn có thể chọn chỗ nghỉ trong những khách sạn ven biển hoặc gần biển như khách sạn Sài Gòn-Quy Nhơn, khách sạn Hải Âu, Hoàng Yến, hoặc cao cấp hơn thì có Hoàng Anh Gia Lai resort với mức giá từ 600.000 đến gần 1 triệu đồng/ngày, nếu đặt qua các đại lý du lịch.
Đáp ứng nhu cầu cao hơn, Life resort nằm tách biệt trên một ngọn đồi thoai thoải, cách thành phố Quy Nhơn chừng 16 km theo hướng sang Sông Cầu, Phú Yên. Resort được xây dựng trên một bãi biển đẹp đầy cát và gió với tầm quan sát tuyệt vời một vùng biển bao la. Tại đây du khách có thể tập yoga, thái cực quyền và tham gia nhiều hoạt động thể dục, thể thao như bơi thuyền thúng, đạp xe leo núi, lướt ván buồm, lặn biển... Giá phòng thấp nhất ở đây gần 2 triệu đồng/ngày.
Đã đến Quy Nhơn, có lẽ ai cũng muốn ghé thăm ghềnh Ráng và viếng mộ thi sĩ Hàn Mặc Tử trong trại phong Quy Hòa. Nếu có thể, bạn hãy cưỡi xe máy thong thả chạy dọc quốc lộ 1D, con đường chạy dọc bờ biển dài hơn 30 cây số về phía nam, nối liền thành phố Quy Nhơn với huyện Sông Cầu của tỉnh Phú Yên (tránh qua đèo Cù Mông trên quốc lộ 1A) để có dịp thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ. Dọc theo đoạn đường tuyệt đẹp này, xuất hiện hàng loạt khu du lịch mới như Bãi Bàng, Bãi Xép, Bãi Rạng…; trong đó có khu du lịch Bãi Dài do nước ngoài đầu tư với quy mô lớn.
Phia bắc thành phố Quy Nhơn, ta có thể tham quan khu kinh tế mới Nhơn Hội, đến chiêm ngưỡng và đi trên cầu Thị Nại, cây cầu bắc qua biển dài nhất Đông Nam Á cho đến giờ. Dưới chân cầu Thị Nại có quán hải sản bình dân phục vụ đồ hải sản tươi ngon giá cả bình dân, khách vừa có thể ngồi nhâm nhi và ngắm cảnh xung quanh, tận hưởng không khí bình yên dân dã nơi đây.
Một nơi không thể bỏ qua khi đến thăm Bình Định là bảo tàng Quang Trung (làng Kiên Mỹ, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn) cách Quy Nhơn 45km, là nơi trưng bày các di chỉ, hiện vật của cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn (1771-1789). Trong khuôn viên Bảo tàng rộng 9 héc ta còn có tượng đài, cầu cảnh, nhà khách... điện thờ Tây Sơn tam kiệt và các di tích như cây me, giếng nước, những dấu tích liên quan đến gia đình người anh hùng dân tộc.
Nếu có thời gian, du khách có thể thăm vài nơi lân cận, nơi trước đây là dinh lũy, quán lương, bãi tập... của nghĩa quân Tây Sơn như núi Ông Bình, hòn Ấm, hòn Kiến... và xem biểu diễn võ cổ truyền Bình Định, trống trận Tây Sơn.
Từ bảo tàng Quang Trung ngồi xe chừng 10 phút đi về phía tây nam, ta sẽ tới Hầm Hô, nơi từng là một trong những căn cứ địa của quân Tây Sơn. Hầm Hô là một dải liên hoàn bậc thang gồm suối, thác, sông hồ, trải dài hơn 2km.
Khách có thể đi theo hai đường: ngồi xuồng nan theo những con rạch nhỏ nước trong vắt lặng lờ, hai bên bờ đầy cỏ lau hoang sơ để đến Hầm Hô hoặc đi bộ lên núi. Du khách cũng có thể ngồi xe ngựa lên tới nơi, chỉ phải trả hai, ba chục ngàn đồng. Toàn cảnh Hầm Hô hiện ra với thác vực điệp trùng. Đoàn hành hương có thể cắm trại trên những "lưng trâu" nổi trên mặt nước - đó là những tảng đá khổng lồ, nhẵn thín.
Lửa hồng được nhen lên, du khách có thể thưởng thức hương vị của ốc luộc với mắm gừng, cá đối nướng xiên - những sản vật độc đáo ở Hầm Hô. Nếu muốn, du khách đi bộ thêm một ngày, trèo đá, vượt thác, men theo những đường mòn hoang sơ dọc theo hai bờ sông Kút để lên đến thác Dốc, hòn Trào, ngủ đêm trong rừng để sáng hôm sau đón những tia nắng bình minh xuyên qua kẽ lá, phản chiếu trên mặt nước Hầm Hô giữa muôn vàn âm thanh ríu rít của tiếng chim muông hoà vào không gian huyền bí, gió hú mây ngàn...
Bùi Thị Thanh Hương