Bảo vệ môi trường Thủ đô: Trách nhiệm của cộng đồng

Cập nhật: 20/08/2010
Môi trường là vấn đề thách thức lớn nhất đối với toàn cầu, mỗi quốc gia và khu vực trong thế kỷ XXI, đặc biệt ở những thành phố đông dân cư như Hà Nội.

Trong cuộc hội thảo khoa học "Nghìn năm môi trường Hoa Lư - Thăng Long - Hà Nội" vừa được tổ chức tại Ninh Bình, 100 nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia về lĩnh vực môi trường đều chung nhận định, bảo vệ môi trường Thủ đô Hà Nội là trách nhiệm chung của cả cộng đồng.

Theo GS.TS. Vũ Hoan - Chủ tịch Liên hiệp các hội KH&KT Hà Nội, tất cả cộng đồng, các tổ chức đoàn thể đều đã và đang tích cực tham gia bảo vệ môi trường. Trong đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Hà Nội và Hội Nông dân Hà Nội tập hợp và vận động hội viên của mình là đại đa số người trong cộng đồng hoạt động môi trường rất có kết quả, luôn đi đầu trong sự nghiệp bảo vệ môi trường Thủ đô "Xanh -sạch - đẹp". Cách đây 14 năm, Hội LHPN Hà Nội đã phát động phong trào "Vì môi trường trong sạch, phụ nữ và nhân dân Thủ đô không đổ rác, phế thải ra đường và nơi công cộng, phong trào đã phát triển sâu rộng và trở thành hành động chung của các cấp, ngành và nhân dân toàn thành phố, hiện nay đang được cụ thể hoá thành cuộc vận động "Toàn dân không vứt, đổ rác ra đường, phố và nơi công cộng".
Hội Nông dân Hà Nội hiện có trên 500 ngàn hội viên và trên 4 triệu nông dân, chiếm 63% dân số Thủ đô. Các cấp hội phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể liên quan tổ chức hưởng ứng ra quân Tuần lễ Quốc gia nước sạch vệ sinh môi trường và Ngày môi trường thế giới 5/6, điển hình như các quận, huyện: Từ Liêm, Thường Tín, Thanh Oai, Hà Đông... Hội còn tổ chức các lớp truyền thông về vệ sinh môi trường, luật bảo vệ môi trường, quản lý môi trường nông thôn; thu gom, phân loại, xử lý rác thải, sử dụng nguồn nước sạch cho 3.000 cán bộ, hội viên nông dân. Các cơ sở hội duy trì, phát triển các câu lạc bộ nông dân tự quản, phát động hội viên nông dân thu gom, phân loại, xử lý, tái chế chất thải, khơi thông cống rãnh, quét dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khu phố vào thứ Bẩy hàng tuần, thực hiện Cuộc vận động "Toàn dân không vứt, đổ rác, phế thải ra đường và nơi công cộng".
Các hội khoa học kỹ thuật và các doanh nghiệp cũng tích cực tham gia bảo vệ môi trường Thủ đô với những việc làm thiết thực, qua những đề tài, đề án về môi trường, dự án thu gom và xử lý chất thải, các mô hình tổ dịch vụ môi trường, mô hình áp dụng tiếp cận sản xuất sạch hơn trong công nghiệp…
Các tổ chức tình nguyện trẻ cũng tích cực trong việc tham gia bảo vệ môi trường. Đầu năm 2010, Thành đoàn Hà Nội đã khởi động chiến dịch "Vì thành phố tôi yêu". Hơn 1.000 tình nguyện viên trẻ đã thực hiện thu gom rác ở các tuyến đường, khu phố chính, dọn sạch rác ứ đọng ở các cống, rãnh, kênh giúp thông thoát. Thành đoàn Hà Nội đã tổ chức các đội quân tình nguyện tổ chức ra quân bóc, xóa biển quảng cáo, rao vặt trái phép trên địa bàn Hà Nội; tổ chức các đoàn tuyên truyền gìn giữ, bảo vệ môi trường. Chiến dịch với khẩu hiệu Nghĩ xanh, sống xanh "Vì thành phố tôi yêu" nhằm kêu gọi công dân ý thức rõ về thực trạng môi trường sống trong cộng đồng, và cùng hành động bảo vệ môi trường, góp phần làm cuộc sống cộng đồng tốt đẹp hơn.
Từ nhiều năm nay, thanh niên với các phong trào tình nguyện đã là hình ảnh đẹp của giới trẻ Việt Nam. Bên cạnh hoạt động tình nguyện truyền thống là giúp đỡ trẻ em nghèo, mồ côi… thì vài năm gần đây, hoạt động tình nguyện vì môi trường diễn ra rất đa dạng, sôi nổi, thu hút sự tham gia của đông đảo bạn trẻ. Điển hình là Câu lạc bộ Đạp xe vì môi trường (C4E) được thành lập thu hút 1.000 học sinh, sinh viên tham gia bảo vệ môi trường bằng hình thức đạp xe với các khẩu hiệu bảo vệ môi trường và thu dọn vệ sinh tại một số điểm chính trên địa bàn Hà Nội. Có thể nói, thành công của C4E là hình ảnh những người trẻ mặc áo xanh đạp xe trên đường phố gần gũi và gây được nhiều thiện cảm với người dân nhiều tỉnh, thành phố. Đó là hình ảnh của những người yêu môi trường, hoạt động để bảo vệ môi trường, thể hiện sự cống hiến của tuổi trẻ cũng như niềm tin, niềm mong mỏi môi trường sẽ xanh, sạch, đẹp hơn nếu có sự chung tay của tất cả cộng đồng. Nhiều tình nguyện viên trong C4E đã chuyển hẳn từ xe máy sang xe đạp, đi ghép đôi nếu đường xa để tiết kiệm tiền xăng, giảm khói bụi.
Hiện Hà Nội có 9 CLB tình nguyện vì môi trường. Tham gia các CLB này, không những giới trẻ được thể hiện tình yêu với môi trường, có những hành động để bảo vệ, gìn giữ môi trường mà còn góp phần giúp hình thành làn sóng "sống xanh" trong giới trẻ, tức là sống quan tâm và có trách nhiệm với môi trường, trong suy nghĩ, hành động luôn hướng tới môi trường sạch và phát triển bền vững.

Nguồn: Báo Kinh tế đô thị