Ở một số làng làm bún, làm giày da ở huyện Gia Lộc, rác và nước thải đang ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của nhân dân. Nguồn nước, đất và không khí bị ô nhiễm đều vượt nhiều lần các chỉ tiêu về vệ sinh môi trường...
Dù đã áp dụng nhiều biện pháp giảm thiểu ô nhiễm, nhưng chuyển biến về môi trường ở làng giết mổ gia súc Văn Thai (Cẩm Giàng) vẫn chưa đáng kể. Mỗi gia đình làm nghề này thải ra mỗi ngày 3- 4m3 nước thải và hàng chục kg xương.
Tất cả đều thải trực tiếp ra ao hồ, ruộng lúa quanh làng. Thôn Mạn Đê (xã Nam Trung, Nam Sách) từng là một điển hình về môi trường xanh- sạch, nay cũng đang "kêu cứu" vì rác và nước thải của làng nghề chế biến nông sản.
Trong 700 hộ của thôn có tới hơn 300 hộ làm nghề, mỗi ngày thải ra 3 tấn rác, chủ yếu là phế phẩm từ hành, tỏi, bí ngô, riềng. Mỗi tuần, rác thải chỉ được thu gom, xử lý một lần.
Một người dân trong thôn cho biết, sợ nhất vào mùa làm mủa, rác như đống rơm trên đường đi, gom đốt không kịp, gặp mưa là thối um. Ao, hồ ở đây đã cơ bản được lấp... bằng rác, cả làng đều ăn bằng nước mưa, tắm rửa bằng nước giếng khơi.
Tại 3 thôn của xã Lai Vu (Kim Thành) có nhiều nguồn gây ô nhiễm, nhưng lớn nhất là chất thải trong chăn nuôi. Mỗi ngày, gần 30 nghìn con lợn thải ra khoảng 40 tấn phân, trong đó chỉ 1/3 được xử lý. Phân tích các mẫu nước thải, nước mặt và không khí cho thấy, hầu hết các chỉ tiêu đều vượt tiêu chuẩn cho phép: Nồng độ khí H2S vượt tiêu chuẩn cho phép 71%; nước thải có hàm lượng N-NH3 vượt 31,6 lần, BOD và COD đều vượt từ 3,2 đến 3,96 lần, Coliform vượt tới 55 lần…
Nhiều thủy vực ở nông thôn không còn khả năng tự làm sạch. Chất thải sản xuất, sinh hoạt thải bừa bãi, không được quản lý và xử lý kịp thời, tăng thêm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và đời sống nhân dân ở nhiều làng nghề.
Theo thống kê của ngành y tế, ở một số làng nghề, số lượng người mắc các bệnh ung thư, đường ruột, sốt xuất huyết, đau mắt, phụ khoa, viêm đường hô hấp, nhất là ở trẻ em có chiều hướng gia tăng và xảy ra thường xuyên hơn. Gần đây nhất, một số nơi ở Cẩm Giàng, Bình Giang… đã xuất hiện dịch tiêu chảy cấp.
Nguyên nhân chính của tình trạng ô nhiễm ở các làng nghề là do quy mô sản xuất nhỏ nên khó khăn trong đầu tư cải tiến công nghệ, nâng cấp máy móc, thiết bị; tập quán sản xuất, sinh hoạt vẫn theo kiểu "tiểu nông”; trình độ của người lao động hạn chế, chỉ học nghề theo kinh nghiệm; cơ sở hạ tầng ở nông thôn rất hạn chế.
Đặc biệt, nhận thức và ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường (BVMT) của cộng đồng dân cư còn rất hạn chế, hiệu quả quản lý nhà nước về môi trường chưa cao...
Tại các làng nghề chế biến nông sản An Thuỷ (Hiến Thành, Kinh Môn), giết mổ trâu, bò Văn Thai có gần 90% số dân cho rằng trách nhiệm BVMT là của cộng đồng, nhưng ở Lai Vu lại có tới 64% số người được hỏi cho rằng, đó là công việc của chính quyền(!)
Theo báo cáo kết quả thực hiện dự án "Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tổng hợp xử lý môi trường làng nghề" do Sở Khoa học và Công nghệ triển khai trong 2 năm 2007 và 2008, qua 10 làng nghề ở 6 xã thực hiện thí điểm, bước đầu đã góp phần tích cực nâng cao ý thức BVMT trong nhân dân, đồng thời đã hình thành được một số điển hình về BVMT.
Hầu hết các cơ sở tham gia dự án đã xây dựng mô hình cộng đồng tham gia quản lý và BVMT. Bên cạnh sự hỗ trợ của lực lượng chuyên môn và các cấp chính quyền, từng cơ sở đã xây dựng quy ước BVMT, kế hoạch giám sát các hoạt động có tác động đến môi trường, thành lập 6 nhóm "Năng suất xanh", với quy chế và nội dung hoạt động cụ thể như tuyên truyền pháp luật, kiến thức khoa học về môi trường; tổ chức 11 tổ thu gom và xử lý rác thải; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong xử lý môi trường.
Từ các cơ sở thí điểm “Cộng đồng BVMT” đã nhân rộng như ở xã Chi Lăng Nam (Thanh Miện), từ thôn Hội Yên có thêm 2 thôn An Dương và Triều Dương; ở Cẩm Văn, từ thôn Văn Thai đã có cả 3 thôn còn lại của xã tham gia; ở xã Lai Vu đã thu hút thêm 3 thôn của xã Cộng Hoà kế bên…
Tuy nhiên, để tăng cường công tác quản lý và BVMT, mỗi người dân, cơ sở sản xuất trong làng nghề cần nâng cao nhận thức và có hành động BVMT. Cùng với thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống ô nhiễm môi trường, cần xác định hiện trạng và nguyên nhân ô nhiễm của làng nghề, để có biện pháp hữu hiệu cải tạo và phục hồi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Kiên quyết xử lý các hành vi gây ô nhiễm môi trường.
Cần nhân rộng các điển hình thực hiện nghiêm quy định đánh giá tác động môi trường; mô hình “xanh, sạch, đẹp”; thu gom và xử lý rác thải, vệ sinh môi trường khu vực nông thôn; bãi chôn lấp rác kỹ thuật ở các thị trấn; tổ dịch vụ thu gom rác cấp thôn, xã... Vận động các hộ làm nghề gây ô nhiễm ở khu dân cư di dời ra các cụm công nghiệp, nhằm có điều kiện xử lý môi trường tốt hơn. Thực hiện các giải pháp cụ thể về tổ chức, đào tạo, tập huấn, xác định những vấn đề cần ưu tiên giải quyết về môi trường. Trong đó, cần lưu ý ngay từ khi hình thành sản xuất phải gắn với BVMT, thực hiện thu gom và xử lý chất thải, nước thải một cách chặt chẽ.
Nâng cao nhận thức cho người dân trong cộng đồng, xây dựng và áp dụng quy ước BVMT, xây dựng mô hình cộng đồng thường xuyên giám sát BVMT. Làm tốt công tác BVMT là một trong những tiêu chí để xét thi đua; xét và công nhận làng nghề, làng và khu dân cư văn hoá.
Tăng cường công tác xã hội hoá BVMT...Làng nghề không chỉ là một lực lượng phát triển kinh tế, mà còn là một thành tố hình thành nên đời sống dân cư nông thôn mới, do đó BVMT không chỉ là một nhiệm vụ có tính xã hội sâu sắc, mà còn là vấn đề sống còn, bảo đảm sự phát triển bền vững.