Làm thế nào để xây dựng, bảo vệ môi trường văn hoá nhân văn vùng ven biển Nghệ An, xây dựng con người, xây dựng quan hệ giữa người với người, giữa người với biển...,để biển Nghệ An luôn xứng đáng là nơi lưu giữ những giá trị văn hoá truyền thống, điểm đến của mối quan tâm tâm linh của người Việt thì vấn đề ứng xử văn hoá của con người với biển cả đang là một yêu cầu cấp thiết đặt ra hiện nay.
Phải thẳng thắn nói rằng, từ trước đến nay chúng ta đã lấy đi của biển quá nhiều, mà chưa nghĩ đến việc phải làm gì cho biển. Có chăng, cũng mới chỉ là những giải pháp, đề xuất, kiến nghị trên giấy tờ, văn bản mà rất ít có cơ hội được thực thi.
Trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước, Nghệ An được xác định là trung tâm kinh tế trọng yếu của khu vực Bắc Trung Bộ, trong đó tập trung chủ yếu vùng ven biển.
TS. Nguyễn Duy Tuấn - Giám đốc Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam tại Nghệ An - nhận định: “Từ bài học của rừng vàng cả nước cũng như Nghệ An đã cơ bản hoàn thành xong việc phá rừng, làm cho rừng chỉ tiêu xài được trong vài ba chục thập kỷ mà chúng ta không làm cho mình giàu từ những rừng vàng đó... Bây giờ đến lượt “biển bạc”, chúng ta đừng để phải thất vọng... ” Vậy thì, phải làm gì đây để giữ biển?!
Trước hết, biển cần ở con người một lối tư duy thông thoáng, cởi mở, biết đón nhận và biết tiếp thu. Tư duy đúng và đánh giá đúng tư duy để có được những giải pháp hữu hiệu trong việc khai thác, bảo tồn, gìn giữ và phát huy tài nguyên biển.
Có nhiều nguyên nhân giải thích tình trạng nêu trên, trong đó có những nguyên nhân về kinh tế, gắn với sự nghèo nàn, manh mún của một nền kinh tế kém phát triển, có những nguyên nhân về khoa học công nghệ, gắn với sự lạc hậu, tụt hậu về trình độ phát triển nhưng bao trùm và mang tính tiền đề là nguyên nhân gắn với tư duy và tầm nhìn phát triển.
Theo GS.TS Trần Đình Thiên - Viện Kinh tế Việt Nam - tư duy tiểu nông với phương thức sinh tồn chỉ dựa vào đất, tầm nhìn tự cấp tự túc bị bó hẹp trong không gian làng xã đã có những ảnh hưởng to lớn theo hướng cản trở quá trình xác lập và phát triển hệ tư duy phát triển “mở”, hướng ra thế giới và vươn ra đại dương.
Nguyên nhân đó gắn với tư duy, với tầm nhìn phát triển chưa thể hiện tư tưởng vươn ra biển lớn, gắn kết đất liền với đại dương để giải quyết bài toán phát triển mang tầm thời đại của dân tộc.
Bên cạnh đó, phải kể đến một phương pháp quản lý hiệu quả, bởi lẽ, vấn đề quản lý biển và hải đảo của Nghệ An vừa chứa đựng yếu tố địa phương, lại vừa chứa đựng yếu tố quốc gia, yếu tố khu vực và quốc tế.
Cho nên, công tác quản lý một mặt phải tập trung vào việc quản lý liên vùng, mặt khác phải chú trọng quản lý tại địa phương, quản lý theo từng vùng quy hoạch, chuẩn bị điều kiện để vươn khơi và từng bước vươn ra khai thác đại dương.
Nhưng, có lẽ, điều mà biển khát nhất, nói đi nói lại, vẫn phải là vấn đề đầu tư cho biển như thế nào cho đúng, cho hiệu quả. Nhân dân ta vừa sợ hãi biển, thờ cúng biển, cầu xin biển, kính nể biển nhưng lại toàn lợi dụng biển, khai thác biển mà chưa có gì gọi là bồi dưỡng biển, nuôi dưỡng những sinh vật biển, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên biển... nhất là bảo vệ giữ gìn toàn vẹn lãnh hải biển còn nhiều thiếu sót...
Do vậy, phải chú trọng đến vấn đề an ninh quốc phòng biển, giao thông vận tải biển, bảo vệ môi trường biển... Đặc biệt, vấn đề đầu tư khai thác biển lúc này phải làm sao cho “ra tấm ra miếng”, tránh tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, lạc hậu.
Muốn tiến ra biển lớn phải chấp nhận đầu tư lớn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phải duy trì được tính bền vững về mặt tài nguyên môi trường. Phải có một hệ thống máy móc phương tiện kỹ thuật hiện đại với các tàu thuyền lớn phục vụ cho công tác khai thác, và đồng thời phải đào tạo được đội ngũ những người “thợ biển”, những công dân biển có trình độ, có tay nghề tinh thông vững chắc để làm chủ “biển bạc”, khai thác và bảo vệ an ninh, nuôi trồng tái tạo nguồn tài nguyên biển đang có.
Khi đã có những công dân biển có trình độ, đã qua đào tạo các trình độ ta phải thay đổi cách kinh doanh, khai thác biển. Có như vậy, biển Nghệ An mới có thể hoà vào dòng chảy đại dương, Nghệ An mới có thể trở thành một tỉnh mạnh lên từ biển và làm giàu từ biển.
Để phát huy tiềm năng vùng biển, phát triển mạnh mẽ kinh tế biển và ven biển, Nghệ An đã, đang và sẽ tiến hành nhiều chương trình, đề án. Trước hết, tập trung phê duyệt quy hoạch kinh tế- xã hội, quy hoạch chung, quy hoạch ngành, quy hoạch sử dụng đất đai và các loại quy hoạch vùng biển và ven biển, tạo không gian và hệ thống liên hoàn khai thác hiệu quả yếu tố biển.
Cần phải quy hoạch hệ thống đô thị ven biển gồm thành phố Vinh - đô thị loại 1; Thị xã Cửa Lò - đô thị loại 3 và đang phấn đấu thành Thành phố du lịch biển; thành lập thị xã Phủ Diễn- Diễn Châu và Thị xã Hoàng Mai tạo thành chuỗi đô thị ven biển làm động lực để phát triển kinh tế biển.
Triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Trước mắt tập trung nguồn lực để xây dựng các đường giao thông trọng yếu như: Đường nối Quốc lộ 48 (Thái Hoà) - Tân Thắng- Hoàng Mai - Đông Hồi - Cảng Nghi Sơn (Thanh Hóa). Tuyến đường huyết mạch này dài 47km, mặt bê tông nhựa rộng 11m sẽ kết nối miền Tây Bắc Nghệ An (Quế Phong, Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu) xuống Cảng Nghi Sơn (Thanh Hoá).
Xây dựng đường nối huyện Tân Kỳ được ví như thủ đô xi măng của cả nước xuống đường Nam Cấm- Cửa Lò dài 73 km, tuyến đường này có vị trí chiến lược quan trọng, là con đường nguyên liệu gắn kết miền Tây Nam xứ nghệ với Cảng Cửa Lò. Xây dựng đường quốc lộ ven biển nối từ Cảng Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến Cảng Cửa Lò đi qua các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Cửa Lò và trong tương lai sẽ nối với Nghi Xuân- Hà Tĩnh bằng cầu Bến Thuỷ 3.
Triển khai xây dựng tuyến đường nối Thành phố Vinh và Thị xã Cửa Lò dài 12km, rộng 16m để kết nối đô thị Vinh - Cửa Lò nhanh chóng trở thành Trung tâm kinh tế văn hoá khu vực Bắc trung Bộ, đồng thời xây dựng nhiều tuyến đường ngang nối Quốc lộ 1 với đường ven biển, tạo thành hệ thống mạng giao thông thông suốt góp phần thu hút đầu tư phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Lập quy hoạch và triển khai xây dựng Cảng Cửa Lò với công suất hai bờ Bắc - Nam là 15 triệu tấn/năm, tàu 3 vạn tấn ra vào thuận lợi. Xây dựng Cảng Đông Hồi thành Cảng chuyên dụng công suất 10 triệu tấn/năm, tầu 1 vạn tấn vào ra thuận lợi. Nâng cấp sân bay Vinh, hoàn thành hệ thống đèn bay đêm, hệ thống nâng hạ cánh tự động IRS, hiện đại hoá nhà ga và hạ tầng, mở thêm tuyến bay quốc tế và nội địa. Đề nghị Chính phủ triển khai nhanh tuyến đường cao tốc Vinh - Hà Nội.
Tập trung phát triển khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp Tân Thắng, Hoàng Mai, Đông Hồi, Bắc Vinh và các khu công nghiệp nhỏ. Ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ sạch, công nghệ hiện đại, các dự án có quy mô lớn.
Trước mắt thúc đẩy để hoàn thành hai nhà máy bia Hà Nội và Sài Gòn giai đoạn I là 150 triệu lít/ năm, triển khai xây dựng nhà máy nhiệt điện 2.400MW với tổng mức đầu tư 2,85 tỉ USD, nhà máy lọc hoá dầu, hai nhà máy xi măng Tân Thắng của Tổng công ty xi măng Việt Nam và Ngân hàng Bắc Á 5,9 triệu tấn/ năm và nhiều dự án khác. Quan tâm đến việc phát triển làng nghề và làng có nghề, chính đây là công việc để xoá đói giảm nghèo nhanh nhất và góp phần ổn định xã hội.
Nghệ An có bờ biển dài 82 km, 6 cửa lạch, trong đó Cửa Lò và Cửa Hội có nhiều điều kiện thuận lợi nhất cho xây dựng cảng biển. Đặc biệt, biển Cửa Lò được xác định là cảng biển quốc tế quan trọng của vùng Bắc Trung Bộ, đồng thời cũng là cửa ngõ giao thông vận tải biển giữa Việt Nam, Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan. Hải phận Nghệ An có 4.230 hải lý vuông, tổng trữ lượng cá biển trên 80.000 tấn, khả năng khai thác trên 35- 37 nghìn tấn/năm. Biển Nghệ An không chỉ nổi tiếng về các loại hải sản quý hiếm mà còn được biết đến bởi những bãi tắm đẹp và hấp dẫn như bãi biển Cửa Lò, bãi Nghi Thiết, bãi Diễn Thành, Cửa Hiền... Đặc biệt, đảo Ngư cách bờ biển 4 km có diện tích trên 100 ha, mực nước quanh đảo có độ sâu 8 – 12 m rất thuận lợi cho việc xây dựng một cảng nước sâu trong tương lai, góp phần đẩy mạnh việc giao lưu hàng hoá giữa nước ta và các nước khác trong khu vực.