Hướng tới Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội: Công viên Thống Nhất, lá phổi xanh giữa lòng thành phố

Cập nhật: 09/09/2010
Công viên Thống Nhất, nơi được ví như "lá phổi xanh" giữa lòng thành phố Hà Nội vừa vinh dự đón nhận công trình tượng đài Bác Hồ- Bác Tôn, món quà quý của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh tặng Thủ đô nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Tượng đài hai vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc được đặt trong khuôn viên đảo Thống Nhất, thể hiện tình đoàn kết Nam-Bắc một nhà.

Cùng với việc cải tạo, chỉnh trang tổng thể công viên, việc lắp dựng thành công tượng đài Bác Hồ- Bác Tôn trong công viên đã thể hiện lòng thành kính của người dân Thủ đô đối với hai vị lãnh tụ và tạo nên một diện mạo mới cho công viên.

Là một trong những công viên lớn của Thủ đô và cả nước, công viên Thống Nhất rộng 54ha, trong đó có 21 ha mặt nước và 33 ha đất liền. Công viên tiếp giáp với 4 mặt phố Trần Nhân Tông, Nguyễn Đình Chiểu, Lê Duẩn và Đại Cồ Việt, trong công viên có Hồ Bảy Mẫu điều hòa không khí và làm đẹp cảnh quan công viên. Trước đây, công viên Thống Nhất mang tên công viên Lê Nin nhưng khi vườn hoa Chi Lăng được đặt tên công viên Lê Nin thì công viên Thống Nhất dùng lại tên cũ- Công viên Thống Nhất như bây giờ.  

Để chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, thành phố đã đầu tư 64 tỷ đồng chỉnh trang đồng loạt các hạng mục nạo vét hồ, cải tạo, chỉnh trang cây xanh, đường dạo. Các đơn vị thi công chạy đua với thời gian để kịp hoàn tất những hạng mục cuối cùng trước ngày Đại lễ. Đế nay, công việc kè bờ, nạo vét hồ do Tổng công ty đầu tư và phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) thực hiện đã hoàn tất. Hồ Bảy Mẫu đã được đưa nước về từ ngày 10/8. Một trạm xử lý nước cũng đã được xây dựng, hồ Bảy Mẫu không chỉ làm đẹp cảnh quan, điều hòa không khí mà còn điều tiết mực nước khi xảy ra mưa lớn. Các hạng mục tiểu cảnh như cầu bộ hành, kè hồ xung quanh cầu cũng được công ty cổ phần xây dựng và tư vấn thiết kế Nam Việt đang khẩn trương hoàn thiện.  Còn nhà thầu UDIC cũng tập trung nhân lực, vật lực để khẩn trương hoàn thiện trải thảm đường, tiểu cảnh khu vực cổng công viên Thống Nhất.       

Công trình tượng đài Bác Hồ- Bác Tôn cũng đã được lắp dựng thành công trong khuôn viên đảo Thống Nhất- Công viên Thống Nhất với diện tích hơn 6.000 m2, được bao quanh bằng nhiều cây xanh, thể hiện tư thế Bác Hồ đang bắt tay chúc mừng Bác Tôn sau khi Bác Tôn được Quốc hội khóa II năm 1960 bầu làm Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau hơn 8 tháng thi công tại cơ sở đúc đồng Phương Nam, công trình đã hoàn thành vào ngày 12-7 với chiều cao 5,4m, nặng khoảng 20 tấn, bằng chất liệu đồng hợp kim. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn thì đây là bức tượng về Bác Hồ và Bác Tôn đẹp nhất từ trước đến nay. Ngoài các yếu tố kỹ thuật, mỹ thuật, thành công của tác phẩm này chính là đã thể hiện được phong thái của hai vị lãnh tụ đáng kính của dân tộc, từ trang phục, ánh mắt, thế đứng, tư thế bắt tay… thể hiện tinh thần đoàn kết, thống nhất của cả dân tộc.

Mặc dù, những ngày này, công viên Thống Nhất vẫn còn một vài đoạn đường dạo đang dở dang nhưng hàng ngày vẫn thu hút đông đảo người dân Thủ đô vào dạo chơi, thư giãn, tập thể dục... Không khí mát mẻ, trong lành khiến con người dễ chịu, thư thái, quên đi những lo toan, mệt nhọc hàng ngày. Những buổi sáng, trong công viên, các cụ già thong thả đi bộ vẻ mặt hồng hào, dáng người thư thái hay nhịp nhàng trong những vũ điệu; lớp thanh niên sôi động trong các bài tập thể dục hay điệu nhảy hiện đại còn trẻ con thì chạy nhảy tung tăng, gợi cảm giác thật yên ả, thanh bình.

Công viên Thống Nhất xưa và nay vẫn vậy, luôn là niềm tự hào của người dân Hà Nội.  Hình ảnh công viên Thống Nhất trước đây với cầu Thống Nhất, đảo Hoà Bình, đảo dừa, đảo gió... tượng trưng cho khát vọng tự do, hòa bình, thống nhất hai miền nam bắc đã đi sâu vào trí nhớ bao thế hệ  người dân Thủ đô. Khát vọng đó giờ đây đã trở thành sự thật, đất nước giành được độc lập, tự do, Bắc- Nam thống nhất một nhà. Giờ đây, khi Thăng Long- Hà Nội tròn 1000 năm tuổi, các thế hệ con cháu tiếp tục tôn tạo, gìn giữ để công viên Thống Nhất luôn là một "thiên đường", là "lá phổi xanh" của thành phố và hơn thế, đó là giữ gìn một biểu tượng của tinh thần đoàn kết, thống nhất dân tộc. 
 

Nguồn: Báo Tài nguyên và Môi trường