Đô thị hóa khiến môi trường Hà Nội ngày càng ô nhiễm

Cập nhật: 13/09/2010
Theo các chuyên gia về môi trường, thủ đô Hà Nội ngày càng bị đe dọa nghiêm trọng bởi ô nhiễm mà nguyên nhân chính là vì quá trình đô thị hóa chưa được quản lý và kiểm soát một cách chặt chẽ.

Ô nhiễm gấp chục lần cho phép.

Phát biểu tại Hội thảo khoa học “Nghìn năm môi trường Hoa Lư – Thăng Long – Hà Nội” diễn ra ngày 08/09 vừa qua, GS. TS Phạm Ngọc Đăng, Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam cho rằng, môi trường Hà Nội đang diễn biến theo chiều hướng xấu đi, đặc biệt là trong khoảng thời gian 1000 ngày tính đến Đại lễ 1000  năm Thăng Long – Hà Nội.

Theo ông Phạm Ngọc Đăng, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam (VACNE), môi trường không khí ở Hà Nội hiện nay bị ô nhiễm nặng, nồng độ bụi trung bình gấp 2 – 3 lần quy chuẩn cho phép.

Ở các khu vực xây dựng hay sửa chữa đường sá thì nồng độ bụi gấp 5 – 7 lần, thậm chí có nơi trên 10 lần quy chuẩn cho phép. Ô nhiễm không khí  ở các đường phố, khi bị tắc nghẽn giao thông, có thể tăng lên gấp 2 – 3 lần so với mức độ ô nhiễm khi bình thường.

Về nước thải, hiện Hà Nội cũ mới xử lý được khoảng 5% nước thải sinh hoạt, còn 95% nước thải sinh hoạt đô thị chỉ xử lý sơ bộ rồi đổ thẳng ra sông, hồ gây ô nhiễm trầm trọng môi trường nước mặt. Ở hầu hết các đô thị vệ tinh của Hà Nội đều chưa có trạm xử lý nước thải sinh hoạt nào.

Trong khi đó, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt thành phố Hà Nội phát sinh trước năm 1995 chỉ khoảng 2000 tấn/ngày, nay tăng lên 4000 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom mới đạt khoảng 80 – 85%.

“Hà Nội đã đặt ra kế hoạch thực hiện nhiều dự án môi trường nhằm cải thiện chất lượng môi trường Hà Nội nhưng hiệu quả chưa đạt được như mong muốn, cục bộ có nơi, có lúc bị ô nhiễm hơn”, ông Phạm Ngọc Đăng, một trong những chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực ô nhiễm không khí ở Việt Nam, nói.

TS Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam, nói: “Chúng ta đang cùng các nước phấn đấu hoàn thành mục tiêu Thiên Niên kỷ trong đó có mục tiêu môi trường vào năm 2015, phấn đấu để Việt Nam, một trong những nước có đa dạng sinh học vào loại cao nhất thế giới, có thể đối phó thành công với các thách thức môi trường, trong đó có tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu”.

Hình thức trong đánh giá tác động môi trường

Ông Phạm Ngọc Đăng, cho rằng một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng ô nhiễm tại Hà Nội nói riêng và các đô thị nói chung không ngừng xấu đi là do nhiều quy định của pháp luật về quản lý đô thị nói chung, quản lý môi trường nói riêng chưa được thực hiện nghiêm minh. Thí dụ các công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư (công trình và các khu đô thị mới) còn mang tính hình thức.

Việc kiểm tra, kiểm soát môi trường sau đánh giá tác động môi trường hầu như không được tiến hành. Nhiều công trình cao tầng trong bốn quận nội thành cũ chưa xem xét đến sự quá sức chịu tải môi trường của hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội, trên thế giới, không có quốc gia nào thực hiện công nghiệp hóa mà không đồng thời đô thị hóa, chỉ khác ở quá trình diễn ra thuận lợi hay để lại hậu quả không mong muốn về dịch vụ công, phân hóa giàu nghèo và nhất là về môi trường.

Những đô thị đã có quá trình lịch sử lâu dài như Hà Nội thì đô thị hóa càng nhanh càng gặp nhiều khó khăn khi giải quyết môi trường. Trên thế giới, đã có những đô thị trong thời gian nhất định đã chọn đô thị hóa nhanh, tăng trưởng nhanh trước rồi sau mới lo đến môi trường và để có được môi trường bền vững đã phải giải quyết hậu quả rất lớn.

Cũng có những đô thị, để phát triển không lựa chọn, không áp dụng ngay các tiêu chuẩn môi trường tiên tiến song khi lập kế hoạch phát triển kinh tế đã có tính đến chi phí về môi trường.

Ông Đăng cho biết thêm trong đồ án “Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” có đưa ra mục tiêu tăng diện tích đất cây xanh trong đô thị từ 2 – 3m2/người hiện nay lên 10 – 15m2/người chỉ như là khẩu hiệu, không hề có phương án quy hoạch như thế nào để đạt được mục tiêu trên.

“Lựa chọn định hướng nào để đô thị hóa có hiệu quả trước hết cần quy hoạch đô thị nói chung, Hà Nội nói riêng phải đánh giá đúng thực trạng để lựa chọn hợp lý và đề xuất các yêu cầu về môi trường”, ông Đào Ngọc Nghiêm nói.

Nguồn: Vietnamnet