Theo Tiến sĩ Nguyễn Trung Việt, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, cây xanh có tác động rất tốt đến việc thích ứng với biến đổi khí hậu. Nếu phát triển mảng xanh hợp lý, đầy đủ theo quy chuẩn, TPHCM sẽ có thêm một giải pháp hữu hiệu để thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hạn chế hiện tượng đảo nhiệt
Cây xanh hấp thụ CO2 - một trong những loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính, tác nhân trực tiếp tạo ra hiện tượng biến đổi khí hậu. Thế nhưng, tại một đô thị đông đúc như TPHCM, cây xanh còn có thêm tác dụng không kém phần quan trọng đối với công tác bảo vệ môi trường sống của người dân, đó là hạn chế hiện tượng đảo nhiệt.
Tiến sĩ Nguyễn Trung Việt cho biết, nhiệt độ trung bình tại TPHCM gần như luôn luôn nóng hơn các địa phương khác trong vùng do nhiệt độ tỏa ra từ hoạt động của hàng triệu phương tiện giao thông và hàng trăm ngàn máy điều hòa nhiệt độ cùng nhiều máy móc thiết bị kỹ thuật sử dụng nhiệt năng khác. Nhiệt độ cao sẽ tạo ra những luồng khí nóng và khí nóng vốn nhẹ, sẽ bốc lên tạo cơ hội cho các luồng không khí lạnh từ các nơi khác dồn về.
Hiện tượng đảo nhiệt này là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây ra nhiều trận mưa lớn bất thường ở TPHCM trong thời gian gần đây.
Thống kê của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TPHCM cũng cho thấy, từ năm 2003 đến năm 2009, số lượng các trận mưa tại thành phố có vũ lượng trên 30mm đã tăng gần gấp đôi và mưa lớn đang tạo áp lực nặng lên hệ thống thoát nước của TPHCM. Cây xanh sẽ làm hạn chế hiện tượng đảo nhiệt bằng cách hấp thu một phần nhiệt độ và làm dịu mát bầu không khí.
Tiến sĩ Nguyễn Trung Việt còn cho biết, phát triển mảng xanh để trang trí thay cho tình trạng bê thông hóa còn có tác dụng giúp thẩm thấu nước xuống đất, góp phần chống ngập và bảo tồn nguồn nước ngầm cho thành phố.
Thiếu đất cho cây xanh
Cây xanh có tác dụng rất lớn trong việc bảo vệ môi trường, chống thích ứng với biến đổi khí hậu nhưng tại TPHCM cây xanh lại đang rất thiếu đất để phát triển. Sở Giao thông Vận tải - cơ quan quản lý Nhà nước về công tác phát triển mảng xanh của TPHCM cho biết, hầu hết các công viên lớn như Tao Đàn, Lê Văn Tám, 23-9, Gia Định, Hoàng Văn Thụ, Thảo Cầm Viên… đều có từ trước 1975.
Đến nay, thành phố gần như chưa bổ sung thêm được công viên lớn nào khác trong khi dân số thành phố đang tăng rất nhanh. Hiện, trong nội thành, bình quân diện tích cây xanh trên một người dân mới là 0,92m²/người, trong khi theo quy chuẩn xây dựng của Việt Nam tỷ lệ này phải trên 7m²/người.
Thời gian gần đây, TPHCM đã tiến hành trồng cây tại nhiều tuyến đường có vỉa hè rộng hoặc trồng cây xanh dưới các dạ cầu, trụ sở văn phòng một số công sở… giúp diện tích mảng xanh tăng lên đáng kể. Thế nhưng mảng xanh này chỉ có tác động cải tạo không khí dọc tuyến đường, chưa có tác động lớn đến môi trường không khí toàn thành phố.
Công tác phát triển mảng xanh lớn, có tác động mạnh mẽ đến việc cải thiện chất lượng môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu đang gặp nhiều khó khăn.
Sở Giao thông Vận tải cho biết, đã tiến hành rà soát lại công tác phát triển mảng xanh tại các quận, huyện và nhận thấy nhiều diện tích đất theo quy hoạch dành cho công viên cây xanh đã bị không ít quận, huyện chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác.
Là đơn vị trực tiếp giúp các quận, huyện điều chỉnh lại quy hoạch chi tiết phát triển đô thị, Viện Quy hoạch Kiến trúc TPHCM cũng có những thông tin tương tự.
Ông Hoàng Minh Trí, Viện trưởng Viện QH-KT nêu ví dụ, công viên Đồng Diều ở quận 8, sau nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, hiện diện tích chỉ còn khoảng 50% so với quy hoạch ban đầu. Hay như ở quận Gò Vấp, cả một làng hoa nổi tiếng một thời, giờ diện tích đã bị thu hẹp còn khoảng 10%-20% so với trước.
“Sự lơi lỏng trong quản lý đất đai là nguyên nhân chính đưa đến tình trạng này”, ông Hoàng Minh Trí nhận định.
Cách nay hơn 10 năm, khi lập đồ án quy hoạch phát triển đô thị lần đầu tiên sau 1975, các tư vấn lập quy hoạch đã khuyến cáo chính quyền địa phương phải có giải pháp giữ đất để xây dựng các công trình công cộng, trong đó có cây xanh. Tuy nhiên, lưu ý này đã không được quan tâm đúng mức và kết quả hiện nay, phần lớn đất cho phát triển cây xanh đã được sử dụng vào mục đích khác.
Các nỗ lực giành lại phần đất này đều rất khó thực hiện vì điều này đồng nghĩa với việc phải di dời, giải phóng mặt bằng với những khoản chi phí khổng lồ. Không phải ngẫu nhiên mà hiện nhiều quận, huyện đã buộc phải hợp thức hóa việc xây dựng nhà cửa trên các khu đất này.
Hiện, Sở Giao thông Vận tải TPHCM vẫn đang tiếp tục phát triển mảng xanh trên các vỉa hè rộng, dạ cầu, trên dải phân cách… bên cạnh việc đề xuất UBND TPHCM tổ chức cuộc vận động người dân thành phố trồng cây xanh trong nhà, trên sân thượng…
Tiến sĩ Nguyễn Trung Việt nhận xét, đó cũng là một cách làm dịu mát không khí, thích ứng với biến đổi khí hậu nhưng về lâu dài vẫn cần phát triển thêm các mảng xanh lớn để có bước cải thiện rõ nét hơn cho môi trường thành phố.