Theo thống kê, Hà Nội sau khi mở rộng có trên 1.200 làng có nghề. Nhưng hầu hết các làng nghề đang đối mặt với nguy cơ ô nhiễm cao. Việc cải thiện môi trường sống tại các làng nghề, góp phần bảo vệ, giữ gìn cho môi trường Hà Nội xanh - sạch - đẹp là một đòi hỏi cấp thiết.
Tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề đã ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống, sinh hoạt của người dân. Đặc biệt, tại những làng nghề thu mua, tái chế phế thải, bà con thường tập kết phế liệu ở mọi nơi khiến tình trạng ô nhiễm nguồn nước, không khí trở nên nghiêm trọng.
Rùng mình...
Làng Trung Văn, xã Trung Văn (huyện Từ Liêm) vốn nổi tiếng với nghề làm dây thừng. Người dân nơi đây thu mua rác thải, chủ yếu là nylon, nhựa phế liệu để tái chế thành dây thừng, hạt làm nhựa. Nhờ thế, đời sống của bà con trở nên khấm khá. Tuy nhiên, họ cũng đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm nặng nề.
Ngay từ đầu làng đã xuất hiện những đống rác chất cao quá đầu người, sâu trong làng là cảnh tượng rác thải ngổn ngang. Nhiều gia đình chất đống phế thải ngay trong sân nhà, trong các nhà xưởng. Không những vậy, họ còn tận dụng những bãi đất trống thành nơi tập kết rác thải. Hậu quả nhìn thấy rõ nhất của việc tái chế phế thải là con mương chạy qua làng có màu nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối.
Theo ông Nguyễn Đắc Bượm, 70 tuổi, người có thâm niên làm dây thừng ở làng, trước đây, người dân chỉ sử dụng nguyên liệu là tre, nứa non hay cây giang để làm dây thừng nhưng bây giờ, công nghệ tiên tiến, có máy móc, thiết bị hỗ trợ nên từ nguồn phế thải cũng có thể tạo ra dây thừng. Công đoạn tái chế gồm: băm nhỏ nylon hoặc nhựa, phế thải, cho vào máy nghiền rồi nung nóng chảy thành nhựa sau đó băm thành hạt nhựa, tiếp đến cho hạt nhựa vào máy tái chế, rút sợi thành phẩm.
“Trong quá trình tẩy rửa cũng có hộ cẩn trọng xử lý nhưng cũng có hộ thải cả rác lẫn hóa chất ra ngoài, làm nguồn nước bị ô nhiễm trầm trọng. Do các xưởng sản xuất thường nằm trong khu dân cư nên chất thải độc hại xâm nhập trực tiếp vào nhà dân. Nhiều gia đình biết đang sống trong môi trường bị nhiễm độc song vẫn phải chấp nhận”, ông Bượm cho hay.
Trong khi đó, anh Nguyễn Đắc Tâm, chủ một cơ sở tái chế phế thải phân trần: “Làm cái nghề này mà không ngửi được mùi, không chịu được bẩn thì khó mà bám trụ được bởi nguyên liệu lấy từ rác. Gần đây, chúng tôi cũng lựa chọn rác sạch, hoặc xử lý chất thải, nguồn nước tốt hơn để không gây ảnh hưởng tới hàng xóm!”.Tuy nhiên, với những gì chúng tôi chứng kiến khi thâm nhập vào làng làm dây thừng Trung Văn thì thực sự kinh hoàng bởi mùi nhựa nồng nặc, rác rưởi có ở khắp mọi nơi, nước thì đen kịt...
Chung cảnh tượng như ở làng Trung Văn, dọc theo tuyến đường từ phố Kim Giang vào làng Triều Khúc, xã Tân Triều (Thanh Trì) la liệt những đống phế liệu. Cùng với những chiếc xe thô sơ vận chuyển các bao phế liệu đến nơi phơi hong hoặc tập kết, những chiếc xe tải chở đồ đồng nát nườm nượp tiến vào làng, xả khói mù mịt.
Theo thống kê, Triều Khúc hiện có khoảng 200 hộ chuyên buôn bán đồng nát, tái chế nhựa và khoảng 100 hộ chuyên buôn bán, sơ chế lông vũ thủ công. Tình trạng không có quy hoạch, việc thu mua phế liệu bừa bãi, không chỉ gây hại cho các gia đình làm nghề mà còn làm ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của cộng đồng dân cư trong làng và những vùng xung quanh.
Theo người dân nơi đây, hóa chất từ việc súc xả các chai xà phòng, dầu gội, dầu nhớt, axit hòa lẫn hóa chất hấp nhuộm vải khiến nguồn nước bị ô nhiễm nặng nề. Nguyên nhân là do các hộ không xử lý nguồn nước dùng để rửa phế liệu mà xả thẳng xuống cống sinh hoạt khiến nước đen ngòm và bốc mùi hôi thối, đe dọa nghiêm trọng nguồn nước sinh hoạt của người dân. Đặc biệt, vụn nhựa từ các xưởng nghiền phế liệu ứ đọng làm tắc dòng chảy, khắp làng chỗ nào cũng đụng rác, rác nổi trong các cống, vũng nước, ao tù...
Mặc dù làng chỉ có gần 300 hộ làm nghề tái chế nhựa, buôn bán sơ chế lông vũ nhưng lại khiến cả ngàn hộ dân của xã Tân Triều và nhiều hộ dân vùng lân cận phải sống trong môi trường ô nhiễm vì phế thải.