Đăng ký tôn vinh 9 cây muỗm cổ thụ quanh đền Voi Phục Thụy Khê (Hà Nội) là Cây Di sản

Cập nhật: 24/09/2010
Văn phòng Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) vừa nhận được hố sơ đăng ký của cụ Nguyễn Văn Tùng, trưởng Ban Di tích đền Voi Phục, phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ (Hà Nội), đề nghị các cơ quan chức năng công nhận 9 cây muỗm cổ thụ ở khu vực này là cây Di sản Việt Nam, cần được bảo vệ nghiêm ngặt và chăm sóc đặc biệt.
Đây là hành động rất thiết thực hướng tới Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội của cán bộ, nhân dân phường Thụy Khuê, mà ông Trưởng Ban Di tích đền Voi Phục là người đại diện. Bởi “9 Đại lão mộc” này, chính là những nhân chứng đã gắn bó trường tồn với lịch sử kinh thành Thăng Long, với Thủ đô Hà Nội.
Vì thế, ngay lập tức các vị Chủ tịch: Hội Bảo vệ thiên nhiên – Môi trường Việt Nam, Liên Hiệp các Hội KHKT Hà Nội, cùng một số nhà khoa học Lâm nghiệp và truyền thông về môi trường, đã trực tiếp đến làm việc với Ban Di tích Đền, cùng thống nhất chương trình tổ chức tôn vinh và vận động cộng đồng cùng bảo vệ những cây Di sản quý hiếm này.
Theo hồ sơ đăng ký của cụ Tùng: những cây Muỗm này có tuổi khoảng 700 năm. Bởi cả 9 cây đều được trồng cùng với việc xây dựng ngôi đền Voi Phục từ thời nhà Lý, tại phường Thụy Chương – phủ Dâm Đàm (Thụy Khuê - Tây Hồ ngày nay) để thờ Linh Lang Đại Vương. Tương truyền rằng: hoàng tử Linh Lang là con vua Lý Thái Tông, được sinh ra và lớn lên tại đây. Ngài đã từng chỉ huy một đạo thủy quân, đánh giặc Tống trên sông Như Nguyệt, buộc giặc phải lui quân. Ngay sau khi anh dũng hy sinh (năm 1077) Ngài được nhiều làng, xã trong cả nước lập đền thờ để tưởng nhớ công lao (trong đó có làng Thụy Chương).
Noi theo làng Thụy Chương, sau đó làng Thủ Lệ phía trong kinh thành Thăng Long (gần vườn thú ngày nay) tiếp tục xây dựng một ngôi đền và cũng đặt tên là Voi Phục. Theo quy ước ngày xưa, ngôi đền nào cùng tên, cùng thờ một vị thần, thì ngôi đền xây sau sẽ phải nhỏ hơn ngôi xây trước. Chính vì vậy, quy mô ngôi đền Voi Phục ở Thủ Lệ nhỏ hơn so với đền Voi Phục ở phường Thụy Khuê.

Thông thường, ngay sau khi xây dựng xong các công trình văn hóa tâm linh như: đình, chùa, đền, miếu…người Việt thường trồng những cây có tán lá rộng, có tuổi thọ cao như: Đa, Bồ đề, Muỗm, Gạo…để tạo không gian – môi trường cảnh quan mát mẻ cho công trình. Xung quanh đền Voi Phục Thụy Khuê đã được các bậc tiền nhân  trồng 9 cây muỗm, với ước nguyện về sự Trường tồn vĩnh Cửu cho công trình.
Mặc dù có kích thước khác nhau và đã có một số cây bị xâm hại (bị cưa cành hoặc sâu bệnh) nhưng về cơ bản: cả 9 “Cụ Muỗm” này đều rất đồ sộ và vẫn còn xanh tốt. Chu vi thân từ 3 đến 5 mét, chiều cao từ 25 - 30 mét. Hiện nay, chính quyền địa phương đã có kế hoạch trùng tu, bảo vệ quần thể di tích đền Voi Phục, trong đó có 9 cây Muỗm cổ thụ này.
Theo ông Vũ Văn Dũng - một chuyên gia đầu ngành về cây Lâm nghiệp hiện nay của Việt Nam cho biết: các nhà khoa học của nước ta đã điều tra, khảo sát 9 cây Muỗm này và đã có kết luận tương tự như đăng ký của ông Trưởng Ban Di tích đền Voi Phục Thụy Khuê. Cụ thể là: cả 9 cây Muỗm xung quanh ngôi đền này có tên khoa học là Mangifera foetida Lour, thuộc họ đào lộn hột (Annacarrdia ceae) và đã có tuổi gần 700 năm (trùng với tuổi đền). Cây nhỏ nhất có chu vi thân (đo ở chiều cao ngang ngực) là 2, 92 mét, cao 17 mét; cây to nhất có chu vi thân 5,20 mét, cao 29 mét. Điều đáng quan tâm là: hiện nay rất nhiều cành và thân những cây Muỗm ở đây đã mục và bị nấm Gano derma ký sinh phá hủy rất nặng, cần phải được chăm sóc, xử lý sớm .
 

Nguồn: Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam