Xây dựng Quy hoạch tổng thể về sử dụng biển và hải đảo ở Khánh Hòa

Cập nhật: 04/10/2010
Việc xây dựng và ban hành Luật Tài nguyên và Môi trường biển cũng như cơ chế, chính sách, chiến lược, kế hoạch hành động và các hướng dẫn, định mức kinh tế - kỹ thuật chuyên ngành…là việc làm thiết thực và vô cùng cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Ông Lê Mông Điệp, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Khánh Hoà đã chia sẻ với Diễn đàn các nhà báo về môi trường (VFEJ) về quan điểm của mình khi Luật Tài nguyên và Môi trường biển sắp được ra đời.

-Thưa ông, Luật Tài nguyên và Môi trường biển ra đời là công cụ pháp lý quan trọng để quản lý tổng hợp, thống nhất tài nguyên môi trường biển và hải đảo. Ông có chia sẻ gì khi Luật này chuẩn bị ra đời?

Ông Lê Mộng Điệp: Cũng như nhiều vùng biển và các quốc gia có biển khác, biển Việt Nam tạo cho đất nước vị thế địa chính trị và địa kinh tế quan trọng, không gian biển chứa đựng nguồn tài nguyên phong phú và to lớn, bao gồm cả biển quốc gia và biển quốc tế, cả biển và ven biển nối với đất liền, cả vùng trời, mặt nước, lòng biển và lòng đất dưới đáy biển. Tài nguyên biển thuộc dạng tài nguyên chia sẻ, chứa đựng “yếu tố không gian” là tiền đề phát triển đa ngành. Tuy nhiên, hiện nay tình hình khai thác, sử dụng biển và hải đảo chưa hiệu quả, thiếu tính bền vững. Chúng ta chỉ mới tập trung khai thác các dạng tài nguyên vật chất “nhìn thấy”, chưa chú ý đến các dạng tài nguyên phi vật thể, các giá trị không gian, giá trị dịch vụ và giá trị chức năng của biển. Có thể dễ dàng nhận thấy, trong thời gian gần đây môi trường biển bị biến đổi theo chiều hướng xấu, đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy hải sản giảm sút. Đời sống của dân cư ven biển, trên các đảo và làm nghề biển, có lẽ chỉ trừ ngành dầu khí, vẫn còn nghèo, còn gặp không ít khó khăn và chịu nhiều rủi ro, mức độ an sinh thấp. Nhận thức về môi trường và tài nguyên biển, quản lý Nhà nước về biển và hải đảo của xã hội, địa phương và người dân còn yếu.

Để khắc phục, Nhà nước đã ban hành một số chính sách và bộ luật liên quan đến biển và vùng ven biển như: Luật Bảo vệ môi trường, Pháp lệnh Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Luật Thủy sản, Luật Đa dạng sinh học, Kế hoạch quốc gia về môi trường và phát triển bền vững đến năm 2010, Nghị định 25/2009/NĐ-CP về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo… Tuy nhiên, vẫn chưa có bộ luật nào mang tính chuyên sâu liên quan đến việc khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên môi trường biển, hải đảo. Vì vậy, việc xây dựng và ban hành Luật Tài nguyên và Môi trường biển cũng như cơ chế, chính sách, chiến lược, kế hoạch hành động và các hướng dẫn, định mức kinh tế - kỹ thuật chuyên ngành…là việc làm thiết thực và vô cùng cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

-Luật ra đời sẽ là hành lang pháp lý cho những người quản lý biển, đảo. Với Khánh Hoà, Luật sẽ góp phần giải quyết khó khăn gì cho việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế biển, thưa ông?

Ông Lê Mộng Điệp: Có thể thấy rằng trong quản lý biển từ bấy lâu nay vẫn lấy tư duy đất liền chi phối nên rất phân tán các nguồn lực. Chưa xây dựng được công cụ quản lý tổng hợp ở tầm vĩ mô là những quy hoạch tổng thể, dài hạn về sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển mà dựa vào đó có thể điều chỉnh, sắp xếp lại một cách có trật tự các quy hoạch, kế hoạch, dự án mang tính chuyên ngành về khai thác tài nguyên biển, hải đảo, bảo đảm cân đối được các lợi ích từ cấp quốc gia đến từng ngành, lĩnh vực, địa phương.

Mặt khác, tài nguyên biển là hệ thống tài nguyên có tính “chia sẻ” cao, đòi hỏi phải sử dụng đa mục tiêu, đa ngành và hài hòa lợi ích của các ngành và cộng đồng. Vì vậy, cần phải tiến hành quy hoạch sử dụng biển, đảo với ý nghĩa là phương án thiết lập một cách có trật tự và hiệu quả không gian biển, phân bổ tài nguyên biển hợp lý hơn để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. 

Dự thảo Luật bảo vệ tài nguyên và môi trường biển đã dành hẳn một chương (Chương II) để quy định về "phân vùng, quy hoạch sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo", mà quy hoạch sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo đề cập trong dự thảo Luật này là quy hoạch tổng hợp. Có thể coi đây là một trong những nét đặc thù riêng của Luật, phù hợp với tư duy quản lý biển tiên tiến của Chính phủ Việt Nam và phù hợp với xu thế chung của thế giới dựa trên nguyên tắc phát triển bền vững: đó là quản lý tổng hợp tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường. Đây cũng là căn cứ quan trọng để tỉnh Khánh Hòa xây dựng Quy hoạch tổng thể về sử dụng biển và hải đảo làm cơ sở để xây dựng quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực: thống nhất các nhiệm vụ quản lý vùng ven biển; phối hợp các cơ quan liên quan trong quản lý vùng ven biển từ cấp tỉnh đến cấp huyện; tổng hợp các chương trình và chính sách riêng lẻ trong tổng thể và giữa các ngành kinh tế; phối hợp các cơ quan kinh tế, công nghệ, sinh thái trong công tác quy hoạch và trong quản lý vùng ven biển; tổng hợp các nguồn lực hiện có để quản lý.

Khánh Hòa là tỉnh vùng  duyên hải Nam Trung Bộ với những đặc điểm về địa hình, địa mạo, núi non, sông ngòi, vùng đồng bằng, thềm lục địa, các đảo ven bờ, tài nguyên biển phong phú… Khánh Hòa như một mô hình thu nhỏ của đất nước Việt Nam, mang đặc trưng đậm nét của yếu tố biển trong việc phát triển kinh tế -xã hội cũng như đời sống của người dân. Do vậy, việc Luật Tài nguyên và Môi trường biển ra đời sẽ giúp UBND tỉnh Khánh Hòa xác định rõ nét hơn phương hướng, mục tiêu và định hướng sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo cho mục đích phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Từ đó, có thể xây dựng kế hoạch cho Chương trình kinh tế biển của tỉnh Khánh Hòa trong giai đoạn tiếp theo phát huy hết những ưu thế của tỉnh và đạt được những kết quả tốt hơn, kết hợp phát triển kinh tế biển với bảo đảm an ninh quốc phòng trên biển.

- Đại diện cho Khánh Hòa, ông có chia sẻ hay góp ý gì nên đưa vào dự thảo Luật Tài nguyên và Môi trường biển?

Lê Mộng Điệp: Theo tôi, không riêng Luật Tài nguyên và Môi trường biển mà bất cứ bộ luật nào cũng cần có thời gian để thực sự đi vào đời sống. Các khái niệm tài nguyên biển, quản lý tổng hợp tài nguyên biển, hải đảo gắn với bảo vệ môi trường, quản lý tổng hợp đới bờ … là những khái niệm tương đối mới. Trong việc thực hiện chức năng quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo còn có những khó khăn, thách thức như công tác quản lý nhà nước tổng hợp về biển luôn đòi hỏi và hướng tới hiệu quả phối hợp giữa trung ương với địa phương cũng như giữa các ngành với nhau. Trong khi đó, về lề lối làm việc, chúng ta chỉ quen tiếp cận công tác quản lý nhà nước về biển, hải đảo một cách riêng rẽ theo từng ngành, lĩnh vực cụ thể.  Do đó, càng cần có thời gian để thay đổi nhận thức của cán bộ, công chức trong các cơ quan quản lý Nhà nước và cộng đồng về quản lý tổng hợp biển, hải đảo. Qua thực tế áp dụng Luật Tài nguyên và Môi trường biển vào đời sống, chúng ta sẽ rút ra được những bài học từ đó hoàn thiện hơn phương thức quản lý tổng hợp tài nguyên biển, hải đảo gắn với bảo vệ môi trường theo tư duy quản lý biển tiên tiến của Chính phủ Việt Nam và xu thế chung của thế giới.

Về Dự thảo Luật Tài nguyên và Môi trường biển theo tôi cần làm rõ thêm một số ý sau: Tài nguyên biển cụ thể là những loại tài nguyên nào?. Các loại tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản ở khu vực biển, hải đảo có thuộc diện tài nguyên biển, hải đảo không?. Mong rằng Luật Tài nguyên và Môi trường biển sớm được Quốc hội phê chuẩn và được áp dụng vào thực tế trong thời gian sớm nhất.

Tài nguyên biển là hệ thống tài nguyên có tính “chia sẻ” cao, đòi hỏi phải sử dụng đa mục tiêu, đa ngành và hài hòa lợi ích của các ngành và cộng đồng. Vì vậy, cần phải tiến hành quy hoạch sử dụng biển, đảo với ý nghĩa là phương án thiết lập một cách có trật tự và hiệu quả không gian biển, phân bổ tài nguyên biển hợp lý hơn để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. 

Xin cảm ơn ông. 

Hồng Minh (thực hiện )

 

Nguồn: Diễn đàn các nhà báo về môi trường