Truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng bảo vệ môi trường

Cập nhật: 11/10/2010
Đó là mục tiêu chính của Hội thảo “Tăng cường công tác truyền thông về bảo vệ lưu vực sông Nhuệ - Đáy” được tổ chức ngày 7/10 tại Nam Định. Hội thảo do Tổng cục Môi trường, Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy phối hợp tổ chức với sự tham dự của gần 100 đại diện cơ quan quản lý môi trường, cơ quan truyền thông, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội trong nước và địa phương thuộc lưu vực sông Nhuệ - Đáy. Đây là cơ hội để các cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường, các ngành, các địa phương cùng nhau thảo luận, trao đổi kinh nghiệm và tăng cường kiến thức, năng lực tuyên truyền vận động cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường (BVMT) nói chung và BVMT lưu vực sông nói riêng.

 

Toàn hội thảo ghi nhận Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong công tác BVMT như xây dựng cơ chế, chính sách, hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy, đầu tư cho lĩnh vực BVMT...  Tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân là nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về BVMT của một số cá nhân, tập thể còn chưa cao; cơ chế giám sát, đầu tư còn thiếu đồng bộ.

Về nỗ lực tăng cường hiệu quả truyền thông trong tình hình mới, TS Lê Văn Hợp, Vụ trưởng vụ Thi đua, Khen thưởng (Bộ TN&MT) cho rằng, Việt Nam hiện dành 1% tổng thu ngân sách hàng năm cho sự nghiệp môi trường. Đây là khoản không nhỏ, song để nỗ lực này hiệu quả các địa phương nên làm sao cho khoản chi này đảm bảo đúng, đủ, kịp thời tới đối tượng.

Để tiếp tục nâng cao năng lực hoạt động truyền thông, nhiều kỹ năng đã được đưa ra thảo luận trong đó tập trung vào kỹ năng yêu cầu người làm công tác truyền thông hiểu được các yếu tố tham gia vào quá trình truyền thông, nêu được tầm quan trọng của việc hiểu rõ đối tượng truyền thông, nắm vững các yêu cầu để truyền thông có hiệu quả (nguyên nhân, hậu quả, cách khắc phục). TS Hoàng Dương Tùng, giám đốc Trung tâm quan trắc môi trường - Tổng cục Môi trường cũng đề nghị: riêng với lưu vực sông Nhuệ -Đáy, các cơ quan truyền thông cần tập trung truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc xử lý nguồn nước thải sinh hoạt đô thị, dân cư, nước thải từ các làng nghề, khu công nghiệp trước khi thải vào lưu vực sông.

 Đánh giá thực trạng nhận thức và nhu cầu truyền thông BVMT lưu vực sông nói chung và sông Nhuệ - Đáy nói riêng của Trung tâm Đào tạo và Truyền thông môi trường (Tổng cục Môi trường) cho thấy nhu cầu về truyền thông nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong cộng đồng là rất lớn, nhất là ở những nơi có nhiều bức xúc, ô nhiễm môi truờng. Ông Nguyễn Văn Phấn, Trưởng phòng Truyền thông môi trường thuộc Trung tâm thừa nhận nội dung, phương thức truyền thông nhiều lúc, nhiều nơi chưa được đổi mới phù hợp với tình hình phát triển kinh tế- xã hội; thậm chí còn dàn trải, hình thức, mang tính phong trào nên hiệu quả chưa cao. Riêng lưu vực sông Nhuệ - Đáy,  truyền thông môi trường tại các tỉnh đã được quan tâm song nội dung, phương thức và điều kiện cơ sở vật chất, con người, kinh phí hoạt động chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của cộng đồng. 

Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi tháng trên các phương tiện thông tin đại chúng có hơn 1.000 tin, bài về  ngành tài nguyên và môi trường, trong đó riêng lĩnh vực môi trường có trên 300 tin, bài, đứng thứ 2 sau lĩnh vực đất đai. Báo chí là phương tiện tuyên truyền phổ biến thông tin, kiến thức, cơ chế, chính sách pháp luật về tài nguyên môi truờng đến với người dân, các tổ chức, góp phần nâng cao nhận thức cho cộng đồng; đồng thời  tuyên truyền, cổ vũ các gương điển hình tiên tiến, nhân tố mới trong xây dựng, phát triển đất nước. Thời gian gần đây, vai trò của báo chí thể hiện rõ thông qua việc phản ánh những vi phạm pháp luật của Công ty TNHH Ve Đan Việt Nam, Cty Miwon (Phú Thọ), Cty TungKuang (Hải Dương)...; song, có lúc, có nơi báo chí cũng phản ánh chưa sát, chưa đầy đủ những vấn đề liên quan đến môi trường tạo nên bức xúc không đáng có trong cộng đồng.

Lưu vực sông Nhuệ-Đáy có vị trí đặc biệt, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế cả vùng đồng bằng sông Hồng. Toàn lưu vực có trên 45.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, 19 khu công nghiệp, nhiều cụm công nghiệp và trên 450 làng nghề...Mỗi ngày, lưu vực phải tiếp nhận gần 2.560.000m3 nước thải từ nông nghiệp, 610.000m3 nước thải sinh hoạt, trên 630.000 m3 nước thải công nghiệp... Hiện tại môi trường nước mặt tại lưu vực sông Nhuệ - Đáy bị ô nhiễm nặng. Nhiều đoạn sông ô nhiễm tới mức báo động, đặc biệt là vào mùa khô; giá trị các thông số BOD5, COD,TSS... tại các điểm đo đều vượt tiêu chuẩn cho phép của Việt Nam nhiều lần.

 

Mỹ Binh

 

Nguồn: Diễn đàn các nhà báo môi trường Việt Nam