Tháp Yang Prong huyền bí xuống cấp nghiêm trọng

Cập nhật: 12/10/2010
Nằm giữa những cánh rừng già ở xã Ea Rốk, huyện Ea Súp (Đắk Lắk), tháp Yang Prong là một trong những di tích hiếm hoi của người Chăm còn lại trên đất cao nguyên. Thế nhưng di tích này đang bị lãng quên và xuống cấp.

Truyền thuyết huyền bí

Từ thành phố Buôn Ma Thuột chúng tôi vượi quãng đường gần 120km để được chiêm ngưỡng tháp Yang Prong. Xuyên qua một cánh rừng thưa, ngọn tháp Yang Prong cổ kính, uy nghi nằm giữa một cánh rừng già hiện ra trước mắt nhóm chúng tôi. Trên đỉnh tháp, các loại cây dây leo, cây dại phủ um tùm.

Cho đến nay, sự hiện diện của ngọn tháp ở phía Tây hẻo lánh của cao nguyên Đắk Lắk vẫn mang nhiều màu sắc huyền bí. Nhưng người già ở các buôn của tộc người Jrai, Êđê vùng Ea Rốk vẫn kể với con cháu về truyền thuyết của tháp Yang Prong rằng ngày xưa có hai vợ chồng một nhà nọ lấy nhau nhiều năm thì người vợ mới mang thai. Đến kỳ sinh nở người chồng đi tìm một pô buôi (bà đỡ) giỏi nhất vùng để giúp vợ mình vượt cạn.

Khi người vợ trở dạ, pô buôi bắt tay vào việc đỡ đẻ, bỗng nổi lên tiếng sáo diều vi vu, làm mê hoặc lòng người, khiến pô buôi ngẩn ngơ, hồn đi theo tiếng sáo ấy mà quên mất công việc đỡ đẻ.

Khi tiếng sáo diều ngưng, do không được đỡ đẻ nên đứa bé sơ sinh và bà mẹ đã chết. Người chồng tức giận rút gươm chém chết bà đỡ. Do nguyên nhân chết bắt nguồn từ tiếng sáo diều mê hoặc nên cả 3 người chết đều hóa đá.

Người dân trong vùng gọi tên hai mẹ con xấu số là Yang Prong (nghĩa là Thần Lớn) và pô buôi kia là Yang Mei. Họ xây tháp, tổ chức cúng khóc thương những người xấu số. Nước mắt của dân làng hòa cùng rượu cần chảy thành con suối Ea Nao quanh ngọn tháp bây giờ.

Nguy cơ biến thành... miếu thờ

Công trình kiến trúc chính của quần thể di tích tháp Yang Prong là một ngọn tháp hình vuông với mỗi mặt tường rộng 5m, cao 9m (chưa kể chóp tháp). Tháp có một cửa ra vào duy nhất mở về hướng Đông có bề rộng 1,6m; diện tích lòng tháp hơn 5m2.

Tháp được xây bằng gạch, nhưng không tìm thấy dấu vết của vôi vữa hay vật liệu gây kết dình nào. Nền tháp được lót đá xanh mài nhẵn. Tuy nhiên điều làm cho nhóm phóng viên chúng tôi bất ngờ hơn khi lại gần là cảnh hàng chục bát nhang mới được người ta đặt khắp mọi chốn trong khu vực tọa lạc của ngọn tháp.

Trong lòng tháp cho đến kệ đá ở cửa, bệ móng, các hốc tường gạch… đều có bát nhang hiện hữu. Từ trong tháp, đến các kệ đá 2 bên cửa, tất cả các bát nhang từ ngoài vào trong đều đầy chân nhang. Dưới bàn thờ là “hòm công đức” giống như người ta đặt ở các bệ thờ tại các chùa chiền ở phố thị.

Ông Trần Quang Sơn, Chi hội trưởng Chi hội Cựu Chiến binh thôn 5 xã Ea Rốk (tổ chức được phân công quản lý di tích), cũng là người được Chi hội phân công trực tiếp chăm sóc ngọn tháp cho biết, trước đây quần thể di tích này được giao cho Chi Hội người cao tuổi thôn 5 quản lý. Tuy nhiên, sau đó Chi hội này đã cho lập hòm công đức, nhập nhèm trong việc sử dụng số tiền thu được nên mới được giao lại cho Chi hội Cựu chiến binh thôn quản lý.

Những chiếc bát nhang bắt đầu xuất hiện cách đây khá lâu, khi một “đại gia” ở thành phố Buôn Ma Thuột sau khi thăm viếng, làm công quả rồi lập luôn bàn thờ trong tháp để thỉnh nguyện. Từ đó, những người đến thăm tháp đã đặt thêm vô số bát nhang cho riêng mình để cầu khấn. Vào các ngày rằm, mùng 1 Âm lịch hàng tháng, hàng trăm người lại kéo đến đây thắp hương cầu may mắn.

Tháp Yang Prong được đánh giá là có giá trị lớn về khảo cổ, lịch sử, văn hóa. Tuy nhiên, sau nhiều tranh cãi về công tác trùng tu năm 1991 cho đến nay chưa có ai quan tâm, khảo cứu thêm về các vấn đề lịch sử của ngọn tháp này.

Công tác quản lý, bảo vệ môi trường sau đó cũng chưa được thực sự quan tâm, cùng với những câu chuyện mang mau sắc tâm linh và những bát nhang bủa vây khắp nơi đang biến tháp Yang Prong thành một ngôi miếu thờ. Tất cả những điều này đang là mối đe dọa làm cho ngọn tháp độc đáo xuống cấp, có nguy cơ bị lãng quên trong giới khoa học, và lãng phí trong du lịch văn hóa./.

Việt Dũng

 

Nguồn: (TTXVN/Vietnam+)