Theo kết quả điều tra trên 120 hồ, ao, đầm, thủy vực lớn nhỏ tại 6 quận trung tâm Hà Nội, chỉ có 6 hồ đạt tất cả các chỉ tiêu với mức độ phát triển tảo thấp. Hơn 80% hành lang bờ bị ô nhiễm, trong đó 62% rất bẩn, 20% bẩn và đang đứng trước nguy cơ bị lấn chiếm để xây nhà, bãi đỗ xe, trở thanh bãi tập kết phế liệu, rác thải sinh hoạt.
Còn lại, phần lớn các hồ bị ô nhiễm chất hữu cơ, trong đó có tới 70% số lượng hồ có nồng độ oxy hòa tan (DO) dưới mức tiêu chuẩn cho phép (<4mg/l); 6 hồ có nồng độ DO dưới 1mg/l, nghĩa là hầu như không có sự sống của vi sinh vật. 71% hồ có giá trị BOD5 vượt quá tiêu chuẩn cho phép (>15mg/l); 14% hồ bị nhiễm hữu cơ nặng (>100mg/l); 25% hồ bị ô nhiễm nặng (BOD5 từ 50-100mg/l) và 32% có dấu hiệu ô nhiễm.
Hồ Bụng Cá (quận Tây Hồ) đang bị san lấp để xây dựng một số công trình, Hồ Linh Quang (Quận Đống Đa) đang bị ô nhiễm trầm trọng; Ao Yên Hòa (quận Cầu Giấy) bị biến thành bãi rác thải.
Thực trạng trên chính là do nước thải sinh hoạt và một phần nước thải từ gia đình hoặc cộng đồng tùy tiện thải xuống hồ, làm tăng nồng độ các chất hữu cơ, vượt quá khả năng tự làm sạch của hồ, dẫn đến suy thoái chất lượng nước.
Ông Nguyễn Thái Lai, Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi trường mong rằng, các doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu và cộng đồng sống xung quanh khu vực hồ hãy chung tay bảo vệ hồ ở Hà Nội.
Bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng cho biết: "Thông điệp mà chúng tôi muốn gửi đến cộng đồng dân cư sống quanh khu vực hồ và người dân Hà Nội là hãy có các hành động cụ thể như không xả rác xuống hồ, giữ gìn vệ sinh môi trường hành lang bờ của các hồ, có các sáng kiến ngăn ngừa nước thải xả xuống hồ, kiên nhẫn giúp hồ khôi phục lại hệ sinh thái, trở nên khỏe mạnh".