Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng sau gần hai ngày (18 - 19.10) cử người lội rừng để xác minh dấu vết hai mẹ con voi rừng xuống núi - theo phản ánh gần đây của người dân, nhưng hết ngày 19.10 vẫn chưa tìm được gì.
Theo ông Võ Danh Tuyên - Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng - sáng 18.10, khi nhận được tin báo có hai mẹ con con voi “ly sơn” xuống gần khu vực đèo Bảo Lộc, chi cục đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm Đạ Huoai kiểm tra thực địa, tìm dấu vết của voi. Chiều ngày 19.10, công việc xác minh tạm dừng. Tuy nhiên, việc người dân báo có hai con voi – có thể một voi mẹ và một voi con, là có cơ sở.
Theo một số văn bản còn lưu lại tại Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng thì trong nhiều năm qua, tại khu vực xã Đạ Tồn (huyện Đạ Huoai) và khu vực đèo Bảo Lộc, người dân đã nhiều lần thấy voi xuất hiện. Hồi tháng 10.2008, đàn voi này xuất hiện tại khu vực đèo Bảo Lộc và đã húc đổ tường gạch chốt gác của Huyện đội Đạ Huoai. Năm đó, theo xác nhận của Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đạ Huoai Vũ Xuân Hải thì hai con voi này xuất hiện khá dày vào đầu tháng 10. Văn phòng UBND huyện Đạ Huoai cũng cho biết: “Mấy năm trước, trung bình mỗi năm huyện phải chi khoảng 20 triệu đồng để đền bù tiền hoa màu cho dân, vì voi “nhà nước” phá phách. Nhiều hộ đã có đơn gửi chính quyền đề nghị can thiệp, bởi đàn voi phá hoại hoa màu của họ”.
Lục lại đống hồ sơ lưu, chúng tôi bắt gặp lá đơn của một người dân ở thôn I, xã Đạ Tồn gửi chính quyền huyện Đạ Huoai có nội dung: “Tôi đang canh tác đất khu Cây Xoài, trồng mía, bắp. Nay, ông voi về giẫm, ăn, phá hết. Yêu cầu xem xét ông voi!”. (Lá đơn này có tiêu đề “Đơn báo cáo voi”. Theo ông Võ Danh Tuyên, thực ra thông tin về voi rừng “ly sơn” ở Đạ Huoai đã được nhắc nhiều ngay từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Đó là vào những năm 1990 – 1995, sự xuất kiện khá dày của đàn voi Đạ Huoai cho phép cán bộ chuyên môn đoán định đàn voi này có khoảng 3 – 5 con. Từ 1996 – 1998, thông tin đàn voi bỗng lắng xuống. Đến 1999, thông tin về đàn voi ở Đạ Huoai lại rộ lên. Đáng lưu ý là lần này voi xuất hiện chỉ duy nhất một con.
Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm Đạ Huoai, con voi này có dấu chân đo được là 30 x 31cm, và đây là con voi cái. Đến năm 2003, người dân trong vùng lại xác nhận rằng họ thường xuyên nhìn thấy một cặp voi gồm một con mẹ (không có ngà) và một con non xuống khu vực suối Tía (Đạ Tồn, Đạ Huoai) để ăn mía...
Ông Tuyên cho biết: “Dẫu sao thì thông tin hai mẹ con con voi này xuất hiện trở lại cũng là một thông tin đáng mừng. Vấn đề bây giờ là làm thế nào để vừa bảo vệ voi, vừa bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân”.
Khắc Dũng