Việt Nam cho nước ngoài thuê trên 340.000ha đất rừng

Cập nhật: 25/10/2010
Chính phủ vừa có báo cáo Quốc hội về tình hình cho các công ty nước ngoài thuê đất trồng rừng. Theo đó, các dự án thuê đất trồng rừng, chế biến gỗ chủ yếu hợp tác với Trung Quốc, vốn đầu tư không nhiều, giải ngân ít nhưng chiếm diện tích không nhỏ...

Việt Nam cho nước ngoài thuê trên 340.000ha đất rừng

Theo báo cáo do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Võ Hồng Phúc ký, hiện ở VN đang có hai dự án cho thuê rừng với mục đích chỉ là chế biến gỗ, không cấp hay cho thuê đất để trồng rừng. Với các dự án có cho thuê đất để trồng và khai thác gỗ rừng, Chính phủ cho biết đã bắt đầu cấp phép cho dự án kiểu này từ năm 1995 với gần 10.000ha, đối tác thuê là Nhật Bản.

Đến ngày 10-8-2010, cả nước có tám dự án 100% vốn nước ngoài khác, trong đó một dự án chỉ trồng rừng, số còn lại là trồng kết hợp chế biến gỗ. Tổng vốn đầu tư của tám dự án, theo Chính phủ, chỉ khoảng 280 triệu USD. Đáng lưu ý, báo cáo nêu rõ trong tổng vốn đăng ký trên, vốn thực giải ngân chỉ đạt khoảng 22 triệu USD - chưa đến 10% vốn đăng ký.

Trong khi đó, tổng diện tích được cấp theo giấy chứng nhận đầu tư của các dự án trực tiếp trồng rừng khoảng 342.000ha.

Theo báo cáo của Chính phủ, sau 11 năm kể từ năm 1995, cả nước chỉ có một dự án trồng rừng có vốn nước ngoài tại Bình Định. Sau đó, theo Luật đầu tư, việc cấp phép được phân cấp cho UBND các tỉnh, ban quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp... Vì vậy từ năm 2006-2010, có bảy dự án mới được cấp phép còn hoạt động. Ngày 9-3-2010, Chính phủ đã yêu cầu tạm dừng cấp phép mới.

Báo cáo của Chính phủ nêu rõ các dự án trồng rừng thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư nên được miễn nộp thuế tới 11 năm hoặc toàn bộ thời gian dự án, do đó đóng góp vào ngân sách là “không đáng kể”. Đến nay, tổng số tiền nộp ngân sách của tám dự án trồng rừng chỉ khoảng 24 tỉ đồng.

Chính phủ cũng thông báo đã loại bỏ khu vực phòng thủ, điểm cao quân sự ra khỏi phạm vi dự án của nhà đầu tư tại Lạng Sơn, giao Bộ Kế hoạch - đầu tư sửa đổi các quy định theo hướng siết chặt thẩm quyền cấp phép dự án cho nước ngoài thuê đất trồng rừng, phải có ý kiến của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng sẽ rà soát, thu hẹp diện tích các dự án trồng rừng tại khu vực có khả năng ảnh hưởng tới an ninh, quốc phòng. Các quân khu sẽ được chỉ đạo giám sát các dự án tại những vùng nhạy cảm về an ninh quốc phòng, đặc biệt dự án có diện tích lớn...

PV

 

Nguồn: Diễn đàn các nhà báo môi trường VN