Theo ông Nguyễn Ngọc Anh, Viện trưởng viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, với diễn biến lũ đến thời điểm này, đã có thể nói năm 2010 là năm lũ nhỏ nhất trong lịch sử.
Bởi dự báo cả mùa lũ năm nay, tổng lượng nước trên sông Cửu Long chỉ bằng 30% so với những năm lũ lớn, bằng 60-70% so với những năm lũ trung bình. So với năm 2008 là năm lũ thấp nhất trong vòng 10 năm qua, tổng lượng nước trong mùa lũ năm nay ở ĐBSCL cũng chỉ bằng khoảng 75-80%. Nếu nhìn lại lịch sử xa hơn nữa, thì năm 1998 cũng có mức nước lũ rất thấp. Nhưng về tổng lượng, mùa lũ năm 1998 vẫn khá hơn mùa lũ năm nay. Theo ông Hoàng Minh Giám, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ, ngay từ tháng 12 tới, một số tỉnh ven biển như Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng… bắt đầu phải đối phó với xâm nhập mặn. Còn từ tháng 10/2010 đến tháng 3/2011, sẽ có nhiều đợt triều cường ở ven biển ĐBSCL, đẩy nước mặn vào sâu trong nội địa.
Lúc này, người dân ĐBSCL sẽ bị thiếu nước ngọt, sạt lở, nước mặn sẽ tràn sâu vào đất liền. Sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi kể cả thủy sản sẽ giảm sút nghiêm trọng do thiếu nước và hạn hán. Giao thông thủy sẽ hạn chế, ô nhiễm sẽ gia tăng, sức khỏe con người sẽ suy giảm do ô nhiễm…Cũng theo tính toán của nhà khoa học sự thay đổi về môi trường, sẽ gây thiệt hại lớn về sản lượng lương thực.
Theo nghiên cứu các nhà khoa học trường Đại học Cần Thơ, trước tình trạng nước ở thượng nguồn về hạ lưu ngày càng thấp và trong các năm tới, nếu dãi rừng ngập mặn ven biển hiện nay không được bảo vệ tốt thì sẽ bị đẩy lùi vào đất liền, diện tích sẽ bị thu hẹp. Từ đó người dân sẽ đối mặt với giông bão khắc nghiệt hơn vì không còn rừng để che chắn. Nhiệt độ gia tăng, lượng nứơc sụt giảm có thể gây cháy rừng, hệ sinh thái bị phá hủy. Các đập thủy điện ở thượng nguồn sẽ gây tác động nặng nề hơn tới mực nước và dòng chảy ở hạ lưu.
Hiện tượng này ngày càng thể hiện rõ nét trong những năm qua, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, nạn phá rừng tràn lan kéo dài từ Trung Quốc đến Việt Nam, và việc nhiều quốc gia ở lưu vực sông Mekong ngăn đập trữ nước xây dựng thủy điện đã làm sự biến đổi mùa nước càng rõ rệt, khiến vùng ĐBSCL bị “lệch” mùa. ĐBSCL rơi vào thế khi cần thì không có nước, lúc có lại không cần - gần như là thiên tai. Theo Ủy ban Quốc tế sông Mekong, có 17 triệu người ở ĐBSCL sẽ chịu ảnh hưởng khi sông Mekong thiếu nước. Theo thông tin của Trung tâm Bảo tồn và phát triển tài nguyên nước Việt Nam cho biết: Trung Quốc đã và sẽ đắp 8 con đập nước khổng lồ ở tỉnh Vân Nam. Trong khi đó Thái Lan, Lào, Campuchia đã có 23 dự án đắp đập thủy điện và trữ nước tưới nông nghiêp, đã làm cho lượng nước ngọt ở lưu vực ĐBSCL giảm mạnh.
Theo ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang:“Thiếu phù sa, thiếu nước, hạn mặn xâm nhập, sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng là chuyện đang diễn ra trước mắt. Để giải quyết triệt để vấn đề này phải có những giải pháp ở tầm quốc tế vì có quá nhiều nước “sở hữu” dòng Mekong - và đây sẽ là bài toán khó. Chỉ còn cách tự mình phải lo cho mình. Theo ông Nhị, cần có nghiên cứu thật kỹ lưỡng để thay đổi cơ cấu giống và mùa vụ, mỗi điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu khác nhau phải có cây trồng vật nuôi khác nhau. Ở những nơi không thể canh tác, bị úng phèn cần thiết phải bỏ hẳn, không canh tác mà tạo thành hồ trữ nước ngọt…
Viện Nghiên Cứu biến đổi khí hậu ĐBSCL cũng đã đưa ra số liệu điều tra mới nhất về tình trạng nước lũ thấp không những ở hạ nguồn ĐBSCL mà còn đến mức báo động ở phía thượng nguồn. Theo số liệu mực mước mới đo được trong tháng 10 (thời điểm diễn ra đỉnh lũ) tại Chiang Saen (Thái Lan) lũ thấp hơn trung bình tới 7,6 m: tại Vietiene (Lào) thấp hơn 5,5 m; tại Phnom Penh (Campuchia) thấp hơn 4,2 m; tại Prek Kdam, vùng thượng nguồn Campuchia giáp Việt Nam thấp hơn 3,1 m; còn tại Tân Châu mực nước thấp hơn trung bình hàng năm là 1,3 m và tại Châu Đốc là 1m. Trong khi đó, mực nước đang rút dần đến cảng Pnom Penh về phía hạ nguồn. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học tình trạng này chưa từng diễn ra trong lịch sử.
Tiến sĩ Hà Chu, Viện Kinh tế sinh thái, cho biết: “Dòng chảy của sông Mê Công đã giảm 40% khối lượng do việc chứa nước tại các đập thủy điện. Nếu vào mùa lũ gây mưa nhiều, nhất là vào cuối năm, các con đập này sẽ xả nước đổ dồn về hạ lưu gây lũ lên nhanh và ngập úng, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống người dân. Nếu mưa ít, lũ thấp, nước bị giữ lại đập vô tình gây thiếu hụt nguồn nước ngọt cho tưới tiêu và ảnh hưởng đến hệ sinh thái vùng”. Để giải quyết vấn đề này, Theo Tổng cục Thủy lợi : Để chủ động nguồn nước cung cấp cho sản xuất và sinh hoạt ở những vùng bị nhiễm mặn, kể cả trong trường hợp có bất lợi về thời tiết cung như những thay đổi về nguồn nước ở thượng lưu cần có những giải pháp công trình đấp ứng chiến lược phát triển lâu dài, ổn định của các địa phương trong vùng bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn, trong đó đặc biệt là cơ cấu sử dụng đất ổn định lâu dài của các địa phương, của những vùng bị nhiễm mặn.
Giáo sư, TS khoa học Lê Huy Bá, Viện KHCN và Quản lý Môi trường ĐH Công nghiệp T.P Hồ Chí Minh cho rằng: “Các nước đầu nguồn sông MêKông đang thi nhau xây dựng hồ đập. Vậy câu hỏi đật ra là: tại sao chúng ta không xây dựng những hồ chứa nước ngay trên lãnh thổ nước ta. Nhờ các hồ này, ĐBSCL có thể chủ động giải quyết những vấn đề vấn đề quan trọng như điều tiết trong mùa lũ, ngăn mặn, cung cấp nước ngọt, rửa mặn, ém phèn…các hồ chứa sẽ làm nhiệm vụ tích nước quá dư thừa trong mùa mưa để sử dụng trong mùa khô, đồng thời vừa là hồ sinh thái cho một số vùng trọng điểm. “
Thực trạng thiếu nước nêu trên cũng đã và đang ảnh hưởng đến Vườn Quốc gia Tràm Chim. Chúng tôi được ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Vườn Quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) cho biết, hiện tại mực nước ở khu vực này chỉ khoảng 2m, thấp hơn cùng kỳ năm trước 1m. Theo các nhà khoa học, khi Tràm Chim thiếu nước sẽ phát sinh ô nhiễm, các loài chim ăn cá thiếu thức ăn, đặc biệt công tác phòng cháy chữa cháy trong mùa khô năm sau sẽ gay gắt hơn.
Theo chu trình hàng năm ở khu vực vườn quốc gia, vào tháng 8, 9, lúc này các cống bảo vệ sẽ mở rộng để vừa đón nước mới vừa tạo dòng lưu thông để thay đổi nước; sau đó nước rút dần và khoảng tháng 12 sẽ đóng các cống giữ nước phục vụ công tác phòng, chữa cháy. Tràm Chim là khu đa dạng sinh học duy nhất đại diện cho vùng sinh thái Đồng Tháp Mười còn sót lại. Trước đây, gần 700.000ha đất của vùng Đồng Tháp Mười đã chuyển sang sản xuất lương thực. Hiện tại, Vườn Quốc gia Tràm Chim chỉ còn khoảng 7.500ha, nhưng theo các chuyên gia quản lý dự án Chương trình Đa dạng Sinh học vùng Đất ngập nước lưu vực Mekong (Mekong Wetlands Biodiversity Program - MWBP), đây là nơi sinh cư của 231 loài chim, trong đó có 32 loài chim có giá trị bảo tồn, 12 loài trong sách đỏ và đây được xem là 1 trong 8 vùng chim quan trọng nhất của Việt Nam. Thảm thực vật ở đây theo khảo sát còn tồn tại 191 loài, trong đó có gần 3.000ha tràm và 1.000ha lúa ma, súng, cỏ năn... là nơi tạo nguồn thức ăn quan trọng để dẫn dụ sếu đầu đỏ, về cư ngụ.
Trong khi đó theo dự báo của ngành khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ : Từ nay đến cuối mùa mưa, chỉ cần xuất hiện một vài cơn bão tại khu vực thượng nguồn, các hồ sẽ đồng loạt xả nước. Khi đó, ĐBSCL đột ngột hứng lũ lớn trong thời gian ngắn. Dự báo từ nay đến cuối năm sẽ còn khoảng 5 cơn bão đổ bộ vào khu vực miền Trung. Chỉ cần 2-3 cơn bão và áp thấp nhiệt đới xuất hiện liên tiếp thì lũ lớn và nghiêm trọng sẽ xảy ra. Bởi hiện nay, tâm lý phòng bị không cao trước tình hình lũ thấp nên khi nước dâng đột ngột sẽ gây tác động xấu và thiệt hại đáng kể. Vì thế, người dân đầu nguồn phải chuẩn bị ứng phó với nước dâng bất thường ngay từ bây giờ.