Liên tục trong 2 ngày 30-31.10, mưa lớn trên diện rộng đã khiến nhiều địa phương tại các tỉnh Nam Trung Bộ ngập lụt. Các tuyến đường nước ngập từ 0,5 đến 1m, tàu Bắc Nam bị kẹt tại Phú Yên trong nhiều giờ liền.
Lực lượng cứu hộ TP. Nha Trang sơ tán người dân. Ảnh: Nam Phong
Khánh Hòa: Đường phố Nha Trang thành sông
Theo một thống kê nhanh từ Ban chỉ huy phòng chống bão lụt Khánh Hòa, mưa lớn đã làm sạt lở nghiêm trọng ở một số xã vùng ven thị xã Cam Ranh, ước tính thiệt hại trên 4 tỷ đồng. Cũng tại Cam Ranh, đã có 32 căn nhà sập, hơn 30 ha đìa nuôi tôm đang có tôm 2 tháng tuổi bị cuốn trôi, ước thiệt hại trên 12 tỷ đồng. Đặc biệt tại Nha Trang, nơi lượng mưa lớn chưa từng có (479 mm), nhiều đường phố bị biến thành sông, làm tê liệt giao thông, khiến nhiều người dân bị cô lập ngay trong khu phố mình cư trú.
Đường phố Nha Trang thành sông
Vào khoảng 1 giờ sáng qua, 31.10, nước nguồn đổ về sông Cái (Nha Trang) đã cuốn 2 chiếc tàu đánh cá của ngư dân trôi ra phía cửa sông Cầu Bóng. Tuy nhiên, được sự hỗ trợ kịp thời của Trạm Biên phòng Cửa Bóng, một chiếc tàu cá đã được đưa vào bờ neo đậu an toàn.
Riêng chiếc tàu số KH 96606 – 250 CV (của ông Lê Văn Thơ trú tại phường Xương Huân- Nha Trang) bị sóng đánh cuộn lăn nhiều vòng trên cửa biển, đến 3 giờ sáng cùng ngày đã được Trạm Biên phòng Cửa Bóng hỗ trợ neo giữ tại cửa sông trong tư thế lật nghiêng chờ tàu lớn ra lai dắt.
Trước đó, tại Cảng Hòn Rớ (Nha Trang), một chiếc tàu dầu Kim Khánh của công ty tư nhân Thái An mang số hiệu KH 0157H do không kịp bơm nước đã bị chìm, hiện đang được trục vớt để bảo đảm không xảy ra sự cố tràn dầu.
Ninh Thuận: Nhiều xã bị cô lập
Tại Ninh Thuận, lượng mưa phổ biến từ 150 đến 300mm, nước sông Cái dâng cao, khiến nhiều địa phương bị cô lập. Các xã Phước Vinh, An Hải (Ninh Phước) bị cô lập hoàn toàn. Do mưa lớn kéo dài nên các hồ thủy lợi trong tỉnh đều phải xả lũ nên mực nước trên sông Dinh dâng cao khiến nhiều nhà dân ven sông Dinh bị ngập tới mái, chính quyền đã phải sơ tán dân lên các khu vực cao để tránh ngập.
Trên quốc lộ 27, đoạn qua xã Nhơn Sơn, khu vực đèo Cậu bị ngập sâu trong nước 0,5m khiến giao thông bị ách tắc từ 0g30 sáng 31.10. Để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra, lực lượng CSGT CA tỉnh Ninh Thuận đã phong tỏa đoạn đường này.
Nhà dân khu vực ven sông Dinh ngập chìm trong nước
Nhiều tuyến đường liên huyện, liên xã bị sạt lở, chia cắt, khiến việc giao thông của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Lũ cũng nhấn chìm hơn 1.000 ha lúa, cuốn trôi gần 50 ha ao, đìa nuôi tôm, nhiều tuyến kênh mương thủy lợi bị sạt lở nặng nề, hàng trăm nhà dân bị ngập sâu trong nước từ 0,5 đến 1m. Tại huyện Thuận Nam có 6 chiếc ghe đánh cá bị sóng đánh chìm, chính quyền địa phương đã kịp thời sơ tán hơn 958 hộ/3.832 nhân khẩu đến nơi trú ẩn an toàn.
Hiện mực nước trên sông Dinh đang tiếp tục lên cao, vượt mức báo động 3 từ 0,5 đến 1m. Chính quyền địa phương đang tiếp tục dùng mọi phương tiện tiếp tục sơ tán dân ở những vùng ngập lũ đến nơi an toàn.
Phú Yên: Mưa lũ gây ách tắc giao thông, 1 người chết
Đến chiều qua, 31.10, mưa lớn vẫn tiếp tục gây ách tắc giao thông và làm ngập nhiều nơi ở tỉnh Phú Yên.
Trước đó, vào chiều tối 30.10, do mưa lớn, một lượng đất đá đã đổ xuống lấp đường sắt tại điểm 1230 + 70 ga Hảo Sơn - Đại Lãnh, khiến nhiều đoàn tàu di chuyển theo hướng Bắc – Nam phải kẹt lại ga Tuy Hòa và các ga khác trên địa bàn Phú Yên.
Ông Trần Kỳ Thạnh, Trưởng ga Tuy Hòa cho biết: Đến thời điểm trên, ga Tuy Hòa có 3 đoàn tàu đang “đứng bánh” là tàu SH1 tuyến Huế - Sài Gòn (trên tàu có 190 hành khách) vào ga Tuy Hòa lúc 17h 38 ngày 30.10; tàu SE3 tuyến Hà Nội – Sài Gòn (140 hành khách) vào ga lúc 1h46 phút và tàu SE5 tuyến Hà Nội – Sài Gòn (285 hành khách) vào ga lúc 8h20 phút ngày 31.10.
Ngoài ra, tàu SQN1 tuyến Quy Nhơn – Sài Gòn đang dừng tại ga Chí Thạnh (Tuy An) với 44 hành khách. Trong ngày 31.10, ga Tuy Hòa và ngành đường sắt đã phối hợp với Sở Giao thông vận tải Phú Yên điều xe ô tô khách để vận chuyển hành khách từ ga Tuy Hòa vào ga Đại Lãnh và sang tàu để tiếp tục hành trình.
Khắc phục sạt lở trên quốc lộ 1A qua đèo Cả (Phú Yên) vào sáng ngày 31.10
Lịch trình vận chuyển chia làm hai đợt. Đợt 1, có 8 xe ô tô khách của các doanh nghiệp vận tải Cúc Tư, Thuận Thảo sẽ vận chuyển 330 khách của hai chuyến tàu SH1 và SE3. Đợt 2 sẽ vận chuyển 329 khách của hai tàu SE5 và SQN1. Với sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, cho đến 13 giờ 30 chiều qua, 31.10, đường sắt Bắc- Nam đã hoàn toàn thông tuyến sau khi lực lượng cứu hộ đã khắc phục xong sự cố sạt lở tại km 1230+470.
Vào khoảng 17gìơ ngày 30.10, do mưa lớn, quốc lộ 1A đoạn qua đèo Cả thuộc xã Hòa Xuân Nam (huyện Đông Hòa, Phú Yên) đã bị ùn tắc giao thông cục bộ vì mái taluy dương bị sạt lở hơn 1.500m3 đất đá, lấp 2/3 mặt đường qua đèo. Điểm sạt lở này nằm cách ngã ba xuống cảng Vũng Rô gần 300m về phía bắc. Do bị sạt lở, nên đến chiều ngày 31.10, đường qua đèo Cả vẫn chỉ lưu thông được một chiều.
Mưa lớn trong hai ngày 30 - 31.10 đã khiến một số tuyến đường ở các huyện Đồng Xuân, Tuy An, Đông Hòa bị ngập trong nước, gây chia cắt giao thông. Đồng thời, các chuyến bay của Công ty Bay dịch vụ hàng không từ TP.HCM đi Tuy Hòa và ngược lại đã bị hủy do thời tiết quá xấu. Nước lũ vẫn đang tiếp tục dâng cao, uy hiếp nhiều vùng dân cư ở các địa phương trong tỉnh.
Lê Bá Dương-Công Tâm-Nhất Tự Sơn