Việc xử lý chất thải rắn ở những khu công nghiệp sẽ là hướng đầu tư của Quỹ Bảo vệ Môi trường trong thời gian tới - ông Nguyễn Nam Phương, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam, phát biểu tại hội thảo “Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam với cơ chế phát triển sạch và giáo dục truyền thông bảo vệ môi trường” ngày 3/11 ở Hà Nội.
Hiện nay Quỹ Bảo vệ Môi trường ưu tiên hỗ trợ các lĩnh vực xử lý ô nhiễm môi trường các đơn vị thuộc Quyết định 64 (xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng); Xử lý nước thải của các nhà máy, xí nghiệp; Xử lý ô nhiễm làng nghề (nước, không khí, chất thải rắn); Xử lý chất thải sinh hoạt; Xử lý khói bụi xi măng và các loại bụi khác; Triển khai các công nghệ sạch, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng; Sản xuất các sản phẩm bảo vệ môi trường; Xã hội hóa thu gom rác thải.
Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam được thành lập ngày 26/6/2002, trực thuộc Bộ Tài nguyên&Môi trường, là tổ chức tài chính nhà nước thực hiện chức năng tiếp nhận các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, các nguồn tài trợ, đóng góp, ủy thác của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nhằm hỗ trợ tài chính cho các hoạt động bảo vệ môi trường trên phạm vi toàn quốc. Tính đến tháng 8/2010, Quỹ cho 101 dự án bảo vệ môi trường vay hơn 420 tỷ đồng và tài trợ cho 99 dự án với tổng số tiền hơn 17,5 tỷ đồng.
“Mặc dù Cộng hòa Czech chưa thể so sánh với những đối tác giàu có hơn trên thế giới, chúng tôi tin rằng những nỗ lực của các chuyên gia Cộng hòa Czech, những người đã tham gia vào ba dự án (xử lý ô nhiễm dioxin tại Thừa Thiên-Huế; tìm kiếm và khảo sát nguồn nước uống tại Nghệ An; xử lý chất thải ở miền Trung) được đầu tư từ ngân sách của Bộ Môi trường Cộng hòa Czech trong giai đoạn 2005 – 2009, đã góp phần cải thiện chất lượng môi trường sống nơi đây.” - Bà Rut Bizkova, Thứ trưởng Thứ nhất Bộ Môi trường Cộng hòa Czech, cho biết.
Bà Rut Bizkova nói Bộ Môi trường Cộng hòa Czech không ngừng nỗ lực để đưa vấn đề bảo vệ môi trường trở thành một trong những vấn đề mấu chốt, vì vậy chúng tôi rất vui mừng nhận thấy trong chương trình hợp tác chính thức giữa hai nước trong giai đoạn 2006 – 2010 có cả vấn đề giải quyết các gánh nặng về môi trường trước đây mà trước hết là ô nhiễm môi trường do dioxin, có sự hợp tác về bảo vệ nguồn nước cũng như xử lý chất thải.
Ông Đặng Công Khôi, đại diện Vụ Pháp chế-Bộ Tài chính, cho rằng những thảm họa về môi trường xảy ra trong những năm gần đây đã làm thay đổi nhận thức của chúng ta về bảo vệ môi trường, cách tiếp cận để giải quyết ô nhiễm môi trường theo hướng phát triển bền vững đã được đặt ra một cách khách quan hơn. Việc xử lý ô nhiễm môi trường một cách thụ động đã được chuyển dần sang chủ động phòng ngừa.