Những cây gỗ 1 người ôm không xuể bị chặt để lấy gỗ, giờ còn trơ lại gốc, cây bé hơn thì bị đốn ngã và đốt ngay tại chỗ. Để sau đó cây mì (nhiều nơi gọi là cây sắn), cây lúa, xen lẫn cả cây điều mọc lên xâm lấn mảnh đất thiêng.
Gỗ rừng bị hạ ở khu di tích Tà Thiết
Đó là thực trạng đang diễn ra tại Di tích Quân ủy Bộ chỉ huy quân sự Miền Tà Thiết (QUBCHQSMTT, thường được gọi là Di tích Tà Thiết, hay Rừng Chính phủ), thuộc xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.
Trong biên bản quy định khu vực bảo vệ, vùng bất khả xâm phạm của di tích Tà Thiết có diện tích 1200 hecta (Phóng viên gọi là phần lõi, vòng 1). Bởi tại đây từ năm 1973 đến 1975 là nơi ở của các đồng chí lãnh đạo cấp cao thuộc Bộ chỉ huy Miền, cùng các chiến sĩ quân giải phóng Miền Nam Việt Nam. Với ý nghĩa lịch sử to lớn đó, ngày 16/11/1988, Bộ văn hóa - Thông tin đã xếp hạng QUBCHQSMTT là di tích lịch sử cấp quốc gia. Năm 1995, khu di tích này được trùng tu, tôn tạo và trở thành điểm tham quan lý tưởng của du khách. Song hiện tại, vùng đất cấm đang trở thành nơi khai thác gỗ và thâm canh lý tưởng của nhiều người.
Theo chân chị H, một người dân địa phương có cái tâm với rừng Tà Thiết, người viết bài này được chứng kiến những điều "thật như đùa". “Trước đây chỗ này là rừng bao, có nhiều cây gỗ to, thuộc vòng 1 của khu di tích, tức là vùng cần được giữ gìn, bảo vệ”. Theo cái chỉ tay của chị, trên khoảng rừng ấy giờ lúa đã sắp gặt, cây mì đã lên đến đầu người, nhìn kỹ giữa ruộng mì thì thấy cây điều (một loại cây lâu năm) đã được trồng xen kẽ. Từ xa có một khoảng lửa đang cháy, khói bốc cao, lại gần thì ra những cây gỗ được chất thành từng đống nhỏ rồi đốt. Cũng tại đây, rất nhiều cành cây lá còn xanh nằm ngổn ngang trên mặt đất. Đi bộ quanh "vùng "đất cấm" nhẩm tính ít nhất có trên 5 hecta rừng thuộc phần lõi của khu di tích đã bị hủy diệt hoàn toàn. Rừng chẳng còn nữa, nhưng những gốc cây vẫn nằm đó. Gốc thì cháy sém, gốc còn in hằn lưỡi cưa của lâm tặc. Theo một số người dân, chừng một năm nay, khu vực này đã bị chặt phá, nhưng trong 2 tháng trở lại đây những cây to bắt đầu bị đốn gục.
Đứng ở tiểu khu 217, chị H. cho biết: “Từ ruộng mì, ruộng lúa này đi vào "hạng mục" của đồng chí Lê Đức Anh chỉ còn hơn 200m”. Bước cùng chị, đi vào khoảng rừng còn lại. Trước mắt tôi, rừng đang chết dần, chết mòn vì bị tỉa phá. Nhiều cây gỗ lớn cao hàng chục mét, với đường kính từ 30 - 60 cm giờ chỉ còn trơ lại gốc. Những khúc gỗ tròn, chiều dài từ 2 - 3m nằm rải rác vì lâm tặc chưa kịp vận chuyển ra ngoài. Còn các loại cây có ý nghĩa lịch sử, gắn liền với chiến công của quân giải phóng như: cây Trung Quân với lá để lợp nhà, Dây Gùi với trái làm nước giải khát… đang bị chặt để làm thuốc. Đặc biệt có nơi với diện tích chỉ hơn 100m 2 , nhưng có đến 4 cây đã bị đốn ngã. Khi chúng tôi đến thì gặp 2 người đàn ông đang chở gỗ trên xe gắn máy đi ra. Ngay tại đây, gỗ đã được xẻ thành từng tấm, cưa thành khúc, có cây mới chặt vẫn còn nguyên mùi tanh tanh của gỗ.
Vài năm về trước, nạn chặt phá rừng trong khu di tích Tà Thiết đã được dư luận phản ánh. Đây là di tích lịch sử quốc gia đã được xếp hạng và được đồng bào dân tộc tin yêu gọi với cái tên thân thương “Rừng Chính Phủ”, gắn với tên tuổi của các lão thành cách mạng như: Đại tướng Lê Đức Anh, Thượng tướng Trần Văn Trà, Thiếu tướng Nguyễn Thị Định, Chính ủy Phạm Hùng… Và nơi đây cũng được biết đến bởi không chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ và phát triển các hoạt động của Bộ Chỉ huy Miền, một căn cứ dự trữ hậu cần chiến lược, mà còn là căn cứ cơ bản của Bộ Chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn… nay đang bị xâm hại nghiêm trọng. Cái tên “Rừng Chính Phủ” rồi sẽ như thế nào đây trước sự tàn phá của lâm tặc?
Khi được hỏi về thực trạng này, ông Trần Thanh Tốt - Phó Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết cho biết: “Tuần nào chúng tôi cũng phối hợp với chốt kiểm lâm đi tuần tra, nhưng lực lượng mỏng, lâm tặc nhiều thủ đoạn nên khó kiểm soát”. Cũng theo ông Tốt, diện tích rừng nằm trong khu di tích đã chuyển giao cho các đơn vị quân đội quản lý. Tìm hiểu chúng tôi được biết, các chốt bảo vệ rừng (trong khu vực di tích) của Tiều đoàn 208 (Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bình Phước) – đơn vị được giao quản lý diện tích rừng trong khu di tích nằm cách những điểm phá rừng chỉ khoảng 2-3 km. Thiết nghĩ, các ngành các cấp có trách nhiệm cần khẩn trương chấm dứt mọi hoạt động gây xâm hại di tích "Rừng Chính phủ".