Quảng Bình: Rừng không cháy mà xanh

Cập nhật: 15/11/2010
Đốt, phá rừng hiện đang là vấn đề khá bức xúc của xã hội. Hàng năm trên cả nước có hàng chục ngàn hec-ta rừng bị phá đi với những mục đích khác nhau. Giải quyết được nạn đốt, phá rừng là một vấn đề nan giải, thế nhưng, điều này đã được nhân dân và lãnh đạo xã Thái Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình làm rất tốt.

Nằm ở khu vực gò đồi phía nam huyện Lệ Thủy, xã Thái Thủy có diện tích đất tự nhiên 5800ha, trong đó có đến 3780 ha là diện tích đất rừng, chiếm 2/3 diện tích đất toàn xã. Để đảm bảo tốt công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng, lãnh đạo UBND xã Thái Thủy đã có những biện pháp dù không phải là mới, nhưng đã đem lại hiệu quả rất lớn.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Duy, chủ tịch UBND xã Thái Thủy, người rất coi trọng công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng cho biết: “Hàng năm, lãnh đạo UBND xã Thái Thủy thường tổ chức các hội nghị bảo vệ, phòng chống cháy rừng, đưa vấn đề bảo vệ rừng trở thành một nhiệm vụ quan trọng có tính cấp thiết. Để thực hiện tốt những biện pháp bảo vệ rừng, lãnh đạo và cán bộ ban phòng chống cháy rừng  của xã thường xuyên về địa bàn dân cư, tuyên truyền cho bà con hiểu những lợi ích của rừng, từ đó giúp bà con nhận thức được tầm quan trọng của công tác bảo vệ rừng. Ngoài ra, lãnh đạo UBND xã cũng đã tổ chức rất tốt mạng lưới phòng chống cháy rừng và bảo vệ rừng trên địa bàn toàn xã; thường xuyên cắt cử cán bộ túc trực 24/24 giờ, vì thế khi có hiện tượng cháy rừng thì vấn đề rất nhanh chóng được giải quyết”.

Cũng theo đồng chí Nguyễn Ngọc Duy, xã đã thực hiện rất tốt chính sách giao khoán rừng cho dân. Khi người dân được trở thành chủ sở hữu thật sự, hiểu được những giá trị kinh tế từ rừng mang lại thì hơn ai hết, họ chính là người có ý thức nhất trong việc bảo vệ tài sản của mình. Cũng vì thế mà hiện tượng người dân phá rừng, đốt rừng lấy củi, lấy gỗ như trước kia giờ đây không còn tồn tại nữa.

Có thể nói, giao khoán rừng chính là “chiếc chìa khóa” quan trọng mang lại hiệu quả cho công tác bảo vệ phòng chống cháy rừng ở Thái Thủy.

Với những biện pháp cụ thể đó mà hàng năm, số vụ cháy rừng trên địa bàn xã xảy ra rất ít; khi xảy ra cháy thì nhanh chóng được dập tắt nên cũng không gây nhiều thiệt hại.      

Nhờ những biện pháp đúng đắn đó, trong trận lụt lịch sủ vừa qua, Thái Thuỷ là một trong số ít địa phương thuộc vùng núi gò đồi đã không xảy ra hiện tượng lũ quét như nhiều địa phương khác ở Tuyên Hoá, Bố Trạch, Quảng Trạch (Quảng Bình), nhờ vậy thiệt hại được hạn chế đến mức thấp nhất.

Không chỉ làm tốt công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng mà Thái Thủy còn là địa phương thực hiện rất tốt chính sách “trồng rừng phủ kín đồi trọc”. Hàng năm UBND xã đều tổ chức ra quân chiến dịch trồng cây xanh phủ kín đất đồi trọc, thu hút rất đông người dân tham gia.

“Dựa vào rừng để phát triển kinh tế” cũng là một định hướng đúng đắn phù hợp với những tiềm năng, thế mạnh của xã. Trong những năm qua, nhờ dựa vào rừng mà kinh tế xã đã có những bước phát triển đáng kể. Từ một xã nghèo chỉ độc canh cây lúa, giờ đây nông nghiệp được phát triển với nhiều loại hình phong phú đa dạng, máy móc được đưa vào ứng dụng trong sản xuất. Hệ thống đường bê tông đã được xây dựng ở khu vực trung tâm và các trục đường chính của xã. Thái Thủy giờ xuất hiện nhiều tỉ phú từ trồng rừng.

Kết quả này có được là nhờ lãnh đạo UBND xã đã biết coi trọng, đi sâu đi sát dân, vận dụng linh hoạt các biện pháp bảo vệ phòng chống cháy rừng, tận dụng lợi thế về rừng để phát triển kinh tế.

Với những kết quả đó, Thái Thủy xứng đáng là địa phương điển hình cho công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng.

Bài, ảnh: Nguyên Phi

 

Nguồn: QĐND