Một trong những bộ lư đồng lớn nhất miền Nam hiện được đặt tại đền Bến Dược, Củ Chi, đã khẳng định tài năng và sự khéo léo của những người thợ đúc đồng làng An Hội. Thế nhưng, sự suy thoái của làng nghề này trong những năm gần đây cho thấy có nguy cơ bị mai một.
Làng đúc lư đồng An Hội ở P.12, quận Gò Vấp, TP.HCM có trên 100 năm, nổi tiếng và qui mô vào loại bậc nhất ở miền Nam. Một trong những gia tộc có nhiều đời theo nghề gia truyền, duy trì và phát triển cho đến ngày nay là gia tộc họ Trần. Theo nghệ nhân Trần Văn Thắng (Hai Thắng), người mà các hậu duệ làng lư An Hội cho rằng có công gây dựng làng nghề là ông Trần văn Kỉnh. Sau khi ông mất, con cháu nhiều đời của ông vẫn kế nghiệp cho đến ngày nay. Đó là những lò lư nổi tiếng của An Hội như lò Hai Thắng, Ba Cồn, Trần Văn Tỷ, Trần Văn Điển, Trần Quốc Kiểng.
Cũng như các nghề thủ công khác, nghệ nhân đúc lư đồng An Hội luôn giữ bí mật nghề nghiệp. Kỹ thuật chế tác luôn được coi là bí quyết của từng lò và từng dòng họ. Theo tục truyền, bí quyết trong nghề nằm ở khâu pha chế đồng, làm khuôn, bịt lư và nấu đồng. Muốn bộ lư đồng có màu sắc đẹp, người thợ phải pha thêm kẽm. Tỷ lệ pha chế gia giảm tùy thuộc vào đặc tính kỹ thuật và vật đúc. Tuy vậy, khâu chạm trổ luôn được đặt lên hàng đầu, đòi hỏi rất công phu và tỉ mỉ. Để chạm trổ được lư, ngoài sự tinh tế, chuẩn xác người thợ (vào nghề ít nhất 3 năm) còn phải có óc thẩm mỹ, điều này được thể hiện rõ qua từng nét chạm khắc trên lư. Đặc biệt chạm khắc các hình “tứ linh” đòi hỏi sự tinh xảo rất cao. Do vậy, không phải ai cũng có thể trở thành thợ chạm, vì nó vừa là công việc của người thợ thủ công, vừa là công việc của một nghệ nhân có năng khiếu thẩm mỹ và tay nghề cao.
Vào những tháng cuối năm như hiện nay được coi là vào mùa sản xuất lư Tết, nhưng đáng buồn thay làng lư An Hội không có dấu hiệu gì là vào mùa. Các lò nung khuôn, nấu đồng nguội lạnh từ lâu. Tại lò lư Ba Cồ, thời điểm này của năm trước, thầy thợ có trên 20 người, làm cả ngày lẫn đêm mới đủ hàng giao. Năm nay, còn chẳng bao lâu nữa đến Tết vậy mà cả thầy lẫn thợ vừa làm vừa uống trà xem chừng rất nhàn hạ. Anh Tú, thợ chạm lư có hơn 10 năm ở đây tâm sự: xã hội ngày càng hiện đại, người ta có xu hướng giảm bớt các nghi lễ cầu kỳ, trên bàn thờ ông bà bộ lư đồng truyền thống dần được thay bằng bộ lư gốm sứ rẻ tiền, gọn nhẹ. Chính điều này đã làm cho danh sách các lò lư An Hội mỗi năm ngắn lại. Nếu như trước đây, thời cực thịnh An Hội có hơn 50 lò, sản phẩm bán khắp Nam kỳ lục tỉnh và thỉnh thoảng còn xuất khẩu sang một số nước lân cận, nay còn đếm không đủ trên một bàn tay.
Ông Hai Thắng, một nghệ nhân “lão làng” than thở: làm để sống đắp đổi qua ngày, hơn nữa nghề gia truyền nên cố giữ lấy chứ thật ra nhiều lúc cũng muốn bỏ lắm! Hàng trong nước bán không chạy, còn hàng xuất khẩu thì họa hoằn lắm mới có đơn hàng “còm cõi” cho khách Đài Loan, Hàn Quốc, Việt Kiều.
Theo nghệ nhân Hai Thắng, nghề đúc lư là một trong những nghề thủ công phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật cao, thường gặp nguy hiểm khi đổ đồng. Do đặt tính của sản phẩm liên quan đến tín ngưỡng, thế giới thần linh nên xung quanh nghề này có rất nhiều điều kiêng kỵ. Chẳng hạn như một đêm trước khi đúc lư, các nghệ nhân phải làm lễ cúng lò, cầu bình an cho người thợ và mẻ đồng được suôn sẻ. Lễ vật tùy lòng hảo tâm, có thể là con gà, nhang đèn, hoa quả… Các khâu quan trọng như đúc lò, nấu đồng thường chỉ dành cho đàn ông, đặc biệt là những người đàn ông nhân đức. Trước khi chuẩn bị đốt lò nung khuôn, đổ đồng người thợ còn phải “ăn chay nằm đất”, kiêng cữ cả phụ nữ để giữ lòng trong sạch. Những người ngoài gia tộc, hoặc không thân tín không được bén mảng vào khu đổ đồng. Sự kiêng kỵ này, có lẽ gắn liền với việc giữ bí mật nghề nghiệp? Còn đối với những người thợ là nữ, tuy làm những công việc đơn giản như nắn khuơng, bịt lư… cũng chỉ được làm trong những ngày “sạch sẽ” vì sợ ô uế đến thần linh!
Cho đến nay, mặc dù làng lư đồng An Hội đang trên đà suy thoái và đứng trước nguy cơ mai một nhưng nó vẫn là địa chỉ văn hóa, du lịch không thể nào phai trong tâm trí những người hoài cổ. Nhưng để “giữ lửa” cho những bộ lư đồng luôn óng ánh rất cần bàn tay của Nhà nước, bằng những chính sách khuyến khích thích hợp mới hy vọng giữ được một làng nghề có truyền thống hàng trăm năm ở đất Nam bộ này.
Cao Phương