"Gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ phát triển văn hóa, văn nghệ, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa với phát triển du lịch và hoạt động thông tin đối ngoại nhằm truyền bá sâu rộng các giá trị văn hóa trong công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ và người nước ngoài...", nội dung này được nêu trong dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X tại đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.
Trong cuộc trao đổi với phóng viên Vietnam+ bên hành lang kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII, nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam; Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh đến một thực tế rằng vấn đề bảo tồn di sản, phát huy ưu thế để thu hút du lịch là một bài toán khó.
"Nếu không có sự đi đầu, nhận thức tiên phong của nhà nước và tính gương mẫu của nhà nước thì khó có hy vọng. Con người vốn tư duy hành xử theo lợi ích. Chính vì thế, rất cần những người lãnh đạo có tầm nhìn và sau đó là tính gương mẫu," ông Quốc nói.
Dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu lịch sử, ông đánh giá như thế nào về việc bảo tồn di sản để phát triển và thu hút khách du lịch, nhất là ở thủ đô Hà Nội thời gian qua?
Ông Dương Trung Quốc: Phố cổ ở Hà Nội là một dấu ấn của lịch sử. Chúng ta đô thị hóa rất muộn, và trong quá trình đô thị hóa lại phải đối mặt với nguy cơ bị nông thôn hóa.
Tôi xin nói rằng Thăng Long-Hà Nội có một nghìn năm tuổi là đúng nhưng thành phố Hà Nội mới chỉ có 122 năm tuổi thôi.
Hiện nay, vấn đề văn hóa chẳng hạn, đối với Hà Nội, quan trọng nhất không phải là thanh lịch. Thanh lịch chỉ là một cách nói mơ hồ. Quan trọng nhất là văn hóa đô thị, từ đường đi lối lại, giao thông cho đến xây dựng nhà cửa...
Hiện giờ đang tồn tại cái gọi là phú quý sinh lễ nghĩa. Chỉ cần nghĩ một cách đơn giản thôi, ta phá đi một ngôi chùa đang có để xây lại một ngôi chùa mới sẽ đắt hơn rất nhiều. Chính vì thế, di sản của chúng ta đang ngày một thu hẹp. Vì thế, công tác bảo tồn là rất quan trọng.
Tôi lấy ví dụ như ở phố cổ Hội An, người ta gọi là "Công chúa ngủ trong rừng" vì trước đó di sản bị bỏ quên. Nhưng nó đã thức tỉnh đúng lúc khi người ta nhìn thấy giá trị ở đó trong một không gian lịch sử. Và người dân ở đó thuận theo và khai thác nó như một nguồn lợi cho mình. Vì thế ta mới có một Hội An như hiện tại.
Hà Nội thì khác. Hà Nội là một "sinh thể" đang phát triển, nó luôn luôn đi tìm những giá trị khác chứ không phải giá trị lịch sử. Thí dụ, tôi có một mặt bằng ở giữa Hà Nội chẳng hạn thì tôi quan trọng giá trị mặt bằng hơn là giá trị không gian. Tập tính đấy cũng là một dấu ấn để lại của lịch sử.
Bảo tồn di sản, phát huy ưu thế để thu hút du lịch là một bài toán rất khó. Chúng ta không phải không quan tâm nhưng hiện tại thì khó làm nổi. Người dân cũng chưa nhận thức rõ vấn đề này. Chỉ e rồi đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ phải hối tiếc và sẽ phải đầu tư rất là nhiều để có thể lại khai thác được nó.
Tôi đến di tích Chín Hầm ở Huế, nơi giam giữ tù nhân của chế độ cũ, tôi cũng đã đến rất nhiều những đô thị cũ như ở Tam Đảo, ở Bà Nà... cho đến trước những năm 80 của thế kỷ 20 thì vẫn còn. Cho nên, cơ chế là quan trọng, chính sách nhà nước cũng rất quan trọng.
Tôi xin nói đến việc bảo tồn biệt thự cổ, biệt thự cũ có từ thời Pháp ở Hà Nội đang có những tồn tại. Làm sao nâng cao được dân trí để bảo tồn lịch sử, tôi cho đấy là nhiệm vụ chính.
Con người vốn tư duy hành xử theo lợi ích. Nếu không có sự đi đầu, nhận thức tiên phong của nhà nước và tính gương mẫu của nhà nước thì khó có hy vọng. Chính vì thế rất cần những người lãnh đạo có tầm nhìn và sau đó là tính gương mẫu.
Vậy theo ông, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII vừa đưa ra thảo luận dự thảo Luật Thủ đô có giải quyết được vấn đề này?
Ông Dương Trung Quốc: Trước hết phải nói dự thảo Luật thủ đô được đưa ra sau gần 10 năm Pháp lệnh thủ đô đã có. Tuy nhiên, pháp lệnh này vẫn chưa thực sự đi vào đời sống, còn có sự chồng chéo và chưa phát huy hết vai trò của nó.
Giả sử chúng ta có Luật thủ đô rồi thì Thành phố Hồ Chí Minh, một đô thị có quy mô lớn hơn và sau đó còn nhiều thành phố khác đang phát triển nữa trong tương lai lại tiếp tục đòi hỏi phải có những cơ chế đặc thù theo, như thế theo tôi là không hợp lý.
Tôi thấy băn khoăn khi Pháp lệnh về thủ đô còn chưa hiệu quả như thế này mà lại được nâng lên thành Luật. Lẽ ra ta nên điều chỉnh chính pháp lệnh đã.
Khi ta đã điều chỉnh được rồi, pháp lệnh đã phát huy được vai trò tích cực của nó rồi nhưng trên thực tế đòi hỏi phải nâng cao hơn nữa thì hãy nâng pháp lệnh lên thành luật, nhất là khi chúng ta vừa mới mở rộng địa giới hành chính của thủ đô.
Tuy nhiên, tôi muốn tiếp cận vấn đề ở một góc độ khác. Tôi cho rằng cái đang thiếu hiện nay - không chỉ riêng với Hà Nội mà còn đối với quy mô phát triển của cả nước chúng ta - chính là Luật đô thị.
Trên thực tế, đất nước chúng ta phát triển như hiện nay, ngày càng có thêm nhiều đô thị, đặc biệt là có những đô thị 6-7 triệu dân như Hà Nội, ngót 10 triệu dân như Thành phố Hồ Chí Minh thì điều này là cần thiết.
Tôi hoàn toàn ủng hộ Hà Nội phải có một bộ luật sao cho phù hợp trong đó có cả vấn đề đặc thù, có cả vấn đề ngoại lệ nhưng phải trên nền tảng của luật đô thị.
Lấy ví dụ, một đô thị có bao nhiêu dân thì bắt buộc hệ thống cơ sở hạ tầng phải đáp ứng được nhu cầu, trong đó phải có các công trình hạ ngầm. Nếu chúng ta sớm thực hiện như thế thì vấn đề làm hệ thống tàu điện ngầm không phải bây giờ chúng ta mới đặt ra một cách khó khăn như thế này. Việc quản lý dân cư cũng thế.
Người dân, theo pháp luật quy định có quyền được tự do cư trú, kể cả ở Hà Nội. Nhưng tự do phải có điều kiện. Anh không có nhà ở thì làm sao mà tự do cư trú được. Đó là điều kiện tối thiểu. Chúng ta phải giãn dân ra, nhất là bây giờ Hà Nội đã có một không gian rộng lớn hơn rồi.
Nếu chỉ phát triển về số lượng mà không song hành với chất lượng sẽ dẫn đến việc hạn chế cư dân sống ở thủ đô. Làm không cẩn thận thì người ta sẽ tìm cách ở Hà Nội bằng "cổng sau" chứ không phải bằng "cổng chính."
Chúng ta thấy hiện nay rất nhiều thành phố tuy mới được thành lập nhưng vẫn cứ xơ xác, nhỏ bé và nghèo nàn. Vì thế, theo tôi, trước khi nghĩ đến Luật Thủ đô thì cần có Luật đô thị, dùng chung cho tất cả những đô thị trong cả nước, trong đó có phân cấp rõ ràng mới được.
Xin cảm ơn ông./.
Vũ Anh Minh