Hội thảo "Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Thăng Long"

Cập nhật: 26/11/2010
"Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Thăng Long", đó là chủ đề của cuộc tọa đàm diễn ra tại Hà Nội ngày 23/11, nhân Ngày Di sản Việt Nam lần thứ VI.

Buổi tọa đàm có sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa, thảo luận về những vấn đề đang được dư luận quan tâm như: bảo tồn Hoàng thành Thăng Long, bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, ca trù Hà Nội, lễ hội cổ truyền Thăng Long - Hà Nội, các di tích thờ Tổ nghề trên đất Thăng Long - Hà Nội, làng cổ Đường Lâm với những định hướng bảo tồn và phát huy giá trị di tích, văn hóa dân gian với việc bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống Hà Nội...

Trong phát biểu đề dẫn, PGS - TS Đỗ Thị Hảo (Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam) nhấn mạnh: Thăng Long xưa, Hà Nội nay không chỉ là nơi hội tụ tinh hoa của mọi miền đất nước mà còn là nơi hun đúc vượng khí của núi sông, anh linh của đất trời. Kể từ khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long thì mảnh đất “Kẻ Quê” này đã thành Kẻ Chợ. Cũng từ đó, văn hóa nơi thôn dã đã hòa quyện với văn hóa nơi đô thị tạo thành mạch nguồn văn hóa phong phú đa dạng và độc đáo chỉ riêng có của Thăng Long - Hà Nội. Đó là di sản văn hóa vô giá của một Thủ đô vừa tròn 1000 năm tuổi.

Nói đến di sản văn hóa Thăng Long Hà Nội không thể không nói đến một hệ thống di tích dày đặc được hình thành trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc. Đó là Hoàng Thành Thăng Long - một di tích mang trên mình dấu ấn của ngàn năm; Văn Miếu - Quốc Tử Giám - biểu tượng của trí tuệ Việt mà mỗi khi nhắc đến mỗi người dân đều cảm thấy tự hào.

Nói đến di tích Hà Nội không mấy ai lại không biết đến Thăng Long tứ trấn. Rồi Phủ Tây Hồ, đình Tây Đằng, chùa Mía, đền Và, Thành cổ Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm... Đó là những di sản vật thể. Còn di sản phi vật thể nổi tiếng của Thăng Long - Hà Nội như những sinh hoạt lễ hội đã để lại dấu ấn không thể phai mờ trong mỗi con người Việt Nam, để rồi đi đâu về đâu ta cũng nhớ về quê hương xứ sở, nhớ về Hà Nội. Đó là những diễn xướng dân gian như: ca trù, múa bồng, xẩm, rối nước, hát dô, hát chèo tàu...

Trong nhiều năm qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lãnh đạo thành phố Hà Nội rất quan tâm đến việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của Hà Nội.

Song trên thực tế còn tồn tại nhiều bức xúc về tình trạng lễ hội tràn lan gây lãng phí; di sản văn hóa, tín ngưỡng dân gian bị bóp méo, làm cho sai lệch ý nghĩa; di tích bị biến dạng sau khi trùng tu như Ô Quan Chưởng, thành cổ Sơn Tây… mà dư luận cũng như các nhà khoa học đặc biệt quan tâm.

Phó giáo sư-tiến sỹ Lê Hồng Lý, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa - Viện Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, ở Hà Nội hiện có khoảng 1.000 lễ hội trên tổng số 8.000 lễ hội của cả nước, trong đó có những lễ hội đặc sắc mà chỉ Hà Nội mới có.

Tuy nhiên kinh nghiệm cho thấy, những lễ hội nào mà do nhân dân quản lý, tổ chức thì sẽ giữ được những nét đặc sắc, truyền thống như nó vốn có như lễ hội của làng Triều Khúc hay Hội Gióng ở đền Phù Đổng, đền Sóc vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nhà nước chỉ nên đóng vai trò là nhà tư vấn, hỗ trợ nhân dân và tổ chức những lễ hội mang tầm quốc tế như Giỗ tổ Hùng Vương…

Tại buổi tọa đàm các đại biểu đã đưa ra những đề xuất, những gợi mở để giúp cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng sẽ đạt được những thành tựu và hiệu quả.

TS Đặng Kim Ngọc – Giám đốc Trung tâm Văn Miếu – Quốc Tử Giám, đã khẳng định: “Văn Miếu – Quốc Tử Giám là đỉnh cao của giáo dục Nho giáo Việt Nam dưới thời phong kiến”. 82 bia Tiến sĩ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã được UNESCO tôn vinh là Di sản tư liệu thế giới thuộc chương trình Ký ức thế giới của UNESCO. Tuy nhiên, cho đến nay, việc bảo tồn những tấm bia này ra sao vẫn còn khiến nhiều nhà khoa học, quản lý đau đầu...

TS Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn khu di tích Cổ Loa- Thành cổ Hà Nội cho biết: Trong 10 ngày mở cửa nhân dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội đã có gần 500 nghìn lượt người tới thăm di sản Hoàng Thành Thăng Long. Điều đó đã chứng tỏ sự quan tâm của công chúng đối với lịch sử nước nhà, nhu cầu được hưởng thụ những giá trị văn hóa cũng như sự nhận thức của xã hội nói chung đối với việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. Hiện nay, đồ án quy hoạch khu di sản Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long tỷ lệ 1/500 đang được Trung tâm Bảo tồn khu di tích Cổ Loa – Thành cổ Hà Nội khẩn trương nghiên cứu để trình Chính phủ phê duyệt...

Theo Tiến sỹ Nguyễn Văn Sơn, hiện nay ở nhiều đình, đền, chùa cũng như di tích trong nước đang diễn ra cảnh trùng tu mà người thực hiện lại không nắm được kiến thức, không làm theo quy trình, dẫn đến tình trạng làm “mới” di tích bằng các vật liệu mới không theo vật liệu cũ mà cha ông từng làm, khiến di tích vừa trùng tu xong lại xuống cấp rất nhanh, thậm chí phá hoại nét rêu phong, cổ kính vốn có của di tích.

Có thể thấy, việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội nói riêng và di sản văn hóa Việt Nam, là thách thức không nhỏ đối với những người làm công tác quản lý bảo tồn, đó là trách nhiệm không chỉ với lịch sử mà còn cả với hiện tại và tương lai.

 

 

Nguồn: Cinet