Đừng tạo thêm thảm họa “nhân tai”
Việt Nam là một trong 5 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất (69%) của tình trạng biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng. Hằng năm, hàng chục triệu người phải chịu đựng và sống chung với những diễn biến thất thường của thời tiết, những ảnh hưởng do BĐKH gây ra: triều cường, bão, lũ, xâm thực mặn, nước biển dâng, sạt lở, nắng nóng, rét đậm rét hại, mưa đá... BĐKH sẽ tác động trực tiếp và gián tiếp đến toàn bộ môi trường sống của con người và tự nhiên, tạo nên những thách thức to lớn đối với sự phát triển đô thị, điểm dân cư nông thôn, đặc biệt là đối với các đô thị ven biển.
Theo dự báo đến cuối thế kỷ XXI, khi nước biển dâng 75cm (so với thời kỳ 1980-1999) hàng trăm đô thị ven biển của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi BĐKH và nước biển dâng. Khu vực dễ bị tổn thương nhất gồm vùng ven biển Sơn Trà, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn, Thanh Khê, Hòa Vang, Cẩm Lệ, Hải Châu của TP Đà Nẵng; Nhơn Châu, Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Hội, Ghềnh Ráng, Hải Cảng... và một số vùng khác thuộc trung tâm TP Quy Nhơn (Bình Định). Còn tại Cần Thơ, một số vùng sẽ bị ngập lụt và nhiễm mặn gồm Vĩnh Thạnh, Thốt Nốt, Q. Ô Môn, Q. Ninh Kiều, Cái Răng.
Không chỉ có vậy, BĐKH và nước biển dâng còn gây ra tình trạng xói lở, nhiễm mặn, ngập lụt do triều cường ở các xã, phường ven biển... Sự bất thường của diễn biến thời tiết không theo chu kỳ nữa mà đã liên tục xảy ra yếu tố bất định trong BĐKH trên khắp mọi miền, với mọi thời điểm. Hạn hán và bão lũ liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây ở khu vực miền Trung, triều cường tại TPHCM, sự bất thường trong mùa lũ tại ĐBSCL là một minh chứng nhãn tiền của tác động BĐKH đến các đô thị và cộng đồng dân cư sinh sống.
Mặt khác, phát triển đô thị ồ ạt cũng là nguyên nhân góp phần làm gia tăng hiện tượng BĐKH. Khai thác quá mức tài nguyên đất vì mục tiêu tăng trưởng đô thị và công nghiệp mà coi nhẹ yêu cầu phát triển bền vững, vấn đề sinh thái đô thị tác động không nhỏ đến những thay đổi bất thường của tự nhiên, gia tăng sự cố môi trường.
Trước thực trạng đáng báo động trên, các nhà hoạch định cần có những quyết sách mạnh mẽ hơn trong vấn đề quy hoạch đô thị, môi trường để ứng phó với tình trạng BĐKH - được coi là một trong những vấn đề cấp thiết của thế giới. Các kiến trúc sư tại Hội thảo nhận định, đô thị ven biển Việt Nam đang ngày càng tụt hậu so với thế giới, vì vậy, cần xây dựng chiến lược đô thị quốc gia hợp lý; đẩy mạnh quy hoạch đồng bộ trên toàn quốc; đổi mới phương pháp quản lý phát triển đô thị; tổ chức thực hiện quy hoạch đô thị; đổi mới thể chế quy hoạch đô thị, nhất là đối với các đô thị ven biển luôn phải đối diện và sống chung với triều cường, bão lũ...
Đà Nẵng trước những thách thức về BĐKH
Với bờ biển dài gần 300km (trong đó có 92km chứa vệt đô thị), Đà Nẵng có vai trò quan trọng trong khu vực tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng do Đà Nẵng là cửa ra phía Biển Đông của tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây nối từ Myanmar, Thái Lan, qua Lào đến Việt Nam, là thành phố lớn nhất miền Trung. Qua phân tích tình hình, có 3 yếu tố ảnh hưởng đến BĐKH ở Đà Nẵng, trong đó sự biến đổi về lượng mưa ảnh hưởng mạnh nhất đến các loại hình thiên tai và thời tiết nguy hiểm. Tiếp theo là sự gia tăng của mực nước biển và sự tăng nhiệt độ.
Sự tổn thương đó đã thể hiện rõ trong quá khứ, đó là tình trạng xói lở mất đất, sự suy giảm về kinh tế; hư hại công trình giao thông thủy lợi; ảnh hưởng đến sức khỏe của con người và ô nhiễm môi trường. Trong tương lai Đà Nẵng tiếp tục bị tổn thương mạnh mẽ hơn, bởi cường độ và tần suất của thiên tai sẽ tiếp tục tăng lên nếu không có sự ứng phó kịp thời, phù hợp thì các thiệt hại đối với các vấn đề KT-XH và môi trường sẽ nặng nề hơn rất nhiều (bão lũ, hạn hán, triều cường, xói lở bờ sông, bờ biển và xâm nhập mặn... là những thiên tai nguy hiểm nhất). Đặc biệt, tính bất định trong diễn biến khí hậu, nên việc dự báo là rất khó chính xác, vì thế các kế hoạch thích ứng cần phải đảm bảo linh hoạt và chủ động.
Rất nhiều đối tượng, nhiều ngành nghề sẽ bị tổn thương trực tiếp do BĐKH. Trong đó các ngành kinh tế trọng điểm, các khu vực có bờ biển (Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà) và các công trình ven biển dễ bị tổn thương nhất. Bên cạnh đó, dưới tác động của đồng thời hạn hán gia tăng, xâm nhập mặn thì tài nguyên nước có thể sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề. Vì thế đây cũng là một đối tượng ưu tiên trong các giải pháp thích ứng về lâu dài. Vì thế, các hệ thống tiêu chuẩn xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, hệ thống thông tin liên lạc và các công trình công cộng cũng cần được điều chỉnh để đảm bảo các yếu tố BĐKH được xét đến trong quá trình quy hoạch, xây dựng.
Về các khu vực dễ bị tổn thương, bên cạnh các vùng ven biển, ven sông, vùng trũng hiện tại thì một số khu vực sẽ trở nên nhạy cảm hơn dưới tác động của BĐKH và quá trình đô thị hóa. Chẳng hạn như các khu vực nằm xung quanh các khu đô thị mới được xây dựng trên những vùng trũng mà cao độ nền đã được nâng lên. Tại Hội thảo, nhiều đại biểu đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc về kiến trúc, khai thác tài nguyên, xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường, biện pháp ứng phó với thiên tai và biện pháp “sống chung với lũ”, thích ứng với BĐKH trong tương lai của TPĐN.