Theo TS. Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế: “Quá trình hợp tác với hàng chục tổ chức trong nước và quốc tế những năm qua trên nhiều lĩnh vực đã và đang nuôi dưỡng, đào tạo nên nhiều chuyên gia, nghệ nhân giỏi - nguồn nhân lực rất quan trọng để phục vụ chính công tác bảo tồn. Với lực lượng hiện có, Huế đủ sức đẩy mạnh tiến độ trùng tu, phục hồi các di tích nếu có đủ nguồn vốn”.
Từ những bức tranh tường ở Cung An Định
Cung An Định là một trong những công trình tiêu biểu có giá trị nghệ thuật nổi bật bởi sự giao thoa giữa hai nền văn hoá phương Đông và phương Tây giai đoạn đầu thế kỷ 20. Giá trị ấy thể hiện ở nghệ thuật kiến trúc, nghệ thuật trang trí nội ngoại thất và phần nào nghệ thuật phong cảnh đã được thể hiện một cách sinh động, cụ thể thông qua bàn tay vàng của các nghệ nhân người Việt tài danh đương thời trên các phương diện nghệ thuật kiến trúc, trang trí, hội hoạ, điêu khắc và nghệ thuật khảm nổi sành sứ. Tuy nhiên, cũng như số phận của nhiều công trình kiến trúc khác, Cung An Định cũng chịu sự ảnh hưởng của chiến tranh, thời tiết khắc nghiệt, cũng như sau nhiều lần dời ngôi đổi chủ, toà nhà không được bảo quản tốt trong một thời gian rất dài nên sự xuống cấp, hư hỏng là điều tất yếu. Các bức tranh tường theo đó cũng bị phai mờ, biến dạng, thậm chí nhiều mảng tường trước đây được trang trí bằng nhiều hoa văn, hoạ tiết rất tinh xảo đã bị phủ bằng một lớp vôi dày.
Nhận thức về giá trị của các tác phẩm nghệ thuật này, năm 2002, Trung tâm BTDTCĐ Huế đã phối hợp với Hiệp hội Trao đổi Văn hoá Leibniz (Đức) đề nghị Bộ Ngoại giao Đức tài trợ để phục hồi. Dự án đã được thực hiện bởi 4 chuyên gia bảo tồn có kinh nghiệm của Đức theo phương pháp phục hồi hoàn nguyên và sử dụng các chất bảo quản nhằm ngăn chặn những tác hại của môi trường, trả lại diện mạo vốn có của nó. Kết quả phục hồi đã được phía nhà tài trợ Đức, các nhà chức trách và chuyên môn Việt Nam cũng như dư luận đánh giá cao. Song song với việc bảo tồn phục hồi, 9 học viên của Trung tâm BTDTCĐ Huế cũng được đào tạo kỹ thuật phục hồi tranh tường theo tiêu chuẩn quốc tế, chuẩn bị lực lượng cho việc phục hồi tranh tường ở giai đoạn tiếp theo của dự án. Có thể nói rằng, đây là lần đầu tiên, một chương trình phục hồi tranh tường đã được tiến hành theo đúng tiêu chuẩn quốc tế tại Huế. Dự án có án có tồn văn hoá đầu tiên của Chính phủ Đức cho Huế. Sự thành công của dự án đã đem lại nhiều hứa hẹn cho công tác bảo tồn, trùng tu các công trình kiến trúc và các tác phẩm nghệ thuật cổ, đồng thời góp phần thắt chặt thêm quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Cộng hoà Liên bang Đức, và mở ra một chương trình hợp tác mới giữa Đức với tỉnh Thừa Thiên Huế trong tất cả các lĩnh vực nói chung và văn hoá nói riêng.
Đến đơn vị hàng đầu trong nước về bảo tồn di sản
Trung tâm BTDTCĐ Huế có chức năng quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể di tích Cố đô Huế, giá trị Nhã nhạc - Âm nhạc Cung đình Việt Nam và cảnh quan môi trường gắn liền với quần thể di tích. Trong nhiều năm qua, với những nỗ lực không ngừng của bản thân đơn vị, cùng với sự quan tâm của Chính phủ và nhân dân trong cả nước, và sự chia sẻ kịp thời của cộng đồng quốc tế, di tích Huế từ chỗ hoang tàn đổ nát, cây cỏ xâm thực mà theo UNESCO là ở trong tình trạng “cấp cứu”, nay đã trở nên vẻ vang và tràn đầy sinh lực.
Trong những năm trở lại đây, trung tâm đã tiến hành tu bổ nhiều công trình trọng điểm có giá trị văn hoá, lịch sử, nghệ thuật, kiến trúc tiêu biểu và có quy mô lớn với tổng kinh phí từ các nguồn trong nước và tài trợ quốc tế trên 202 tỉ đồng. Điển hình: hệ thống Trường Lang, tổng thể Lăng Đồng Khánh, Lăng Gia Long, Lăng Thiệu Trị, Cung Trường Sanh, nội thất Cung An Định, Hiển Đức Môn, Lầu Tứ Phương Vô Sự, 10 cổng ra vào Kinh thành Huế, Điện Long An... Bên cạnh các tài sản văn hoá vật thể, công tác gìn giữ và bảo tồn các giá trị văn hoá phi vật thể cũng từng bước được trung tâm khẳng định năng lực. Kể từ khi thành lập (1994), Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế đến nay đã có gần 100 diễn viên, nhạc công đã qua đào tạo chuyên ngành; có đội ngũ cán bộ, chuyên viên am hiểu nghệ thuật; có sự cộng tác của các nhà nghiên cứu, nghệ nhân, nghệ sĩ có uy tín và giàu kinh nghiệm. Nhiều năm qua, Nhà hát đã sưu tầm, dàn dựng và biểu diễn trên dưới 40 bài nhạc lễ; xây dựng nhiều điệu múa cung đình đặc sắc và tham gia nhiều Festival, liên hoan nghệ thuật trong và ngoài nước được dư luận đánh giá cao. Điều này càng thêm khẳng định vị thế của trung tâm, khi là một trong những đơn vị đi đầu trong cả nước về lĩnh vực bảo tồn, trùng tu, tôn tạo và chống xuống cấp di tích.
Với xu thế hội nhập và phát triển, trung tâm đã chủ động đẩy mạnh quan hệ hợp tác - đối ngoại với trên 20 tổ chức quốc tế và phi chính phủ. Qua đó tiếp nhận được sự ủng hộ giúp đỡ nhiều mặt về tài chính, phương tiện kỹ thuật, tri thức khoa học. Nổi bật với những chương trình hợp tác lớn, như: Bảo tồn trùng tu Ngọ Môn do Chính phủ Nhật Bản tài trợ, Thế Miếu do Chính phủ Ba Lan tài trợ, chương trình nghiên cứu di tích Huế và nghiên cứu phục nguyên Điện Cần Chánh phối hợp với Viện Di sản Đại học Waseda - Nhật Bản, Dự án bảo tồn Nhã nhạc do Chính phủ Nhật Bản tài trợ uỷ thác qua UNESCO, dự án bảo tồn phục hồi nội thất ở Cung An Định, dự án đào tạo kỹ thuật và phục hồi cổng - bình phong Mộ vua (Lăng Tự Đức)...
Theo TS. Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế: “Quá trình hợp tác với hàng chục tổ chức trong nước và quốc tế những năm qua trên nhiều lĩnh vực đã và đang nuôi dưỡng, đào tạo nên nhiều chuyên gia, nghệ nhân giỏi - nguồn nhân lực rất quan trọng để phục vụ chính công tác bảo tồn. Với lực lượng hiện có, Huế đủ sức đẩy mạnh tiến độ trùng tu, phục hồi các di tích nếu có đủ nguồn vốn”. Chắc chắn, đây sẽ là một trong những điểm thuận đáng kể khi tỉnh nhà đang có định hướng đầu tư xây dựng Trung tâm BTDTCĐ Huế thành trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ bảo tồn di sản trong nước và quốc tế.