Nhờ thực hiện chính sách tự do hóa thương mại, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước tăng trưởng mạnh, tỉ lệ nghèo đói giảm rõ rệt. Tuy nhiên, thúc đẩy tự do thương mại đi cùng với sự phát triển kinh tế cũng mang lại những tác động ngoài mong muốn, đặc biệt với môi trường nước và môi trường biển nước ta.
Môi trường nước, biển bị đe dọa nghiêm trọng
Môi trường nước, biển của Việt Nam là một trong những đối tượng chịu tác động và đe dọa nghiêm trọng khi ngày càng nhiều các khu công nghiệp, khu đô thị và du lịch được xây dựng dọc các con sông và ven biển, khiến lượng chất thải gia tăng nhanh chóng.
Trong khi đó, trước lợi nhuận và áp lực cạnh tranh của thị trường, các doanh nghiệp lại chỉ chú tâm vào đẩy mạnh phát triển kinh tế, mà xem nhẹ yếu tố môi trường. Nhiều doanh nghiệp sử dụng các quy trình công nghệ thiếu thân thiện với môi trường nhằm giảm đến mức tối đa chi phí cho sản xuất. Theo thống kê, đến tháng 6/2006, Việt Nam có 47% dự án FDI thì chỉ có 20% dự án sử dụng công nghệ cao. Vì vậy mà mỗi năm, các con sông và biển của Việt Nam vẫn liên tục tiếp nhận hàng triệu m3 nước thải không qua xử lý.
Hầu hết những sông lớn của Việt Nam đều chảy qua các khu dân cư tập trung, các khu công nghiệp và những vùng nông nghiệp phát triển trước khi đổ ra biển, mang theo toàn bộ chất ô nhiễm nó nhận được trong đất liền, gây ô nhiễm môi trường biển. Báo cáo năm 2004 của Bộ Tài nguyên Môi trường đã thống kê, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thải ra biển hơn 315.000m3 nước thải công nghiệp mỗi ngày. Sông Sài Gòn, sông Thị Nghè, sông Vàm Cỏ đã bị nhiễm axít nặng với độ PH là 4,5 đến 5,0 - trong khi tiêu chuẩn an toàn cho phép đối với độ PH là từ 6,5 - 8,5.
Cùng với đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản, hoạt động khai thác khoáng sản, phát triển du lịch, giao thông trên biển... đều làm gia tăng lượng chất thải nguy hại trong môi trường nước biển, như BOD, COD, chất rắn lơ lửng... Nhiều nơi hàm lượng các chất thải đo được vượt quá tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Năm 2003, chất thải COD mà vùng Quảng Ninh – Hải Phòng thải ra biển là 141.000 tấn; Quảng Nam – Đà Nẵng là 130.000 tấn, và riêng thành phố Hồ Chí Minh là 6.000 tấn. Còn lượng chất thải BOD tương ứng là 25.200 tấn; 34.200 tấn và 4.000 tấn. Mỗi năm, ngành chế biến thủy sản thải ra môi trường 160.000 – 180.000 tấn chất thải rắn và từ 8 – 12 triệu m3 nước thải. Và đa số các cơ sở chế biến thủy sản đều được xây dựng bên bờ biển hay cửa sông.
Thêm vào đó, mặc dù tài nguyên nước mặt và nước ngầm của Việt Nam khá phong phú, dồi dào nhưng 2/3 tổng lượng nước mặt lại phụ thuộc từ các nước ngoài như Trung Quốc, Thái Lan, Miama, Lào và Campuchia. Các nước này cũng đang trong quá trình công nghiệp hóa và hội nhập kinh tế toàn cầu. Do vậy, họ đều tận dụng, khai thác tài nguyên nước khiến cho thượng nguồn các con sông chảy vào Việt Nam bị ô nhiễm.
Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và dân số tăng nhanh khiến lượng thải đổ ra sông ngày càng nhiều. Lưu vực của nhiều con sông như sông Nhuệ, sông Đáy, sông Cầu và sông Sài Gòn đang trong tình trạng báo động vì ô nhiễm nghiêm trọng, hàm lượng nhiều loại chất thải đo được từ các con sông này đều vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Nguyên nhân chủ yếu là do nước thải chưa qua xử lý từ các hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản, các khu công nghiệp, làng nghề, nước thải sinh hoạt...được thải thẳng ra sông.
Ảnh hưởng tới hệ sinh thái và sức khỏe con người
Ô nhiễm nước mặt trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với các hệ sinh thái thủy sinh và những khu vực có hệ thống sông bị ô nhiễm chảy qua. Điển hình là một số các vườn quốc gia, các khu bảo tồn có giá trị đa dạng sinh học cao nằm trong lưu vực của sông Sài Gòn - Đồng Nai đang chịu ảnh hưởng bởi tình trạng ô nhiễm nước sông.
Ô nhiễm nước sông Nhuệ - sông Đáy cũng làm cho các loại thủy cầm chết hàng loạt vào năm 2004 - 2005, gây thiệt hại lớn cho nông dân các tỉnh Hà Nam và Nam Định.
Dưới sức ép của các hoạt động phát trển kinh tế, ô nhiễm môi trường và thiên tai, các hệ sinh thái, nơi cư trú của các loài sinh vật biển bị phá hủy, đặc biệt là đối các hệ sinh thái nhạy cảm như rừng ngập mặn, thảm cỏ biển và san hô... Theo đánh giá của Bộ Thủy sản, hoạt động sản xuất trong thời kỳ 1985 – 2000 đã chặt phá đi 15.000ha rừng ngập mặn mỗi năm. Năm 2002, Viện Tài nguyên thế giới đưa ra cảnh báo cho rằng 80% rạn san hô biển của Việt Nam nằm trong tình trạng rủi ro cao.
Đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy hải sản giảm rõ rệt do đánh bắt tận diệt và suy giảm môi trường sống. Theo đánh giá của Viện Hải dương học Bộ Thủy sản, khoảng 85 loài hải sản đã được xếp vào các mức độ nguy cấp khác nhau. Trong đó, 70 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam nhưng vẫn là đối tượng bị khai thác.
Mặt khác, tài nguyên nước mặt và nước ngầm của Việt Nam bị ô nhiễm khiến người dân ngày càng khó có thể tiếp cận với nước sạch sinh hoạt, đặc biệt là dân cư các vùng nông thôn. Số lượng các làng bị ung thư xuất hiện ngày càng tăng. Hiện Việt Nam đã phát hiện hơn 10 làng, xã bị ung thư. Ngoài bệnh ung thư, các bệnh nghề nghiệp khác do ô nhiễm môi trường sống gây ra cũng đang diễn biến phức tạp. Theo bộ Y tế, 80% số bệnh mà người dân Việt Nam mắc phải là do sử dụng các nguồn nước kém chất lượng.
Nghiêm trọng hơn, nhu cầu tiêu thụ nước cho sinh hoạt và sản xuất tăng mạnh đang khiến nguồn nước ngầm đứng trước nguy cơ bị khai thác cạn kiệt. Một nghiên cứu của Liên đoàn Địa chất Thủy văn cho biết, trong 10 năm gần đây quá trình khai thác nước ở bờ phải sông Hồng đã tạo ra hình phễu hạ thấp mực nước xuống tầng sâu. Các nhà khoa học cũng đưa ra cảnh báo, nếu tiếp tục khai thác không bền vững sẽ dẫn đến nguy cơ sảy ra sụt lún đất trên diện rộng. Tình trạng khan hiếm nước đang trở thành thực tế của Việt Nam trong tương lai gần.
Triển khai đồng bộ các giải pháp bảo tồn nguồn nước
Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội trong quá trình công nghiệp hóa, tự do hóa thương mại, luật bảo vệ môi trường của Việt Nam đã được ban hành lần đầu tiên vào năm 1993. Đến nay, dù đã qua một số lần sử đổi nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Cơ chế quản lý và bảo vệ môi trường chưa đồng bộ nên tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn diễn biến phức tạp.
Bên cạnh việc hoàn thiện các thể chế luật pháp trong bảo vệ môi trường nước, chính phủ Việt Nam đã đưa ra các giải pháp nhằm sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên đặc biệt quan trọng này. Trong đó, đặc biệt chú trọng đảm đảm phát triển bền vững hệ sinh thái đầu nguồn các dòng sông; có quy hoạch khai thác hợp lý nguồn nước ngầm kết hợp với kiểm soát, phòng ngừa ô nhiễm từ nguồn nước mặt; tiếp tục nâng cấp và phục hồi các công trình thủy lợi chống lũ, các công trình cấp nước ở thành thị và nông thôn; đưa ra các tiêu chuẩn về chất lượng nước và tiến hành quản lý nước theo tiêu chuẩn đó, xử phạt nghiêm minh các cơ sở gây ô nhiễm; ngăn chặn tình trạng các khu công nghiệp thải nước thải bẩn ra sông, biển; giáo dục ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường ...
Theo nghiên cứu “Ảnh hưởng của tự do hóa trong thương mại đối với phát triển bền vững môi trường biển và nước ở Việt Nam” của PGS.TS. Trần Văn Tùng.