Hiện nay hầu hết các khu công nghiệp và khu dân cư trên địa bàn thành phố chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Một số cơ sở sản xuất có hệ thống xử lý nước thải nhưng không vận hành thường xuyên, thậm chí có hành vi qua mắt cơ quan chức năng - đơn cử là việc thiết kế hệ thống ống xả nước thải dự phòng khi có đoàn kiểm tra. Các bãi chôn lấp chất thải rắn còn thô sơ, chưa đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật về môi trường. Chất thải nguy hại chưa quản lý được chặt chẽ - nhất là rác thải y tế, rác và nước thải từ cơ sở chế biến hóa chất… Các cơ sở kinh doanh còn làm rơi vãi đất, cát, thải khói, bụi, mùi hôi ra môi trường làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân xung quanh. Quá trình sản xuất trồng trọt, chăn nuôi,… thải chất thải trực tiếp ra môi trường không qua hệ thống xử lý. Dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật thải xuống hệ thống kênh, rạch ngày càng nhiều đã tàn phá các loài động, thực vật.
Nhiều đoạn sông, kênh rạch bị ô nhiễm, môi trường đất, nước bị đe dọa. Thông tin phản ánh của công dân về tình trạng các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sinh hoạt và đời sống người dân ngày càng nhiều. Ô nhiễm môi trường đã trở thành vấn đề bức xúc, được đại biểu HĐND ghi nhận và đưa vào chương trình nghị sự ngày càng nhiều hơn. Thế nhưng, trên thực tế tình trạng vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường vẫn diễn ra rất phổ biến và có xu hướng ngày càng tinh vi, với sự chủ động tính toán từ phía các doanh nghiệp.
Trong số 512 lượt cơ sở sản xuất, doanh nghiệp thực phẩm ăn uống, kinh doanh nông dược, lò giết mổ gia súc, gia cầm, cơ sở y tế, cơ khí, bảo vệ thực vật, xăng dầu, thuốc thú y, thủy sản, phương tiện khai thác và các lĩnh vực kinh doanh khác mà các cơ quan chức năng kiểm tra trong thời gian từ đầu năm đến nay đã phát hiện 221 trường hợp vi phạm, chiếm tỷ lệ trên 43% - trong đó có 170 trường hợp phải xử phạt (trên 1,8 tỉ đồng) chiếm tỷ lệ trên 33%.
Các cơ sở, công ty, xí nghiệp bị phạt xung quanh nội dung vi phạm: Vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại (vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại không đúng quy định) gây ô nhiễm môi trường, vi phạm về phòng ngừa sự cố môi trường, gây ô nhiễm môi trường và vi phạm quy định về xả nước thải, khí thải, tiếng ồn, độ rung, chưa xuất trình đầy đủ các giấy tờ liên quan, vi phạm các quy định về VSATTP, khai thác, đánh bắt thủy sản không đúng quy định, vi phạm các quy định của Nhà nước về kinh doanh thuốc thú y, thủy sản,…
"Các công ty, cơ sở, xí nghiệp chưa thực sự quan tâm đến vấn đề môi trường, vẫn còn mang tính đối phó và chạy theo lợi nhuận" - Thượng tá Lê Văn Chì, Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an TP. Cần Thơ) khẳng định. Ông Chì còn nêu rõ: Các sơ sở sản xuất hóa chất là một trong những ngành nghề làm ô nhiễm môi trường nhiều nhất và độc hại nhất, kế đó là ngành chế biến thủy hải sản…
Điều đáng suy nghĩ là, nhiều doanh nghiệp Nhà nước cũng đang vi phạm rất phổ biến các quy định về bảo vệ môi trường. Có doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sinh hoạt cả khu dân cư và trường học mầm non, cơ quan hành chính,… trong nội thành thuộc quận Bình Thủy, nhân dân sở tại bức xúc, nhiều cán bộ hưu trí phản ánh trong các cuộc họp dân phố, họp chi bộ, tiếp xúc đại biểu HĐND… nhưng kéo dài nhiều năm qua đến nay tình hình thực tế vẫn không được cải thiện, thậm chí diễn ra ngày càng nghiêm trọng hơn.
Tình hình ô nhiễm môi trường tại TP. Cần Thơ cho thấy: Cùng với việc tăng cường tuyên truyền tạo chuyển biến về ý thức, nhận thức bảo vệ môi trường; triển khai nhanh các dự án xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho công tác bảo vệ môi trường thì việc kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường cần phải thực hiện nghiêm và công khai - minh bạch, để nâng cao hiệu lực pháp luật, kịp thời ngăn chặn các hành vi gây hại đến môi trường.