Giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu

Cập nhật: 16/12/2010
Các nhà khoa học cảnh báo, nếu không có giải pháp bảo vệ môi trường và ứng phó ngay từ hôm nay, Việt Nam sẽ là một trong mười quốc gia chịu tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng mạnh nhất.
Biển ngày càng lấn đất liền
 
Theo nghiên cứu của TS- KTS Đỗ Tú Lan và ThS Lê Hồng Thủy (Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng), 50 năm qua, nhiệt độ trung bình năm ở Việt Nam tăng từ 0,5 đến 0,7 độ C. Nhiệt độ mùa đông tăng nhanh hơn nhiệt độ mùa hè và nhiệt độ các vùng khí hậu phía Bắc tăng nhanh hơn các vùng khí hậu phía Nam. Trong khi đó, lượng mưa trung bình (mặc dù xu thế không rõ rệt theo từng thời kỳ) cũng đã giảm khoảng 2%. Đặc biệt, số đợt không khí lạnh giảm rõ rệt trong 20 năm gần đây nhưng các biểu hiện dị thường xuất hiện liên tục, chẳng hạn đợt rét đậm, rét hại kéo dài tới 38 ngày hồi đầu năm 2008. Còn với mực nước biển, số liệu quan trắc tại các trạm hải văn dọc bờ biển Việt Nam cho thấy tốc độ dâng trung bình ở Việt Nam hiện nay khoảng 3mm/năm, tương đương với tốc độ tăng trung bình trên thế giới. Trong 50 năm qua, mực nước biển tại Trạm hải văn Hòn Dấu đã dâng lên khoảng 20cm.
Vậy, nguy cơ của biến đổi khí hậu đối với phát triển đô thị ở Việt Nam như thế nào? Rõ ràng những dạng tác động của biến đổi khí hậu đối với hệ thống đô thị chính là hiện tượng xâm thực bờ biển, xói lở bờ biển, triều cường và ngập nước. Tại huyện Kim Sơn (Ninh Bình), trước kia là nơi có diện tích lấn biển lớn nhất nước, trung bình mỗi năm đất liền lấn biển 80-100m nhờ phù sa của sông Đáy và sông Vạc bồi đắp. Nhưng, 5 năm trở lại đây, hiện tượng xâm thực biển ngày càng lớn, từ 15 đến 20km làm cho việc bồi lắng trở nên khó khăn, đất bị nhiễm mặn ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất. Bờ biển Hải Hậu (Nam Định), một trong những vùng trọng điểm bị xói lở mạnh nhất nước, trong vòng 100 năm biển đã lấn sâu vào đất liền có chỗ tới 10km. Riêng xã Hải Lý, 100ha đất sinh hoạt, sản xuất bị cuốn trôi từ năm 2001 đến nay. Năm 2009, một dải đất liền dài gần 1km dọc bờ biển Nam Ô phường Hòa Hiệp, quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) bị biển xâm thực sâu gần 200m, kéo đổ nhà dân, nhiều gia đình phải sơ tán. Điển hình là TP Hồ Chí Minh, năm 2008-2010, tần suất xuất hiện triều cường tăng nhanh và được đánh giá là có mức độ đột biến trong lịch sử hơn 43 năm qua, đã gây ra thiệt hại rất lớn đến đời sống nhân dân. Từ hiện tượng xâm thực cộng với điều kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt, biến đổi khí hậu đã có tác động lớn đến hoạt động xã hội, di dân và tái định cư; hoạt động kinh tế; cơ sở hạ tầng đô thị; môi trường. Dự báo, nguồn cung cấp nước giảm do chế độ triều và dòng chảy của các vùng cửa sông có thể bị thay đổi; khu vực sinh sống của nhiều loài động, thực vật bị đe dọa, đa dạng sinh học của Việt Nam có thể bị suy giảm mạnh, thậm chí biến mất...

Đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu: Cách nào?

Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng Đỗ Tú Lan cho rằng, biến đổi khí hậu được các nhà khoa học nhận định bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, song cơ bản là do sự tác động của con người đến môi trường sinh thái toàn cầu như khai thác quá mức tài nguyên, phá rừng, sản xuất công nghiệp ô nhiễm... tạo nên sự nóng lên của trái đất. Do đó, việc ứng xử với tác động của biến đổi khí hậu cần thiết phải xem xét từ bản chất của các hiện tượng ở cả hai hướng giảm thiểu và thích ứng.
Tại hội thảo khoa học về tác động của biến đổi khí hậu đối với lĩnh vực xây dựng, GS-TSKH Phạm Ngọc Đăng, Chủ tịch Hội Môi trường xây dựng Việt Nam và PGS-TS Trần Việt Liễn, nguyên Viện trưởng Viện Khí tượng - Thủy văn đề nghị, việc cần làm ngay từ bây giờ là thiết lập hệ thống cảnh báo thiên tai, lập kế hoạch di tản tạm thời.
Để tránh né tác động của biến đổi khí hậu, không nên phát triển đô thị ở bờ biển, bờ sông nơi có hiện tượng xói lở hoặc thường xuyên ngập lụt; hạn chế phát triển đô thị ở vùng biển thấp hoặc nơi có khả năng xảy ra lũ. Để thích nghi với biến đổi khí hậu, cần củng cố phát triển đê biển, phát triển vùng đệm bảo vệ các đô thị ven biển bằng rừng ngập mặn, dải cây xanh... Về lâu dài, nên phát triển các đô thị sinh thái, đô thị xanh, ở đó có sự cân bằng giữa phát triển kinh tế với môi trường tự nhiên, tiêu phí nguyên liệu ít nhất, tái chế, tái sử dụng chất thải nhiều nhất... Khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, phương tiện giao thông "xanh", sản xuất công nghiệp "xanh". Không nên phát triển các đô thị lớn hiện nay thành siêu đô thị vì với mật độ xây dựng lớn, đô thị rất khó thích nghi với biến đổi khí hậu và thiên tai.
KTS Hoàng Mạnh Nguyên, Viện Kiến trúc nhiệt đới cũng khẳng định phát triển đô thị sinh thái là giải pháp thông minh để đối phó với biến đổi khí hậu, vừa thích ứng, vừa đáp ứng, dần trả lại cho thiên nhiên những gì đã lấy. Quá trình mở rộng các vùng đô thị Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tạo cơ hội cho việc giảm thiểu tiêu thụ tài nguyên và khí thải. Đây là điều kiện tốt chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiệu quả về năng lượng và xanh, sạch.
Các nhà khoa học cảnh báo, đến năm 2100, nhiệt độ Bắc bộ có thể tăng thêm 3,1-3,6 độ C, lượng mưa trung bình năm tăng 9-10%, mực nước biển có thể dâng lên 33cm năm 2050 và 100cm năm 2100. Thiên tai như bão, lũ lụt, xói lở đất, hạn hán, sóng thần... sẽ xảy ra với tần suất, cường độ lớn hơn, bất thường hơn.
Nguồn: Hà Nội Mới Online