Khổ vì danh hiệu thành phố hòa bình

Cập nhật: 20/12/2010
11 năm trôi qua, những tiêu chí đi kèm với danh hiệu "Thành phố vì hòa bình": Sự bình đẳng trong cộng đồng; Xây dựng đô thị; Giữ gìn môi trường sống; Thúc đẩy phát triển Văn hoá - Giáo dục; Chăm lo giáo dục công dân và thế hệ trẻ, trong thực tế, vẫn là hiện thực ngổn ngang. Khi hàng ngày người dân vẫn phải sống với lớp lớp khói bụi, 'hố tử thần', rác thải và ô nhiễm môi trường...

Ngày 16/7/1999, Hà Nội được Tổ chức Văn hoá khoa học giáo dục (UNESCO) trao tặng danh hiệu "Thành phố vì hoà bình", do đã đáp ứng được các tiêu chí: Sự bình đẳng trong cộng đồng; Xây dựng đô thị; Giữ gìn môi trường sống; Thúc đẩy phát triển văn hoá - giáo dục; Chăm lo giáo dục công dân và thế hệ trẻ.

Hà Nội là thành phố duy nhất ở khu vực châu Á Thái Bình Dương được nhận danh hiệu này. Đây là một vinh dự không chỉ của riêng Hà Nội, mà của Việt Nam, những mong đó là dấu mốc để Hà Nội phát triển thành một đô thị văn minh xứng tầm.

Năm 2010 sắp kết thúc, danh hiệu vì hòa bình của thành phố đã được 11 năm tuổi. Nhưng có vẻ cái 'bàn đạp' này vẫn khiến thành phố chưa bật lên được, cho dù vừa kỷ niệm sinh nhật thứ 1000, hoàn thiện tiếp những tiêu chí đã đạt.

Người ta viết gì ở Hồ Gươm thế?

Nhân một dịp vô tình ngồi chung bàn một cặp vợ chồng người Anh đến Hà Nội du lịch, người viết bài này từng phải đứng giải thích rất lâu khi được hỏi về những khẩu hiệu chăng trên các đường phố và ngay xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Trong đó có tấm panô 'Hà Nội - Thành phố vì hòa bình' rất to chạy ngang hồ, phía nhà 'Hàm Cá Mập', cùng vô số biểu ngữ, tranh cổ động lớn nhỏ, cao thấp được treo trên cột, trên giá, biển điện tử hoặc chạy dài theo mặt hồ, choán hết các tầm nhìn.

Cặp vợ chồng Anh sau một hồi 'ồ' 'à'.. rồi băn khoăn: "Thế có thời điểm nào quanh Bờ Hồ không chăng những biểu ngữ đó không. Chúng tôi muốn chụp ảnh chỉ có cảnh và không gian hồ thì phải làm thế nào. Trước khi sang Việt Nam, chúng tôi cũng được đọc và biết ít nhiều về hồ Hoàn Kiếm, về ý nghĩa 'trái tim Hà Nội' và không gian lãng mạn của nó, nhưng tôi không biết ở đây lại được treo nhiều thứ thế?'

Thật lòng tôi cũng không biết trả lời sao, vì chính tôi cũng chẳng biết cái thời điểm 'không biểu ngữ' đó vào lúc nào.

Có lẽ đỉnh điểm nhất là dịp Đại lễ, những gì được coi là đặc sản của Hà Nội đều được nhất loạt tung ra, đương nhiên không thể thiếu "thành phố vì hòa bình". Cũng như không thể khác biểu tượng ở một số nơi trên thế giới, hòa bình thì phải có sứ giả chim bồ câu. Vậy là 1000 chú chim bồ câu được triệu tập về để thả ra cùng bóng bay trong ngày Đại lễ, mang theo thông điệp đầy ý nghĩa của thành phố 1000 năm tuổi.

Và cũng vì ý nghĩa và danh hiệu thành phố đã có được trong 11 năm, các chú chim được nhập hộ khẩu Thủ đô để trở thành sứ giả 'hòa bình'. Thế nhưng chỉ chưa đầy nửa tháng sau Đại lễ, quá nửa trong số 1000 sứ giả đã bị chết, lạc, bệnh hoặc (quá phũ phàng) đã bị bắt trộm mà điểm đến là các... nồi cháo và quán đặc sản chim câu.

Chưa biết thông điệp mà những người tổ chức đưa ra trong vài phút 'thả sứ giả hòa bình' được truyền đi và có hiệu quả thế nào, nhưng chuyện 'vào nồi cháo' sau đó là quá rõ ràng, là một thực tế đau xót. Không chỉ đau xót cho những chú chim, mà đau xót cho một văn hóa sống, và cách làm việc được chăng hay chớ, nặng hình thức mà các nhà hoạt động văn hóa muốn khoe ra.

Hẳn khi viết kịch bản và khi bàn về các 'hiệu ứng hình ảnh' trong ngày Đại lễ, các nhà tổ chức chỉ tính tới những hình ảnh chim bay lên trời khi lên truyền hình báo chí thế nào, nên họ không có thời gian để tính tới được việc chim sẽ bay về đâu, sẽ được chăm sóc thế nào?

Thế nên đàn chim hòa bình mới phải chấp nhận sống lay lắt trong công viên Bách Thảo trong khi chuồng trại của chúng vẫn đang xây, uống nước trộn xi măng và bị những chủ 'nồi cháo' bắt đi bất cứ lúc nào.

Người ta không nhìn thấy những giọt nước mắt của nghệ nhân Phạm Tài Thu khi bất lực nhìn hơn 1.000 con chim được ông chăm chút đang mất, chết gần hết vì "Người ta nói với tôi, hết Đại lễ, ngoài gần 200 con thả bay đi hôm bế mạc ở sân Mỹ Đình, hơn 800 con còn lại sẽ để lại một ít trong Bách thảo, và mang số còn lại đến gây thành đàn ở công viên Hòa Bình. Nhưng giờ chim chết và bị mất trộm gần hết, vẫn chưa thấy lời hứa kia được thực hiện."

Nhưng bất chấp chuyện người nghệ nhân già khóc héo hon cùng đàn chim của ông, những nhà tổ chức văn hóa lại say sưa với những lễ hội mới, thả những thông điệp mới. Các du khách tham gia festival cầu Long Biên hôm 20/11 vừa rồi lại vừa được xem màn vừa thả chim vừa bắt trên cầu. Các "vị sứ giả" vừa được thả ra, chưa kịp mang thông điệp ý nghĩa bay lên được nửa mét, đã bị các công dân thành phố lao vào bắt, chộp, giật; bẻ đầu trói cánh để đảm bảo không thể bay đi đâu ngoài việc... vào nồi.

Mà chỉ sau Đại lễ chưa đầy một tháng, khi bao tinh hoa văn hóa Thăng Long - Hà Nội đã được phô diễn hết, festival Long Biên có gì mới và để làm gì chắc chỉ những nhà tổ chức mới biết được.

Câu chuyện 'hòa bình' trên đường chạy đua

Một cách công bằng, người dân Thủ đô phải cảm ơn những nhà quản lý thành phố đã nỗ lực xây mới và khôi phục lại những địa điểm văn hóa. Rạp Đại Nam, Kim Đồng, Công Nhân sau một thời gian, nơi trở thành quán bia nhậu, nơi thành đại bản doanh của chuột đã được xây dựng lại khá khang trang.

Nhưng như GS Hoàng Chương từng phát biểu, những công trình ấy lẽ ra phải được xây dựng song hành với sự tăng trưởng của Thủ đô, chứ không nhất thiết phải đợi dịp Đại lễ mới ồ ạt xây dựng, ồ ạt khánh thành, để rồi lại ...'ồ'... 'à' về chất lượng của nó.

Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến một công trình cũng được xây trong dịp này: Công viên Hòa Bình. Được trông đợi là công trình biểu tượng của thành phố 'vì hòa bình', nhưng cũng để nhanh chóng được khánh thành trong dịp kỷ niệm, công trình hòa bình chưa kịp đợi người dân Thủ đô đến thưởng lãm đã lở lói, xuống cấp, nứt vỡ khắp nơi.

Chỗ này, chỗ khác vẫn đang được xây dựng dở dang, nhiều đoạn bậc thang bị vỡ vụn. Rác thải đã kịp chất rải rác khắp nơi trên lối đi và hạng mục, một cảnh có thể thấy ở hầu hết các công trình chạy đua nhân dịp Đại lễ, và khá 'quen thuộc' ở Hà Nội.

11 năm trôi qua, những tiêu chí đi kèm với danh hiệu "Thành phố vì hòa bình": Sự bình đẳng trong cộng đồng; Xây dựng đô thị; Giữ gìn môi trường sống; Thúc đẩy phát triển Văn hoá - Giáo dục; Chăm lo giáo dục công dân và thế hệ trẻ, trong thực tế, vẫn là hiện thực ngổn ngang. Khi hàng ngày người dân vẫn phải sống với lớp lớp khói bụi, 'hố tử thần', rác thải và ô nhiễm môi trường...

Chiều sâu văn hóa không nằm ở những tấm pa-nô

Ở câu chuyện băng rôn, về cơ bản ta vẫn theo phong cách tuyên truyền cổ động vào giữa thế kỷ 20, tức là thời kỳ đang làm Cách mạng, đánh đuổi  giặc ngoại xâm.

Những người làm văn hóa bây giờ vẫn làm những tuyên truyền đó mang tính chính trị thuần túy và quên đi rằng để phục vụ mục tiêu chính trị cũng rất cần cái "design", nó tinh tế, thuyết phục, nó đập vào mắt người ta và đi vào lòng người.

Toàn xã hội đã thay đổi rồi, đã bước sang thế kỷ 21 mà cách cổ động, tuyên truyền vẫn cứ dừng ở những năm 1945, 1954, chỉ thay đổi vài câu chữ. Có những câu chữ thậm chí giữ nguyên phong cách của nửa thế kỷ trước. Về hình thức thì thực sự hoàn toàn vẫn dừng ở đó. Mọi  người vẫn thấy các băng rôn là phải treo ngang đường phố.

Ngày xưa là cái cổng làng, nó nhỏ thôi, và ở ngoài đường người ta đi bộ. Nhưng nay làng xã đã to rồi, người ta cũng không chỉ đi bộ nữa. Toàn bộ cuộc sống đã thay đổi, đường xá đã là những con đường từ 2 đến 5, 6 làn đường, nó quá to đi rồi, nhưng tư tưởng và cách làm băng rôn vẫn theo kiểu cũ.

Những người làm công tác tư tưởng tuyên truyền trước kia đi bộ ăn cơm nắm, nay đã đi ô tô ở nhà lầu, tại sao lại áp đặt những kinh nghiệm đã làm từ 50 năm trước.

Ngày ấy không có gì nhưng giờ ta đã giàu có, đã tiêu nhiều ngàn tỉ cho lễ hội Thủ đô, nhưng không một ai thiết kế cho những design tuyên truyền cổ động một cách bài bản, văn minh, để tạo ra bộ mặt Hà Nội cho đẹp, xứng tầm thế kỷ 21. Văn hóa Hà Nội cần những người thiết kế mang tính quảng bá một cách chuyên nghiệp, chứ không phải làm những tuyên truyền mang tính chính trị thuần túy, rầm rộ nhưng ít vào lòng người.

Hà Nội sâu sắc, Hà Nội đẹp nhưng đừng áp đặt suy nghĩ, tình cảm cho người ta, mà phải làm những design, sao cho nhìn vào đó người ta tự thấy tự hào, vui sướng và thương yêu.

Cứ ngày kỷ niệm lớn là trưng các khẩu hiệu nền đỏ chữ vàng. Đó là câu chuyện của 50, 60 năm trước khi tôi mới đẻ ra. Bây giờ khía cạnh nào của xã hội cũng đa dạng, thẩm mỹ của mọi người cũng đã đổi thay và rất phong phú. Vậy tại sao tuyên truyền của ta cứ chỉ một mô hình, một dạng, một mầu sắc không thay đổi.

Dù là thông điệp kinh doanh hay chính trị nhưng đều phải có cái thủ pháp nghệ thuật. Cái thủ pháp đó liên quan đến thị hiếu thời đại, trong đó có thị hiếu về đồ họa, về graphic, về màu sắc, kiểu chữ, cỡ chữ, lời thông điệp, vị trí của những băng rôn biểu ngữ ở đâu là thích hợp nhất, ở đâu là phản cảm. Mọi thứ đều cần tính toán kỹ.

Có ai chỉ đạo câu chuyện đó không, hay họ lười quá, hay họ không chịu sáng tạo, hay họ không có tiền? Không có tiền thì trích bớt một phần nho nhỏ trong hàng ngàn tỉ kia cho những sản phẩm này.

Bởi vì tất cả những chuyện hay, dở ấy không có ai phê bình, không ai bình luận cả. Cứ kỷ niệm lớn thì trương khẩu hiệu. "Cờ, đèn, kèn trống", làm đủ 3 thứ này là hoàn thành nhiệm vụ.

PGS,TS. Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia

 

Nguồn: Theo Hoàng Hường/Vietnamnet