Đâu đó còn mang tính hình thức
Theo ông Trần Phong, Giám đốc Trung tâm Đào tạo&Truyền thông Môi trường, thời gian qua ngành tài nguyên môi trường luôn quan tâm đến việc hỗ trợ kinh phí cho các tổ chức khác tham gia truyền thông bảo vệ môi trường.
Nhờ đó, truyền thông môi trường thực sự trở thành một công cụ quan trọng góp phần trực tiếp hoặc gián tiếp làm thay đổi thái độ, hành vi của con người, hình thành thói quen, nếp sống thân thiện với môi trường.
Tuy nhiên, có một thực tế là, theo ông Nguyễn Thế Đồng, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên&Môi trường, trong công tác truyền thông môi trường, đâu đó còn mang tính hình thức phong trào, chưa đi vào chiều sâu.
“Nhận thức của dân, doanh nghiệp về bảo vệ môi trường được nâng lên một bước, tuy nhiên mới ở cái ngưỡng khiêm tốn.” ông Nguyễn Văn Phấn, Trưởng phòng Truyền thông Môi trường thuộc Trung tâm Đào tạo&Truyền thông Môi trường, thẳng thắn tại hội thảo “truyền thông môi trường thông qua các tổ chức chính trị xã hội và mạng lưới truyền thông môi trường” sáng 21/12 tại Hà Nội.
Ông Trần Phong cho biết hiện nay nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức được vấn đề bảo vệ môi trường trong khi việc thực hiện các thông tư liên tịch ở các địa phương còn lúng túng.
Phải truyền thông đến chủ doanh nghiệp
Để nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong doanh nghiệp, Đại diện Sở Tài nguyên&Môi trường Vĩnh phúc cho rằng chúng ta phải tập trung truyền thông trực tiếp đến chủ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nhất là cơ sở sản xuất trong các làng nghề.
“Tôi nghĩ phải có quyền tiếp cận thông tin của cộng đồng, gắn truyền thông môi trường với sinh kế, lợi nhuận của cộng đồng.” PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, Trưởng ban Phản biện Xã hội, Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam, nói, “Chứ nếu cộng đồng phải làm thế này làm thế kia mà doanh nghiệp không làm thì chẳng giải quyết được gì”
Ngoài ra, “Truyền thông môi trường đặc biệt phải chú ý đến giới trẻ, đưa vào trường học, vì nhóm này rất nhạy cảm sẽ có sức lan tỏa rất nhanh." GS Lê Văn Khoa, Đại học Quốc gia Hà Nội, chia sẻ.
Đồng quan điểm với GS Khoa, ông Đỗ Đức Khôi, Giám đốc Trung tâm Dân số&Môi trường, nói chúng ta phải đưa truyền thông vào các trường đại học, chứ cứ đi truyền thông mãi như thế này vừa mệt mỏi vừa tốn kém.
Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng nêu ra thực trạng có doanh nghiệp tập huấn cho người lao động phân loại rác thải tại nguồn nhưng khi công ty môi trường đến thu gom rác thải, họ lại đổ dồn vào làm một thế là mất công.
Vị này đề nghị, chúng ta phải có sự đồng bộ từ doanh nghiệp đến các cơ quan thu gom rác thải.
“Các tổ chức xã hội đã tạo ra nhiều mô hình hay của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường. Điều đó cho thấy bảo vệ môi trường có thể làm được ở tất cả các cấp.” ông Trần Phong nói.
Trong chiến dịch truyền thông môi trường, ông Khôi đề xuất: “Mỗi năm chúng ta chỉ nên tập trung vào một chủ để, chẳng hạn không khí, rác thải, thì mới có chiều sâu.”