45 triệu USD cho đa dạng sinh học Mekong

Cập nhật: 24/01/2011
Một khoản 45 triệu USD sẽ được bố trí cho giai đoạn 2 của Chương trình Môi trường Trọng tâm&Sáng kiến Hành lang Bảo tồn Đa dạng Sinh học (CEP-BCI) để giúp các quốc gia Tiểu vùng Mekong Mở rộng (GMS), trong đó có Việt Nam, chống chịu với biến đổi khí hậu, môi trường, và bảo vệ hành lang đa dạng sinh học xuyên quốc gia.

Nguồn tin tại buổi tham vấn quốc gia về chương trình môi trường trọng điểm và sáng kiến hành lang đa dạng sinh học 2012 – 2016 ngày 21/1 ở Vĩnh Phúc cho hay, tiếp nối thành tựu đã đạt được và đáp lại sự ủng hộ của Hội nghị Bộ trưởng GMS lần thứ 16 tại Hà Nội, giai đoạn 2 của CEP-BCI sẽ được thực hiện từ năm 2012 đến 2016, với dự toán là 45 triệu USD.

Các chuyên gia cho rằng, giai đoạn 2 (2012 – 2016), các nước thuộc GMS cần tăng cường năng lực để giải quyết những tác động của biến đổi khí hậu.

 “Vấn đề biến đổi khí hậu cần có sự hợp tác liên ngành giữa  các nước với nhau.“ - ông Sanath Ranawana, cán bộ dự án GMS CEP-BCI, Ngân hàng Phát triển Châu Á, phát biểu.

 CEP-BCI (2012 - 2016) phù hợp với Khung Chiến lược GMS 10 năm về “Bảo vệ môi trường và thúc đẩy sử dụng bền vững tài nguyên chung” mà các nước thành viên đã thông qua năm 2002.

Khung CEP-BCI (2012 - 2016) hỗ trợ cho GMS  chuyển đổi hành lang giao thông sang hành lang kinh tế vận hành toàn diện; chú trọng các biện pháp đồng bộ thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu và hành động tập thể để bảo vệ nguồn tài nguyên chung; và tiếp tục phát triển năng lực thể chế và nguồn nhân lực.

“Tầm nhìn chung của CEP-BCI (2012 - 2016) vẫn là một khu vực giàu về sinh thái và không bị đói nghèo nữa.”, ông Sanath Ranawana nói.

Có ý kiến cho rằng, để đạt được mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nghèo ở khu vực GMS (gồm Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Lào, và Myanmar)  cần nâng cao năng lực của các quốc gia để đánh giá tác động môi trường, xác định nguy cơ tính dễ bị tổn thương để có hướng đi phù hợp với mỗi quốc gia.

Việc có sự phối, kết hợp hành lang an toàn giao thông, các quốc gia sẽ dễ dàng kiểm soát chặt chẽ tình trạng buôn bán động vật hoang dã.

Giai đoạn 1, hơn 36 triệu USD

Tại buổi tham vấn nói trên, các chuyên gia về bảo tồn đa dạng sinh học, môi trường, biến đổi khí hậu còn góp ý cho dự thảo văn kiện khung chương trình giai đoạn 1, sẽ kết thúc trong năm 2011, nhằm giúp các nước GMS phát triển bền vững và giảm nghèo.

CEP-BCI được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Môi trường tại Thượng Hải, Trung Quốc, tháng 5/2005 và Hội nghị Thượng đỉnh Tiểu vùng Mekong Mở rộng (GMS) các nhà lãnh đạo lần thứ hai tại Côn Minh, Trung Quốc, tháng 7/2005. Chương trình này hướng tới viễn cảnh một khu vực GMS không còn nghèo đói và có sinh thái trù phú.

Chương trình được thiết kế ban đầu với thời hạn 10 năm (2005 - 2015), có trọng tâm là đưa quản lý môi trường hiệu quả thành một bộ phận quan trọng của chương trình hợp tác kinh tế GMS để cải thiện tác động phát triển và sự bền vững của chương trình.

Tiền tài trợ chương trình trong giai đoạn 1  tương đương 36,11 triệu USD do Hà Lan, Thụy Điển, và Phần Lan đồng tài trợ và do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) quản lý trong khuôn khổ Chương trình Hỗ trợ Kỹ thuật của vùng (RETA) và thông qua Quỹ Giảm nghèo của ADB.

“Giai đoạn 1 của CEP-BCI - được bắt đầu từ năm 2006 và kết thúc vào năm 2011 - đã đạt được những thành công lớn”, ông Sanath Ranawana nói, “Chương trình này cần được tiếp tục trong giai đoạn tiếp theo.”

Từ khi khởi động hợp tác GMS vào năm 1992, tổng sản phẩm nội vùng đã tăng từ khoảng 250 tỷ USD lên 400 tỷ USD. Nhu cầu đầu tư để giảm nghèo ở các tiểu vùng vẫn rất lớn.

Theo ông Lê Văn Hưng, Cục Bảo tồn Đa dạng Sinh học, Bộ Tài nguyên&Môi trường, hiện Việt Nam có chương trình nuôi động vật hoang dã, vừa duy trì phát triển kinh tế cho dân, lại vừa bảo tồn được động vật.  

(Còn nữa)

Nguồn: vea.gov.vn