Môi trường khu di tích bị xâm hại

Cập nhật: 10/02/2011
Những ngày Tết là dịp để người dân đi thăm các khu di tích lịch sử. Đó là những nét đẹp trong truyền thống của người Việt. Thế nhưng, vài năm gần đây tục lệ này đã bị một số người dân làm mất đi nét đẹp vốn có của nó, làm ảnh hưởng đến môi trường khu di tích. Điển hình là khu Gò Đống Đa và khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã trở thành "bãi chiến trường".

Người dân đổ dồn về công viên Đống Đa (Hà Nội) dự lễ kỷ niệm 222 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa vào ngày mùng 5 Tết. Gò Đống Đa là công trình kiến trúc mang tính lịch sử văn hóa nhằm ghi nhớ công ơn của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ. Sử sách có ghi chép, sau khi đánh đuổi quân Thanh, vua Quang Trung cho thu nhặt xác giặc xếp vào 12 cái hố rộng, lấp đất chôn và đắp cao thành gò gọi là "Kình nghê quán". 12 gò này nằm rải rác từ làng Thịnh Quang đến làng Nam Đồng, trên các gò cây cối mọc um tùm nên có tên là Đống Đa. Năm 1851, do mở đường mở chợ, đào xẻ nhiều nơi thấy nhiều hài cốt, lại cho thu vào một hố cao lên nối liền với núi Xưa, thành gò thứ 13, tức là gò còn lại hiện nay. Còn 12 gò khác đã bị phạt đi trong thời gian người Pháp mở rộng Hà Nội năm 1890.
Tuy nhiên, vào ngày lễ hội năm nay do sự thiếu ý thức của người dân khi tham gia lễ hội văn hóa đã khiến cho gò Đống Đa, gò duy nhất này trở nên xơ xác tiêu điều. Cùng với đó là hàng chục hàng quán ăn uống di động mọc lên cùng các sới cờ bạc sát phạt nhâu, vô tình làm xấu đi hình ảnh của một di tích lịch sử văn hóa.
Ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, mặc dù lực lượng an ninh liên tục nhắc nhở nhưng hành vi sờ đầu rùa, rải tiền vô tội vạ vẫn diễn ra tràn lan tại hầu khắp các điểm trong di tích này.
Khu vực Bia Tiến sĩ đã được Ban Quản lý di tích chăng dây nhằm ngăn chặn tình trạng du khách tràn vào sờ đầu rùa khiến đầu rùa ngày càng bị nhẵn thín. Biển báo "Không được vào khu vực này" được dán nhiều nơi nhưng không ít du khách vẫn "vượt rào" để sờ bằng được đầu rùa. Rất nhiều phụ huynh còn "khuyên" con mình thừa lúc vắng người nhảy vào sờ đầu rùa để "lấy may"!?
Thêm vào đó Hành vi rải tiền lẻ diễn ra vô tội vạ tại nhiều nơi. Khu vực Bia Tiến sĩ, Hồ Văn, thậm chí cả trên các mái vòm của Văn Miếu… bỗng dưng biến thành "bãi rác". Nhiều hiện vật do các nghệ nhân làng gốm cổ Bát Tràng chế tác được trưng bày trong di tích cũng trở thành "hũ đựng tiền bất đắc dĩ" nhìn rất phản cảm. Mặc dù, nhân viên bảo vệ được bố trí giữ an ninh trật tự tại Bia Tiến sĩ nhưng do lực lượng quá mỏng nên tình trạng trên xảy ra khá phổ biến. Khi nhân viên bảo vệ thổi còi và nhắc nhở thì một số du khách không những không nghe mà còn lớn tiếng nói lại.
Sự thiếu ý thức của người dân vẫn diễn ra cả trong những nơi cần sự tôn nghiêm, thành kính, thiêng liêng không những làm mất đi nét đẹp truyền thống trong ngày xuân mà còn làm mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường khu di tích. Đã đến lúc thành phố cần có chế tài xử phạt đối với những hành vi thiếu ý thức của người dân và các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc đồng bộ và nghiêm khắc hơn.

 

Nguồn: monre.gov.vn