Khởi công Dự án du lịch và khu vui chơi giải trí phức hợp Happyland tại Long An, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân mong muốn đây sẽ là một điểm sáng của ngành du lịch, hình mẫu về sự phát triển thân thiện với môi trường.
Sáng ngày 14/2, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và lãnh đạo một số Bộ, ngành và tỉnh Long An đã chính thức khởi công Dự án Happyland tại xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An.
Happyland là dự án khu vui chơi giải trí phức hợp có quy mô 338ha (giai đoạn 1) với tổng mức đầu tư toàn bộ dự án khoảng 2 tỷ USD. Đây là quần thể nghỉ dưỡng, giải trí có quy mô đầu tư lớn nhất tại Việt Nam hiện nay và đứng thứ 2 Đông Nam Á (đứng sau Khu quần thể nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp Marina Bay Sands tai Singapore).
Happyland Việt Nam được thiết kế cho khoảng 14 triệu lượt khách đến tham quan mỗi năm, dự kiến toàn bộ dự án sẽ được đưa vào khai thác từ quý 1/2014.
Nét nổi bật của dự án là tính phức hợp, đa dạng, có sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố mang đậm bản sắc truyền thống Việt Nam và tính hiện đại.
Phát biểu tại lễ khởi công, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân mong muốn Happyland với tầm nhìn xa, quy hoạch bài bản sẽ đóng góp tích cực vào công cuộc hiện đại hóa đất nước, trở thành một điểm sáng của ngành du lịch, giải trí hàng đầu ở Việt Nam trong thời gian không xa, đồng thời trở thành hình mẫu về sự phát triển xanh - sạch - đẹp và thân thiện với môi trường.
Dự án Happyland Việt Nam không chỉ có ý nghĩa lớn về kinh tế- xã hội, mà nó còn tạo ra một điểm nhấn trên bản đồ du lịch của Việt Nam, góp phần quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh một nước Việt Nam giàu bản sắc, hòa bình, phát triển, thân thiện và hội nhập với bè bạn năm châu, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Bà Phan Thị Phương Thảo - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tập đoàn Khang Thông (chủ đầu tư) cho biết, dự án có sự góp mặt của các đơn vị tư vấn quy hoạch, thiết kế, quản lý và vận hành dự án nổi tiếng trên thế giới như Steelman Parners, Meinhardt, Savills.
Dự án sẽ tạo ra gần 10.000 lao động trực tiếp và một lượng lớn lao động gián tiếp, đồng thời tạo ra động lực kéo theo sự phát triển của các ngành thương mại, dịch vụ phụ trợ khác tại địa phương và là động lực kích thích cho phát triển kinh tế của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long