Nông dân sẽ bay lên cùng du lịch xanh

Cập nhật: 18/02/2011
Dưới là biển xanh với những rạn san hô, cỏ biển... trên là rừng nguyên sinh ngút ngàn và nhiều bãi tắm đẹp tầm cỡ thế giới... Nơi đây còn là quê hương của nhiều đặc sản nổi danh thế giới, như: Tiêu, nước mắm, rượu sim, chó xoáy lưng,... Vì vậy sẽ không có gì quá lời khi cho rằng đảo Phú Quốc là “thiên đường nghỉ dưỡng” cho tất cả...
Người khổng lồ trong chiếc áo hẹp

Với diện tích tích 593km2, Phú Quốc được ví như “người khổng lồ” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Mặc dù diện tích chỉ bằng 85% so với Singapore, nhưng hòn đảo được cấu thành bởi 99 ngọn núi nằm giữa quần thể 40 đảo lớn nhỏ giữa biển Tây này có vị thế du lịch  hết sức độc đáo. Chính sự đa dạng địa hình biển-đảo-rừng nguyên sinh này không những đã mang lại cho “đảo ngọc” nhiều thắng cảnh nổi tiếng như: Suối Tranh, suối Đá Bàn, suối Tiên, Dinh Cậu, mũi Tàu Rũ, mũi Ông Cọp... hay trở thành nơi duy nhất ở trời Tây Nam tổ quốc có thể ngắm hoàng hôn trên biển... Nơi đây cũng là địa chỉ đa dạng sinh học nổi tiếng thế giới với san hô, cỏ biển, ngọc trai, cá cúi, ghẹ xanh, chó xoáy lưng, hồ tiêu...

Nhưng cũng chính lợi thế này đã tròng chiếc vòng “kim cô” (Khu bảo tồn biển, Vườn quốc gia Phú Quốc) “bó tay, bó chân” Phú Quốc trong việc triển khai các dự án phục vụ du lịch..., đã trực tiếp kiềm hãm tốc độ phát triển du lịch cả trên bờ lẫn dưới biển.

Vấn đề càng trở nên nan giải khi suốt nhiều năm qua Phú Quốc lại thiếu “cây gậy chỉ huy” sáng suốt để qui hoạch đất đai hợp lý, và huy động, khơi gợi chất xám thành sức mạnh đưa con tàu du lịch vượt qua thách thức... cho nên nhiều giống loài đặc sản bị suy thoái gen, thiếu chiến lược phát triển thị trường, bị bỏ rơi về thương hiệu, thiếu kỹ thuật để khống chế nền đất nghèo dinh dưỡng trên đảo... Vì thế mà tuy nằm ở vị thế cửa ngõ quốc tế Á-Âu, nhưng thời gian qua Phú Quốc vẫn chưa thể có điều kiện phát huy tài nguyên văn hóa, lịch sử, tài nguyên làng nghề... để tạo ra sản phẩm hấp dẫn, lưu giữ và níu kéo bước chân du khách.

 

Đường băng... du lịch xanh

 

Cuối năm 2010, thông qua tham mưu của nhóm cố vấn gồm các nhà khoa học nổi tiếng như GS-TS Võ Tòng Xuân, TS Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam... lãnh đạo mới của huyện Phú Quốc đã nhanh chóng thành lập Trung tâm Dịch vụ- chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp huyện Phú Quốc với ý tưởng phát triển Phú Quốc trở thành hòn đảo du lịch xanh độc đáo của vùng Đông Nam Á, qua đó kích cầu ngành du lịch của các tỉnh ĐBSCL và Việt Nam.

Nhóm cố vấn đã mời một số nhà khoa học tâm huyết trong ngành nông nghiệp đang làm việc tại ĐH Cần Thơ, phối hợp cùng các đồng chí cán bộ lãnh đạo lão thành và nhiều nhà vườn nổi tiếng của Phú Quốc bàn thảo kế hoạch phục hồi quỹ gen quí về cây ăn trái, nhất là cây tiêu, giúp các nhà vườn khôi phục lại vườn tiêu, phát triển nhiều loài rau, quả bản địa ngon lạ, như sim... và các loài vật nuôi quí hiếm khác như chó xoáy lưng, kỳ tôm, cu ly, ngọc trai... Hiện một số thí nghiệm về chuyển giao kỹ thuật, giống, phân sinh học cho cây tiêu... đã mở ra triển vọng về đảo du lịch xanh trong tương lai không xa.

Theo đó, “du khách đến Phú Quốc không chỉ được tắm mình bên những bãi cát trắng tinh, thưởng thức các loài hải sản phong phú mà còn có dịp thưởng thức các loại trái cây nhiệt đới độc đáo, các loại rượu ngon từ trái sim rừng, tham quan nghiên cứu đa dạng sinh học tại các rừng quốc gia và dưới đáy biển quanh đảo được bảo tồn”, GS-TS Võ Tòng Xuân, trưởng nhóm cố vấn cho biết.

 

Với mô hình FELDA

 

Vấn đề đặt ra là phải giải quyết hài hòa giữa nhu cầu phát triển và sự ổn định của vùng đất? Thực tế cho thấy, trên huyện đảo Phú Quốc cũng đã có trường hợp mấy trăm hộ dân bị di dời để nhường đất làm sân bay. Họ đã được phân bổ nền nhà trong khu định cư mới nhưng không có phương tiện, đất đai để làm ăn, và tương lai sẽ phải xâm nhập vào thành thị sống vất vưỡng... Vì vậy theo GS-TS Võ Tòng Xuân, thay vì chỉ trả “con cá”, tức chỉ trả tiền trọn gói như cách làm lâu nay, chúng ta nên cấp cho họ chiếc “cần câu” như mô hình FELDA đã thực hiện rất thành công ở Malaysia. Theo đó, trong bối cảnh đất chật, người đông, Phú Quốc nên mạnh dạn bỏ tâm lý sợ “lấn rừng” để tổ chức trồng mới một số cây đặc sản của Phú Quốc như cây tiêu, cây sim... với quy mô công nghiệp từ ươm giống sạch bệnh cho đến chế biến thành các sản phẩm tiêu Phú Quốc có thương hiệu.

Những người dân bị thu hồi đất và dân không đất đai nhà cửa sẽ được nhận vào thực hiện các dự án phát triển công nghiệp hồ tiêu và du lịch sinh thái. Quỹ tiền để đền bù cho dân bị thu hồi đất sẽ để dùng cho xây dựng khu trang trại hồ tiêu... Người dân được di dời về đây, không chỉ thu hoạch và bán hồ tiêu chất lượng cao và nhiều nông sản khác cho DN xuất khẩu mà còn kinh doanh thông qua hình thức “du lịch nhà vườn”, thưởng thức đặc sản thông qua chế biến thành món ăn dân gian tại chỗ vừa tăng thêm mô hình hấp dẫn du khách, vừa góp phần tăng thu nhập cho nông dân.

“Khi đó, người dân sẽ dồn sức chăm sóc vườn cây của mình, làm chức năng che phủ tốt hơn cả nền rừng nghèo trước đó. Và Nhà nước không phải canh cánh lo người dân nghèo kiếm sống từ tài nguyên rừng với những hệ lụy khó lường”, GS Xuân nhấn mạnh.

 

Nguồn: Vacne/LĐO