Có chính sách, có giải pháp nhưng ô nhiễm vẫn gia tăng
Đó là nhận định khái quát nhất về tình hình ô nhiễm làng nghề tại Bắc Ninh. Báo cáo do ông Trịnh Văn Phường, Phó Giám đốc Sở TN&MT, trình bày cho thấy, tỉnh Bắc Ninh có nhiều cố gắng trong việc triển khai các chủ trương, chính sách pháp luật về môi trường. Điển hình là tỉnh đã ban hành hàng loạt các văn bản liên quan đến bảo vệ môi trường như: Quy chế Bảo vệ môi trường tỉnh Bắc Ninh (2000), Quy chế Bảo vệ môi trường làng nghề, khu công nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn (2008)… với nhiều giải pháp mạnh như cắt điện, ngừng cấp vốn vay đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường.
Để cải thiện môi trường nông thôn do ô nhiễm rác thải sinh hoạt, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 156/2010, UBND tỉnh ban hành Quyết định 50/2010 quy định chế độ hỗ trợ xây dựng điểm tập kết, vận chuyển rác thải khu vực nông thôn. Hơn 700 thôn được hỗ trợ tối thiểu 200 triệu đồng mỗi thôn, để hoàn tất việc xây dựng điểm tập kết rác trong năm 2011. Tỉnh đã cung cấp 530 bộ tài liệu về pháp luật bảo vệ môi trường tới Thường trực Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, các Sở ban ngành. Tỉnh phê duyệt Chiến lược phát triển bền vững tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2006 - 2010 định hướng đến 2020; Đề án Quy hoạch môi trường tỉnh giai đoạn 2006 - 2020 và Kế hoạch bảo vệ môi trường giai đoạn 2006 - 2010.
Từ năm 2006 tới nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TN&MT tổ chức 6 đợt thanh tra về đất đai, tài nguyên nước và môi trường tại hơn 300 cơ sở sản xuất trên địa bàn xã Phong Khê, phường Vạn An (thành phố Bắc Ninh), cụm công nghiệp Phú Lâm (huyện Tiên Du), phường Đình Bảng, Châu Khê và Đồng Quang (thị xã Từ Sơn), cụm công nghiệp Đại Bái (huyện Gia Bình). Năm 2010 đã ra quyết định cắt điện 35 cơ sở tái chế nhựa gây ô nhiễm môi trường.
Bắc Ninh cũng là tỉnh sớm thành lập Trung tâm Quan trắc TN &MT, hàng năm tiến hành quan trắc đối với 39 điểm không khí, 53 điểm nước thải, 20 điểm nước dưới đất; triển khai mạng lưới quan trắc môi trường tỉnh giai đoạn 2010 - 2015.
Từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường làng nghề, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở lập, triển khai, tiếp nhận các triển khai các dự án đầu tư xử lý môi trường tại nguồn gây ô nhiễm như: Dự án xử lý nước thải tập trung tại làng nghề Phong Khê công suất 5.000 m3/ngày đêm; xây dựng 6 hệ thống xử lý khí thải lò tái chế kim loại mầu tại 3 làng nghề Văn Môn, Đại Bái và Quảng Bố; hỗ trợ 10 cơ sở sản xuất giấy tái chế tại Phòng Khê áp dụng công nghệ xử lý nước thải tuần hoàn, giúp thu hồi bột giấy và tái sử dụng 90% nước thải và dự án xử lý nước thải tập tủng tại làng nghề bánh bún Khắc Niệm (thành phố Bắc Ninh) công suất 400m3/ngày đêm.
Tuy nhiên, những nỗ lực trên đây chưa đủ sức mạnh để "chặn đứng" ô nhiễm làng nghề như tinh thần Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị. Hầu hết các chủ cơ sở sản xuất tại các làng nghề còn chạy theo lợi ích cá nhân, không quan tâm đến bảo vệ môi trường. Riêng hơn 200 cơ sở sản xuất tại làng nghề giấy Phong Khê chỉ có 3 - 4 cơ sở có biện pháp xử lý môi trường sơ bộ. Hiện còn khoảng 600 doanh nghiệp tại các làng nghề không lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường; hầu hết cơ sở làng nghề không nộp phí bảo về môi trường, thậm chí nhiều cơ sở bị xử lý vi phạm nhưng không chấp hành nghiêm túc. Riêng năm 2006, có 138 cơ sở tại 3 làng nghề Vạn An, Phong Khê và Phú Lâm không chấp hành nghiêm túc các quyết định xử lý.
Nên có một cách nhìn mới về xử lý ô nhiễm làng nghề
Sau khi đi thực tế tại các cơ sở thuộc cụm công nghiệp Mả Ông, Lỗ Sung tại phường Đình Bảng, cụm công nghiệp giấy Phong Khê, nghe báo cáo của Sở TN&MT Bắc Ninh, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến cho rằng, làng nghề Bắc Ninh cần lưu ý 4 tồn tại: Tỷ lệ khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải thấp (3/15), bố trí xử dụng 1% ngân sách môi trường chưa đúng quy định; thu phí bảo vệ môi trường còn quá thấp và các cơ sở chưa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường còn quá nhiều. "Cần xem xét lại tiêu chí làng nghề, vì nhiều nơi được gọi là làng nghề nhưng thiếu yếu tố làng nghề"- ông Tuyến nhấn mạnh.
Cùng chung quan điểm này, ông Nguyễn Đăng Vang, Phó Chủ nhiệm UB Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, sản xuất kinh doanh tại làng nghề Bắc Ninh nhỏ, công nghệ lạc hậu, mới có 29/53 cụm công nghiệp được phê duyệt, triển khai nhưng đã ô nhiễm nặng nề, nếu cả 53 cụm công nghiệp đi vào hoạt động thì ô nhiễm sẽ gia tăng hơn nữa. "Bắc Ninh phát triển tốt nhưng chưa bền vững. Theo tôi, không nên chỉ bỏ tiền ra xử lý ô nhiễm làng nghề như hiện nay vì không hiệu quả. Cần phải nhìn nhận ở góc độ khác, đó là vấn đề quy hoạch làng nghề. Nếu không quy hoạch lại, không thể phát triển bền vững. Cần rà soát lại toàn bộ làng nghề, những cơ sở, ngành hàng nào gây ô nhiễm nặng nề, không đủ tiêu chí làng nghề thì nên loại bỏ" - ông Vang khẳng định.
Mặc dù chưa phải là kết luận chính thức, Chủ nhiệm UB Khoa học Công nghệ và Môi trường, Trưởng Đoàn giám sát của UB Thường vụ Quốc Hội, ông Đặng Vũ Minh đề cập tới 5 nhóm giải pháp cần thiết đối với công tác môi trường làng nghề, đó là các nhóm giải pháp về văn bản pháp luật, tuyên truyền, quy hoạch, thanh tra kiểm tra, nguồn kinh phí. "Tuyên truyền vận động để người dân hiểu được là phải tự bảo vệ lấy mình và người đứng đầu quan tâm đến công tác môi trường làng nghề là điều hết sức quan trọng"- ông Đặng Vũ Minh nhấn mạnh.