Xây dựng doanh nghiệp làng nghề phát triển bền vững

Cập nhật: 10/03/2011
Để phát triển nghề truyền thống, nhiều hộ, cơ sở sản xuất ở các làng nghề đã phát triển thành các doanh nghiệp. Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh hiện có gần 500 doanh nghiệp làng nghề đang hoạt động hiệu quả, trong đó phần lớn tập trung ở thị xã Từ Sơn với các làng nghề gỗ Đồng Kỵ, sắt thép Châu Khê…

Các doanh nghiệp làng nghề đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế xã hội của các địa phương và sự phát triển chung của tỉnh, song theo đánh giá thì nhiều doanh nghiệp vẫn chưa phát triển thực sự bền vững, chưa xây dựng được thương hiệu sản phẩm cho riêng mình.

Thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cho phát triển doanh nghiệp làng nghề và đã có những tác động tích cực trong phát triển nghề, làng nghề, thực hiện an sinh xã hội trên địa bàn. Tuy nhiên, quy mô hầu hết các doanh nghiệp làng nghề còn nhỏ, chưa tập trung, chưa xây dựng được thương hiệu riêng cho từng sản phẩm. Đặc biệt, hầu hết các doanh nghiệp mới chỉ đủ sức hoạt động ở thị trường trong nước, chưa vươn ra xuất khẩu. Trong khi các sản phẩm có tính thẩm mỹ cao, phù hợp với việc xuất khẩu như đồng, gốm, gỗ mỹ nghệ lại chủ yếu là cung ứng cho các đơn vị ngoài tỉnh hoặc ủy thác xuất khẩu. Đơn cử như các sản phẩm đồng Đại Bái, gốm Phù Lãng. Ở cả hai làng nghề này hiện chưa có một doanh nghiệp nào có chức năng xuất khẩu, tất cả các mặt hàng đều phải xuất qua các cơ sở trung gian. Vấn đề đặt ra hiện nay là cần phát triển các doanh nghiệp làng nghề theo chiều sâu, một mặt giữ vững các nghề truyền thống, đầu tư mạnh vào các khu làng nghề, có những chính sách khen thưởng và hỗ trợ cho các nghệ nhân, một mặt du nhập nghề mới và thúc đẩy phát triển các nghề này.

Xây dựng chính sách để hỗ trợ hộ nghề là chiến lược phát triển cơ bản cho các làng nghề. Nhưng để hộ nghề hoạt động hiệu quả cần có những phương thức quản lý mới thay thế tư duy quản lý kiểu ngắn hạn hay đề án bằng một tư duy quản lý với chiến lược dài hơi và tổng thể. Thực tế cho thấy, hầu hết chủ các doanh nghiệp làng nghề đều hoạt động dựa theo kinh nghiệm, không có nhiều chủ doanh nghiệp được đào tạo kiến thức quản trị kinh doanh, quản lý doanh nghiệp. Vì thế, việc hỗ trợ doanh nghiệp làng nghề tiếp cận, tìm kiếm, khai thác, mở rộng thị trường trong và ngoài nước, nâng cao kiến thức quản lý doanh nghiệp, quản trị kinh doanh, nghiệp vụ thuế, kế toán cũng là những việc làm hết sức cần thiết và cấp bách... Thêm một vấn đề “xương sống” để doanh nghiệp làng nghề trong tỉnh từng bước phát triển bền vững là cần tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong làng nghề vay vốn, hỗ trợ lãi suất, nhất là các nguồn vốn vay ưu đãi trung, dài hạn. Nên tập trung xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề gắn với các doanh nghiệp một cách có hiệu quả, có thể chọn lựa những sản phẩm thực sự có thế mạnh, có truyền thống đầu tư xây dựng thương hiệu mạnh, mang sắc thái, đặc trưng riêng của làng nghề Bắc Ninh. Đơn cử, có thể bắt đầu với làng nghề Đông Hồ với loại hình tranh dân gian và mô hình doanh nghiệp của nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế. Ngoài ra, tỉnh cũng cần hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia các hội chợ triển lãm khu vực và quốc tế theo chương trình xúc tiến thương mại hàng năm. Về phía các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong làng nghề, để nâng cao vị thế của mình cũng cần phải đổi mới thiết bị và công nghệ mới, hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm vừa bảo vệ được môi trường và phát triển nghề, làng nghề một cách bền vững, hiệu quả.

 

 

Nguồn: monre.gov.vn