Hà Nội khẩn cấp ban hành kế hoạch phòng động đất

Cập nhật: 14/03/2011
Ngay sau khi Nhật Bản xảy ra trận động đất mạnh 8,9 độ richter vào chiều ngày 11/3, UBND Hà Nội đã họp bàn kế hoạch cảnh báo, triển khai phòng tránh và khắc phục hậu quả động đất trên địa bàn.

Theo UBND thành phố, do động đất ít xảy ra ở thủ đô, nếu có thì mức độ nhỏ, chưa gây thiệt hại nên các tổ chức, cá nhân còn tư tưởng chủ quan. Do đó các đơn vị phải làm tốt công tác tuyên truyền, đưa kiến thức cơ bản về phòng tránh động đất trên các phương tiện thông tin đại chúng, khuyến cáo người dân tự tổ chức phòng tránh khi nhận được thông tin cảnh báo.

Khung cảnh hoang tàn được chụp từ trên cao ở vùng tâm chấn động đất Sendai, Nhật (Ảnh: Mainichi)

Khi xây dựng các công trình công cộng, cao tầng và công trình quan trọng, chủ đầu tư phải tính đến yếu tố động đất. Ngoài ra, các đơn vị rà soát, thống kê các khu nhà yếu, nhà tạm không đảm bảo an toàn để có phương án xử lý kịp thời. Ban chỉ đạo tìm kiếm cứu nạn thành phố lập kế hoạch và tổ chức diễn tập phòng tránh động đất trên địa bàn.

Khi có dự báo xảy ra động đất, các sở ban ngành cần tập trung mọi biện pháp thông tin đến người dân qua hệ thống thông tin đại chúng càng nhanh càng tốt và triển khai ngay phương án sơ tán dân ra khỏi khu vực không an toàn.

Các quận, huyện, thị xã và sở ban ngành cần thành lập Ban chỉ huy phòng tránh và khắc phục hậu quả động đất để chỉ đạo các địa phương, cơ sở chuẩn bị đầy đủ điều kiện theo phương châm “4 tại chỗ”. Cùng với đó, huy động mọi nguồn lực để tham gia phòng tránh, khắc phục hậu quả động đất, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Động đất ở Nhật, Việt Nam có bị ảnh hưởng không?

Sóng thần cao bảy mét gây ra bởi trận động đất khủng khiếp ở Nhật Bản lúc trưa qua theo giờ Việt Nam không có khả năng ảnh hưởng đến Việt Nam, chuyên gia động đất của Viện Vật lý Địa cầu nhận định.

Rất may là Việt Nam không nằm trong danh sách được cảnh báo ảnh hưởng sóng thần của các trung tâm cảnh báo sóng thần Mỹ, Nhật, v.v…, theo PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Báo tin Động đất & Cảnh báo Sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu, Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam.

Sự may mắn này là do trận động đất mạnh 8,9 độ richter kia xảy ra ở bờ biển phía đông Nhật Bản, khiến cho lục địa Nhật Bản cùng các đảo Đài Loan, Philippines, v.v…, trở thành bức tường tự nhiên, ngăn sóng thần đổ bộ vào bờ biển Việt Nam.

Liên quan đến mức độ nhanh nhạy ghi nhận trận động đất dữ dội này của các máy móc chuyên dụng ở Việt Nam, được biết, vài phút sau khi xảy ra động đất, hệ thống phần mềm ở Viện Vật lý Địa cầu Việt Nam mới tiếp nhận được thông tin gửi về từ các trạm địa chấn quốc tế.

Hệ thống 24 trạm đo địa chấn trên toàn quốc không ghi nhận được kịp thời trận động đất này với lý do thảm họa xảy ra quá xa. Mạng lưới sắp tới nâng lên thành 36 trạm đo địa chấn ở Việt Nam được cho là cần phải được nâng cấp hơn nữa mới có thể rút ngắn thời gian ghi nhận, xử lý và truyền thông tin động đất thu nhận được.

Năm nay, Việt Nam tiến hành lắp thí điểm 10 trạm trực canh sóng thần, có nhiệm vụ tiếp nhận thông tin chuyển từ Viện Vật lý Địa cầu ở Hà Nội. Tiến độ cụ thể thế nào, vẫn chưa được biết.

Đáng chú ý, PGS.TS Nguyễn Hồng Phương cho rằng, trận động đất kinh hoàng này xảy ra vào thời điểm đúng như dự báo của các nhà khoa học khi quan sát một hiện tượng thiên văn sắp xảy ra. Theo đó, với việc Mặt Trăng ở vào vị trí gần Trái Đất nhất trong vòng 18 năm qua khiến chúng ta có thể quan sát Mắt Trăng to một cách bất thường, nguy cơ động đất lớn và sóng thần mạnh là rất cao.

Khi tiến gần Trái Đất như đang diễn ra, với khoảng cách ngắn nhất là vào ngày 19-3 tới, lực hấp dẫn giữa Trái Đất và Mặt Trăng sẽ gia tăng, càng làm cấu trúc bề mặt Trái Đất trở nên lỏng lẻo hơn, động đất càng dễ xảy ra hơn.

 

Nguồn: VnExpress