Hát xoan Phú Thọ - Một di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp

Cập nhật: 16/03/2011
Qua khảo sát của tỉnh Phú Thọ, hiện tại toàn tỉnh còn 69 nghệ nhân hát xoan thì có tới 31 người có độ tuổi từ 80 – 104 và chỉ có 8 người có khả năng truyền dạy. Tổng số người tham gia các phường xoan là 81 người thì chỉ có 49 người biết hát. Các di tích diễn ra hát xoan thì chỉ có 15/30 di tích diễn ra hát cửa đình là còn tồn tại. Còn 15 di tích đã mất hoàn toàn.

Hát xoan là một di sản văn hóa phi vật thể quý giá của vùng đất Tổ Hùng Vương. Nguồn gốc của nó gắn với những giai thoại của thời đại Vua Hùng dựng nước. Giai thoại kể rằng, một hôm, trên đường đi tìm đất đóng đô, Vua Hùng nghỉ chân ở nơi nay là quê xoan Phù Đức – An Thái. Thấy trẻ chăn trâu hát múa, vua rất ưa thích và lại dạy các em thêm nhiều điệu khúc nữa. Những điệu hát múa ấy là những điệu xoan đầu tiên. Lại có một câu chuyện khác kể rằng, hát xoan là điệu hát múa mà nàng Quế Hoa cất tiếng hát giúp vợ Vua Hùng bỗng chốc vui vẻ, hết đau bụng lúc sinh con và sinh được ba người con trai tuấn tú khác thường. Vua rất vui, truyền cho các công chúa và cung nữ đều học hát điệu hát này. Lúc đó vào mùa xuân nên vua đặt tên các làn điệu múa, hát đó là hát xoan…Chữ Xoan là từ chữ Xuân đọc trẹo ra. Các làn điệu Xoan cổ đều được bắt nguồn từ những làng cổ nằm ở địa bàn trung tâm bộ Văn Lang thời các vua Hùng dựng nước. Các làng này nối nhau thành một dải, vắt từ sông Lô sang sông Thao, vòng phía trước núi Hùng – nơi có Đền Hùng, mộ Tổ - như một chuỗi ngọc trai. Chỉ trừ xã Tây Cốc lùi xa về tây bắc và Tử Du, Hoàng Thượng, Hạ Chuế (nay là tỉnh Vĩnh Phúc). Chính vì vậy, hát xoan còn bảo lưu được nhiều yếu tố văn hóa cổ của thời đại bình minh dựng nước. Những dấu tích văn hóa Văn Lang – Hùng Vương cũng được bảo lưu trong các lễ hội vùng xoan. Chính vì vậy, hầu hết các làng xoan giữ cửa đình đều thờ các nhân vật thời Hùng Vương và các Vua Hùng.

Con đường giúp cho hát Xoan luôn tồn tại và có sức sống mãnh liệt chính là không gian diễn xướng…Không chỉ trên sân khấu mà còn diễn trong ngày lễ tết, tổ chức cầu an, cầu may, chúc thọ…Theo khảo sát của Sở VHTT&DL Phú Thọ, những điệu Xoan cổ chỉ được lưu giữ tương đối đầy đủ ở 4 phường Xoan gốc là thôn  An Thái (xã Phượng Lâu - TP. Việt Trì); thôn Thét, thôn Phù Đức, thôn Kim Đái (xã Kim Đức - TP. Việt Trì). Còn những địa bàn liên quan đến hát Xoan (17 xã thuộc tỉnh Phú Thọ và tỉnh Vĩnh Phúc) chỉ đón phường Xoan về hát trong lễ hội đầu xuân. Nhưng hiện nay, đa số những người yêu thích hát xoan đều đã ngoài độ tuổi 60, còn những người trẻ tuổi không mấy quan tâm đến loại hình nghệ thuật này. Hiện nay, việc truyền dạy hát xoan cho hế hệ trẻ đang gặp nhiều khó khăn do các nghệ nhân cao tuổi còn rất ít.

Được biết, để khắc phục và phát huy những thế mạnh của những nghệ nhân cao tuổi, Sở VHTT&DL Phú Thọ cũng đã tổ chức mời các nghệ nhân hướng dẫn, truyền dạy loại hình nghệ thuật này cho thế hệ trẻ. Đồng thời, tỉnh còn gắn hát Xoan với du lịch, vừa góp phần nâng cao đời sống tinh thần, giúp đồng bào có công ăn việc làm cải thiện cuộc sống, vừa tăng thêm phần hấp dẫn đối với du khách khi đến với Phú Thọ. Bên cạnh đó là những cuộc hội thảo, hội diễn, những băng hình về Hát Xoan, những bài hát, nhưng ca cảnh dựa trên làn điệu Xoan nhằm đưa làn điệu này tới mọi miền Tổ quốc và hơn nữa...sẽ lan tỏa xa hơn, trở thành loại sản văn hóa phi vật thể của nhân loại nếu Hát Xoan giữ được cái hồn,  cái cốt lõi của chính nó.

Trước thực trạng loại hình nghệ thuật trên mảnh đất cội nguồn của dân tộc đang đứng trước nguy cơ ngày càng mai một, thì việc đi tìm những biện pháp để bảo tồn và phát triển nghệ thuật hát xoan đang được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Mô hình bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể mà UNESCO đề xướng là bảo tồn di sản đó trong cộng đồng. Hình thức này cũng sẽ giúp cộng đồng sở hữu di sản ý thức được giá trị văn hoá của mình để gìn giữ và phát huy nó. Hát xoan gắn liền với lễ hội, với nhu cầu tâm linh, không được “cắm rễ” vào mảnh đất lễ hội, hát xoan sẽ lụi tàn. 

Hy vọng rằng, với hồ sơ đã đệ trình, năm 2011, hát xoan Phú Thọ sẽ chính thức được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp./.

T.H(tổng hợp)

 

Nguồn: Cinet