Hào thành cổ Vinh (Nghệ An) là di tích lịch sử văn hóa được xây dựng từ thế kỷ XIX dưới triều đại nhà Nguyễn. Trước đây, lòng hào thành rộng mênh mông với mặt nước trong xanh, hai bên bờ hào được ghép đá để chống xói lở, trong hào thành người dân thả sen để hàng năm cống nạp triều đình.
Cảnh tượng nên thơ ấy giờ đã không còn nữa. Hào thành cổ Vinh đang bị ô nhiễm nghiêm trọng và bị hàng chục hộ gia đình xâm lấn, cơi nới để xây dựng nhà ở, các công trình phụ hoặc làm vườn trồng rau…
Còn đâu di tích lịch sử văn hóa hào thành
Thành Vinh trước đây vừa là lỵ sở của một tỉnh, vừa là một công trình phòng thủ, nên được cấu trúc theo kiểu “thành cao, hào sâu”. Hào được đào sát phía ngoài thành để lấy đất đắp lũy bờ thành, đồng thời làm thành hệ thống bảo vệ bên ngoài để tăng thêm sự khó khăn cho đối phương khi tấn công.
Phần đất hai bên hào bị các hộ dân lấn chiếm làm nhà ở hoặc trồng rau. Ảnh: Bích Huệ
Bởi thế, Hào thành cổ Vinh được coi là biểu tượng của thành phố Vinh. Hào được đào sâu 8 thước (3 m), rộng 70 thước (28 m). Hệ thống hào được nối liền với sông Vĩnh (sông Cửa Tiền) bằng một con ngòi rộng 5 thước (2 m), sâu 4 thước (1,6 m), đáy rộng 3 thước (1,2 m). Lòng hào thành có vai trò điều tiết khu vực tiểu khí hậu, có cảnh quan và điểm du lịch hấp dẫn.
Hào thành cổ Vinh được đánh giá là một di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng vừa mang giá trị nghệ thuật, kiến trúc và khoa học, vừa là điểm vui chơi giải trí lý tưởng cho mọi người. Đến với lòng hồ thành cổ Vinh, mọi người được ngắm bức tranh thủy mạc sống động của tạo hóa, của thiên nhiên. Người tham quan có thể được du thuyền, được câu cá, được ngắm sen, thưởng ngoạn gió mát từ hào thành.
Tuy nhiên, hình ảnh xinh đẹp, thơ mộng ấy giờ đây chỉ còn đọng lại trong tâm trí, ký ức của người thành Vinh. Con ngòi rộng 5 thước nay không còn nữa, hệ thống hào cũng không còn nguyên vẹn do sự phát triển của đô thị. Phần đất hai bên hào phần lớn bị san lấp để làm nhà ở hay trồng rau, thả bèo, thậm chí có đoạn chỉ còn rộng độ 3-5 m.
Làn nước trong xanh của lòng hồ thành ngày nào giờ ô nhiễm nghiêm trọng, nước đen ngòm, cây cối, rong rêu phủ đầy. Nguyên nhân do người dân sống ven hồ vứt rác, đổ nước thải, vứt xác gia súc, gia cầm chết xuống lòng hồ thành.
Cứu lấy thành Vinh
Việc san lấp, xâm lấn lòng hồ thành cổ Vinh để xây dựng các công trình nhà ở, công trình phụ hoặc trồng rau làm cho lòng hồ ngày càng bị thu hẹp nhanh chóng, đồng thời phá vỡ sự liên thông của dòng chảy, không còn không gian cảnh quan của mặt hồ, ảnh hưởng đến môi trường và mỹ quan chung của thành phố Vinh. Sự việc này đã xảy ra hơn 30 năm qua nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Gần đây, hào thành cổ Vinh cũng đã được đưa vào trong danh sách dự án chỉnh trang đô thị Vinh có tổng nguồn vốn 125 triệu USD, do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Trước mắt, hồ thành cần được kè đá xung quanh bờ, nạo vét lòng hồ để ngăn chặn tình trạng lấn chiếm đất đai và giữ gìn môi trường, cảnh quan để không tiếp tục bị xâm phạm.
Thế nhưng, mấy năm trời trôi qua, dự án vẫn còn nằm trên giấy. Không ít gia đình vì được thông báo nằm trong quy hoạch của dự án phải di dời (quy hoạch được phê duyệt năm 2005, nhưng các hộ được thông báo từ năm 1990) nên hơn 20 năm qua vẫn phải ở trong những ngôi nhà lụp xụp, xiêu vẹo vì không dám xây, sửa.
Gia đình ông Võ Sỹ Hòa và bà Dương Thị Hòa tại khối 1, phường Cửa Nam là một ví dụ. Được Hợp tác xã Trường Sơn chia đất ở nằm sát dọc hào thành từ năm 1973 với vẻn vẹn 70 m2. Với từng ấy diện tích mà nhà ông Hòa có đến 12 người (3 thế hệ) sống chung trong một nhà. “Trước đây hào thành rộng và sạch sẽ lắm, nhưng càng ngày lòng hào càng hẹp đi và ô nhiễm quá, trước là hồ, nay thành hố mất rồi. Hơn 30 năm sống ở đây, tôi mới chỉ thấy thành phố Vinh cho nạo vét lòng hồ được một lần, mà lần ấy đến nay cũng đã hơn 10 năm rồi.
Mùa này còn đỡ, chứ khi nắng lên, mùi hôi thối từ hào thành khiến người dân chúng tôi không chịu nổi. Còn mùa mưa bão thì nhà thủng chỗ này, dột chỗ kia, vất vả lắm. Tình trạng này không chỉ riêng gia đình tôi đâu mà còn chung cho 16 hộ của khối 1 và hàng chục hộ gia đình khác nằm dọc hai bên hào thành này”, ông Hòa bức xúc nói.
Quả thực, từ năm 1990, chính quyền địa phương đã có thông báo đến những hộ gia đình trên nằm trong quy hoạch của dự án phải di dời đến tái định cư ở xã Nghi Phú (thành phố Vinh), thế nên từ đó đến nay họ không được xây mới, cơi nới hay sửa chữa lớn nhà cửa. “Không biết người dân chúng tôi phải sống như thế này đến bao giờ?”, ông Đậu Đình Thảo (76 tuổi), khối 1, than thở. Thành cổ Vinh - một “nhân chứng” lịch sử tồn tại đến ngày nay là một điều cực kỳ ý nghĩa.
Bởi thế việc triển khai dự án bảo tồn, tôn tạo thành cổ Vinh là việc làm cấp bách để vừa phục hồi một di tích lịch sử văn hóa, vừa đảm bảo cho cuộc sống của hàng trăm hộ dân nơi đây.
Bích Huệ