Đến nay, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam đã tích cực cho 111 dự án bảo vệ môi trường vay với số vốn hơn 547 tỷ đồng. Các dự án này nằm trong các lĩnh vực chính như xử lý chất thải rắn, khí thải, khói bụi các nhà máy công nghiệp, xi măng, nước thải, xã hội hóa thu gom chất thải rắn, rác thải sinh hoạt, xử lý ô nhiễm làng nghề, tiết kiệm năng lượng, sản xuất sạch hơn.
Bên cạnh đó Quỹ cũng đã tài trợ cho 109 dự án với tổng số tiền hơn 21,4 tỷ đồng. Quỹ cũng cũng đã hỗ trợ gần 600 triệu đồng cho hoạt động tuyên truyền về phát triển cơ chế sạch và biến đổi khí hậu.
Mới đây, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam đã tổ chức “Hội nghị xúc tiến đầu tư về bảo vệ môi trường” với sự tham gia đông đảo của các nhà quản lý và các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế.
Tại hội nghị, đại diện Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam giới thiệu các loại hình hỗ trợ đầu tư của Quỹ, đồng thời tư vấn thủ tục vay vốn, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, đánh giá và biểu dương một số khách hàng tiêu biểu, gặp gỡ và thu hút khách hàng mới đầu tư trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Hoạt động này có ý nghĩa thiết thực nhằm thúc đẩy hợp tác đầu tư giữa Quỹ với các chủ đầu tư, huy động các nguồn lực trong và ngoài nước, đơn vị liên quan để triển khai thực hiện dự án bảo vệ môi trường tại Việt Nam.
Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam được thành lập theo Quyết định 82/2002/QĐ –TTg ngày 26/6/2002, tổ chức và hoạt động theo Quyết định 35/2008/QĐ –TTg ngày 3/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài nguồn vốn do Ngân sách Nhà nước cấp, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam còn tiếp nhận các nguồn vốn hoạt động bổ sung hàng năm gồm phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, khí thải, chất thải rắn, khai thác khoáng sản và các loại phí bảo vệ môi trường khác theo quy định của pháp luật; các khoản tiền đền bù thiệt hại về môi trường của các tổ chức, cá nhân nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật; tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; lệ phí bán CERs (CERs là tên viết tắt của chứng chỉ giảm phát thải khí nhà kính được chứng nhận)…