Duyên hải Nam Trung Bộ có nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể. Tuy nhiên, làm gì, hành động như thế nào để vừa phát huy giá trị di sản, vừa giữ gìn, tôn tạo di sản... là những vấn đề cấp bách được đặt ra và thảo luận tại Hội thảo quốc tế Di sản văn hóa Nam Trung Bộ với sự phát triển du lịch trong hội nhập quốc tế do Bộ VHTTDL tổ chức tại Phú Yên vừa qua.
Nguy cơ biến mất của di sản
110 tham luận của các nhà khoa học trong và ngoài nước đã tập trung thảo luận xung quanh 4 nội dung lớn về di sản văn hóa của khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ gồm: Những vấn đề tổng quát về di sản khu vực Nam Trung Bộ; Về vấn đề lịch sử, khảo cổ vùng đất Nam Trung Bộ; Di sản văn hóa và phát triển du lịch; Vùng đất Phú Yên - những thuận lợi và khó khăn trong bối cảnh hội nhập... Trong đó, vấn đề di sản văn hóa, việc giữ gìn, bảo tồn và khai thác, phát triển thành sản phẩm du lịch được nhiều đại biểu quan tâm.
“Tuy di sản văn hóa vật thể, phi vật thể vùng Nam Trung Bộ rất phong phú, có giá trị vô cùng quý báu nhưng hiện nay trải qua thời gian, chiến tranh kéo dài, các biến đổi về kinh tế - xã hội, đặc biệt là quá trình đô thị hóa và vấn đề khí hậu khu vực miền Trung khắc nghiệt - bão lũ thường xuyên đã tác động lớn đến các di sản văn hóa, đến cộng đồng cư dân trong vùng, khiến các giá trị di sản văn hóa, nhất là di sản phi vật thể đứng trước nguy cơ mai một.
Ngoài ra, những người nắm giữ, hiểu biết về văn hóa phi vật thể đã lớn tuổi, trong khi lớp trẻ trở nên thờ ơ với những giá trị văn hóa, dẫn đến sự kế cận, truyền nghề trở nên hụt hẫng”, tiến sĩ Đinh Bá Hòa, Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Bình Định bày tỏ lo lắng.
Một số ý kiến phân tích nguyên nhân tác động, xu thế biến đổi đối với các di sản văn hóa khi khai thác để phát triển du lịch, đặc biệt là sự khai thác quá mức, thậm chí người khai thác không có trình độ, tư duy văn hóa đã ảnh hưởng trầm trọng, phá hỏng các di sản văn hóa.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Trung Lương (Viện Nghiên cứu phát triển du lịch) trong tham luận “Phát triển du lịch vùng Duyên hải Nam Trung Bộ trong quan hệ với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa” đã chứng minh sự tác động trái chiều của các khu kinh tế, của sự đô thị hóa ngày càng mạnh mẽ đã ảnh hưởng to lớn đến không gian văn hóa trong vùng.
Nhiều ý kiến khác bức xúc trước các xu hướng “hiện đại hóa”, “thương mại hóa” các hoạt động bảo tồn, phát huy di sản văn hóa và phát triển du lịch. Hàng loạt di sản bị “hiện đại hóa” một cách vô tội vạ. Nhiều nơi khác lại đua nhau trùng tu di tích một cách vội vã, thiếu am hiểu khiến di tích không còn là chính nó. Nếu cứ giữ cách làm đó sẽ không ít di sản đứng trước nguy cơ biến mất - một đại biểu bức xúc.
Nguồn nhân lực văn hóa mang tính quyết định
Hầu hết các ý kiến tại hội thảo đều khẳng định trong bối cảnh hội nhập kinh tế, văn hóa, xã hội hiện nay, du lịch văn hóa đang là hướng phát triển của nhiều quốc gia. Loại hình du lịch này vừa giúp văn hóa truyền thống tồn tại, bảo tồn, phát huy giá trị, đồng thời cũng giúp cư dân bản địa có việc làm, tăng thu nhập.
Khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, nơi có những di sản văn hóa – tiềm năng du lịch to lớn; tuy nhiên, do nhiều yếu tố cả chủ quan lẫn khách quan, trong đó có sự hạn chế của nguồn nhân lực mà đến nay di sản văn hóa tại khu vực này vẫn chưa phát huy được giá trị.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Lưu (Vụ Đào tạo, Bộ VHTTDL) đặt ra vấn đề tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực du lịch, nhất là du lịch có trình độ. Vì vậy, muốn phát huy giá trị di sản phải đào tạo nguồn nhân lực.
Ông Lưu nhấn mạnh, văn hóa, nhất là các di sản tạo ra sức hấp dẫn du lịch. Tuy nhiên, muốn khai thác được phải có sự đầu tư, tôn tạo của bàn tay con người. Đến lượt mình, hoạt động du lịch được tổ chức tốt, văn hóa du lịch được hình thành và ngày một nâng cao, được giữ gìn, được truyền lại cho đời sau.
Nói cách khác, bản thân hoạt động du lịch cũng là một loại di sản đặc biệt... Thời gian qua, di sản văn hóa đã được quan tâm bảo tồn, đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, nhưng việc phát huy giá trị di sản chưa được đẩy mạnh, nhất là trong phát triển du lịch. Thực trạng đó do nhiều nút thắt, nhưng quan trọng nhất vẫn là nguồn nhân lực văn hóa và du lịch chưa đủ về số lượng, chưa đảm bảo về chất lượng và tính hợp lý về cơ cấu.
Đại biểu Hoàng Đạo Bảo Cầm (Viện Nghiên cứu phát triển du lịch) đề xuất: “Trong quy hoạch phát triển du lịch, cần lồng ghép các tư tưởng bảo tồn, phát huy các giá trị di sản. Toàn vùng cần có hành động chung để cải thiện năng lực cạnh tranh, tăng cường hiệu quả của hoạt động du lịch, đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa”.
Nhiều ý kiến đề nghị bên cạnh việc đầu tư phát triển hạ tầng, bảo tồn tôn tạo di sản văn hóa, cần chú trọng phát triển nhân lực văn hóa, du lịch đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, hợp lý về cơ cấu là tháo gỡ nút thắt mang tính quyết định cho bảo tồn, phát huy di sản trong phát triển du lịch của từng địa phương và toàn vùng Nam Trung Bộ.
Nam Phong