''Du lịch mua mật gấu'' bị cấm ở Việt Nam

Cập nhật: 15/04/2011
Vừa mới đây, động thái đặt dấu chấm hết cho các tour lữ hành kiểu “du ngoạn vì mật gấu” của Tổng cục Du lịch Việt Nam đã được giới chuyên viên bảo vệ động vật quốc tế nhiệt liệt hoan nghênh.

Sau khi qui định của Tổng cục Du lịch Việt Nam bắt đầu đi vào hiệu lực, nếu còn công ty du lịch nào đưa khách đến tham quan các trại nuôi gấu thì sẽ đối mặt với nguy cơ bị tịch thu giấy phép hành nghề. 
Các thành viên trong phong trào bảo vệ động vật hy vọng rằng lệnh cấm nghiêm ngặt với các tour du lịch trá hình như vậy sẽ là một đòn đánh mạnh vào lối kinh doanh phạm pháp vốn đã mang lại cho các “chủ trại-giám ngục gấu” khoản thu nhập béo bở từ sự đối xử tàn nhẫn đối với những con vật thuộc loại quí hiếm bị giam cầm.
Hội Bảo vệ Động vật Thế giới cho biết điểm nóng nhất của du lịch mật gấu là thành phố Hạ Long, một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng nhất của Việt Nam. Trong vài năm gần đây, hình thức du lịch trại gấu ở thành phố Hạ Long diễn ra hết sức công khai. Khách du lịch được chứng kiến việc chích hút mật gấu, nếm rượu mật gấu, mua mật và các sản phẩm từ gấu rồi vận chuyển lậu các sản phẩm đó một cách bất hợp pháp ra khỏi Việt Nam.
Báo chí Việt Nam cho hay một số công ty lữ hành đã tổ chức đưa đón khách du lịch – đặc biệt là những du khách Hàn Quốc, đến thăm các trại nuôi gấu, chứng kiến cảnh chích hút mật gấu và mua mật gấu để đưa lậu về nước.
Ông Dave Eastham, người đứng đầu dự án về tệ nạn nuôi gấu lấy mật của Hội Bảo vệ Động vật Thế giới, nói rằng quyết định bài trừ hoạt động du lịch mua mật gấu của Việt Nam là “tuyệt vời”, và ông tin rằng chỉ thị này sẽ được chấp hành nghiêm chỉnh vì Chính phủ nhận thức được sự thiệt hại mà nạn nuôi gấu lấy mật gây ra cho ngành du lịch.
Mật gấu được sử dụng rộng rãi trong Đông y và được đánh giá cao ở nhiều nước châu Á. Từ xưa tới nay, các thầy thuốc Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã dùng mật gấu để điều trị các bệnh về gan và túi mật, tiểu đường và thậm chí cả bệnh ung thư ác tính. Tại thị trường Hong Kong, giá một chiếc mật gấu lên tới 3.000 đôla.
Trước đây, chỉ vì một vài gram thứ “thuốc thần” là mật gấu, mà người ta sẵn sàng tàn nhẫn giết chết con vật này. Tuy nhiên sau đó để lấy được mật liên tục mà vẫn giữ con vật sống, sau đó thiên hạ đã nghĩ ra cách thức không kém phần độc ác.
Nhằm thu hút thêm nhiều khách hàng giàu có người nước ngoài, các công ty du lịch Việt Nam những năm gần đây bắt đầu mời chào chuyến đi thăm các trang trại nuôi gấu, nơi những con vật tội nghiệp bị nhốt trong lồng sắt và ngay trước mắt du khách diễn ra qui trình hút lấy mật của con gấu sống. Nhưng không chỉ riêng thủ thuật “thu hoạch” kỳ quặc hấp dẫn các vị khách nước ngoài hiếu kỳ, mà còn là dịp để những người giàu có mua mang về nước mình loại dược liệu quý hiếm.
Tất nhiên, mật gấu đưa ra khỏi Việt Nam một cách lén lút. Luật pháp về xuất khẩu và Qui định của Hải quan Việt Nam về hành lý quá cảnh đều không cho phép mang ra khỏi đất nước này các sản phẩm sinh học tương tự, đặc biệt là những chế xuất có nguồn gốc từ các loài động vật quý hiếm.
Phải nói thêm rằng, ngay từ năm 2005, Việt Nam đã có những nỗ lực để kiềm chế bớt sự tham lam của những kẻ buôn bán mật gấu. Theo qui định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, khoảng 4.000 con gấu nuôi nhốt đã được gắn chip vi mạch. Như vậy đã có thể kiểm soát số lượng gấu cũng như quá trình sinh sống của con thú. Chủ trại giữ gấu nhằm thu hút khách du lịch thì được phổ biến lệnh cấm hành hạ động vật và không được trích xuất mật để bán chác.
 
Từ đó nảy sinh ra những tour du lịch khác thường đến các trại nuôi gấu. Cơ hội có được loại dược phẩm tự nhiên mạnh và quý hiếm phát huy tác dụng thu hút chủ yếu với khách mua người Hàn Quốc dưới vỏ du lịch. Dù sao chăng nữa, lối kinh doanh chui nửa phi pháp vẫn phát triển mạnh. Và phần lớn là bởi không có lệnh cấm rõ ràng với những chuyến du lịch mà đích ngắm là mật gấu. 

Nguồn: vea.gov.vn