Chủ tịch HHDL Bình Thuận: Nói không với doanh nghiệp lữ hành “lạ”...

Cập nhật: 18/04/2011
Năm 2011, Bình Thuận phấn đấu đón khoảng 2,8 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 300 ngàn khách quốc tế; doanh thu đạt 3.250 tỷ đồng. Phóng viên Văn Hoá đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Khoa (ảnh) - Chủ tịch Hiệp hội du lịch (HHDL) Bình Thuận về vai trò “bà đỡ” của HHDL đối với ngành Du lịch tỉnh nhà.

Tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực cho du lịch là phổ biến của tất cả địa phương trong cả nước, Bình Thuận là địa phương có tốc độ phát triển du lịch quá “nóng”, chắc chắn sự thiếu hụt càng thêm trầm trọng. Để khắc phục tình trạng này, HHDL Bình Thuận đã có những giải pháp gì, thưa ông?

- Ông Nguyễn Văn Khoa: Do dự báo trước được sự thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực, HHDL Bình Thuận đã có những giải pháp để “ứng phó”. Trước mắt, chúng tôi bù đắp bằng cách đào tạo tại chỗ đội ngũ phục vụ du lịch theo bộ chuẩn của ngành du lịch bằng cách liên kết với các cơ sở đào tạo sẵn có trong và ngoài tỉnh; vận động những nhà lãnh đạo, quản lý của các doanh nghiệp du lịch có kinh nghiệm, có năng khiếu sư phạm tham gia giảng dạy.

Đồng thời, các cơ sở kinh doanh du lịch cũng hết sức tạo điều kiện để cho sinh viên có điều kiện tốt nhất được vừa “học” vừa “hành” nhằm trang bị cho sinh viên có đầy đủ kiến thức để khi ra trường là có thể làm việc được ngay.

Mặt khác, chủ trương của tỉnh là tạo điều kiện cho cư dân địa phương chuyển đổi nghề để họ “ly nông mà không ly hương”. Chúng tôi đã có kế hoạch đào tạo, huấn luyện cho đội ngũ này. Đây là nguồn nhân lực nhiều tiềm năng, bởi họ là lực lượng tại chỗ, họ sẽ có điều kiện tiếp xúc nhiều với du khách, từ đó “tầm” văn hoá sẽ được nâng lên.

Cũng hơn ai hết, chính họ là người am hiểu nhiều nhất về văn hoá, lịch sử  của địa phương để giới thiệu với du khách cũng như vận động gia đình, người thân bớt đeo bám, chèo kéo du khách. Về lâu dài, Bình Thuận đã kiến nghị với Bộ VHTTDL cho thành lập trường cao đẳng nghề để đào tạo các chuyên ngành về VHTTDL.

" Mũi Né là nơi có giá thuê phòng khách sạn vào loại cao nhất cả nước. Do đó chúng tôi hết sức chú trọng đến chất lượng phục vụ và tính ổn định. Tại các khách sạn, chúng tôi đều niêm yết giá cả và đăng công khai trên mạng. Mặt khác, chúng tôi kiên quyết nói “không” với những doanh nghiệp lữ hành “lạ” không có thương hiệu đến đặt phòng số lượng lớn vào những ngày cao điểm để gom phòng bán lại hưởng chênh lệch. Chúng tôi còn liên kết các cơ sở lưu trú với nhau nhằm điều tiết bớt lượng khách tập trung về một nơi nào đó quá nhiều để tránh quá tải."

Bình Thuận giải quyết thế nào với nạn “chặt chém” tăng giá phòng và giá dịch vụ cao ngất ngưởng vào những dịp lễ, tết đã làm cho du khách hết sức bất bình và là một trong những nguyên nhân để du khách “một đi không trở lại” như thế nào, thưa ông?

- Mũi Né là nơi có giá thuê phòng khách sạn vào loại cao nhất cả nước. Do đó chúng tôi hết sức chú trọng đến chất lượng phục vụ và tính ổn định. Tại các khách sạn, chúng tôi đều niêm yết giá cả và đăng công khai trên mạng.

Mặt khác, chúng tôi kiên quyết nói “không” với những doanh nghiệp lữ hành “lạ” không có thương hiệu đến đặt phòng số lượng lớn vào những ngày cao điểm để gom phòng bán lại hưởng chênh lệch. Chúng tôi còn liên kết các cơ sở lưu trú với nhau nhằm điều tiết bớt lượng khách tập trung về một nơi nào đó quá nhiều để tránh quá tải.

Hằng năm, HHDL đều tổ chức lễ hội tôn vinh những doanh nghiệp đã có nhiều đóng góp trong việc đưa du khách đến Bình Thuận. Khi có một cơ sở lưu trú nào đó đưa vào kinh doanh thì giá phòng cũng được tham khảo ý kiến của HH để doanh nghiệp đưa ra mức giá hợp lý nhất theo mặt bằng chung ở Bình Thuận.

Sắp tới, chúng tôi sẽ đưa ra dịch vụ luân chuyển du khách khép kín bằng cách khách không nghỉ tại một resort nhất định mà mỗi resort chỉ ở vài ngày luân phiên trong suốt kỳ nghỉ. Với những cách làm trên, chúng tôi nghĩ rằng tuy giá phòng ở Bình Thuận có cao nhưng giá luôn ổn định và du khách được thụ hưởng những dịch vụ tốt nhất.

Du khách quốc tế tại Phan Thiết

HHDL đóng vai trò như thế nào để biến mục tiêu đón 2,8 triệu khách du lịch năm 2011 thành hiện thực?

- Nhiệm vụ của HHDL là liên kết, hợp tác, hỗ trợ nhau về kinh tế - kỹ thuật, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ nhằm thúc đẩy phát triển nghề nghiệp, nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm du lịch, dịch vụ cho các đơn vị du lịch trong tỉnh. Ngoài ra, HHDL còn là “bà đỡ” cho các thành viên trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch.

Cụ thể HHDL phối hợp với địa phương tổ chức các sự kiện, phát triển thương hiệu để tên tuổi địa danh Bình Thuận ngày càng nhiều du khách  trong và ngoài nước biết đến. Mặt khác, HHDL sẽ làm cầu nối để các thành viên doanh nghiệp có điều kiện đi học tập, giao lưu với các đơn vị trong và ngoài nước. HHDL còn tham mưu cho lãnh đạo tỉnh phát triển 2 làng nghề ở Hàm Tiến thành làng du lịch nhằm tạo điểm đến tham quan hấp dẫn cho du khách cũng như phát triển ngành nghề cho cư dân địa phương.

Xin cảm ơn ông!

Phương Nam

 

Nguồn: Báo Văn hóa