Thành công của Liên hoan hợp xướng quốc tế lần đầu tiên tại Việt Nam vừa tổ chức ở thành phố Hội An (Quảng Nam) tháng ba vừa qua càng khẳng định rõ ràng, chính kinh nghiệm và môi trường thân thiện là yếu tố để Hội An được giao quyền đăng cai nhiều sự kiện lớn của quốc gia và quốc tế như Hoa hậu Trái đất, Hoa hậu Hoàn vũ, Lễ hội giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản...
Ðó cũng là những cơ hội để du khách và bạn bè quốc tế cùng trải nghiệm những giá trị đặc sắc của các sản phẩm văn hóa du lịch ở Hội An. Thành phố cổ kính, êm đềm và nhịp sống chậm rãi đã và đang tạo dựng ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách. Tuy nhiên, song hành cùng nỗ lực tự làm mới mình, tạo ra nhiều sản phẩm văn hóa, du lịch hấp dẫn, phát triển du lịch Hội An một cách bền vững rất cần cái nhìn về bảo tồn và phát triển giá trị di sản.
Tham quan phố cổ vào đêm
Ðêm phố cổ là tên của chương trình tham quan phố cổ diễn ra vào đêm 14 âm lịch hằng tháng do Trung tâm Văn hóa Thể thao Hội An tổ chức. Ði bộ tham quan khu phố cổ trong đêm tắt đèn chiếu sáng, thay vào đó là những chiếc đèn lồng truyền thống lung linh, mới có thể thưởng lãm hết vẻ đẹp của phố cổ, những mái nhà rêu phong, những con đường uốn lượn huyền ảo dưới ánh trăng. Tour Ðêm phố cổ lãng mạn và sâu lắng cũng là tâm điểm thu hút các công ty du lịch lữ hành trên cả nước tìm đến Hội An. Theo ước tính, mỗi dịp diễn ra hoạt động Ðêm phố cổ, lượng khách tăng đột biến, tăng bình quân mỗi đêm là gần 600 lượt khách so với những ngày không có hoạt động này. Ðêm phố cổ kéo dài 12 năm qua (từ 1998-2010) đã chứng minh sức sống tiềm tàng của một sản phẩm văn hoá du lịch đặc sắc, đầy sáng tạo, riêng có của phố và người Hội An luôn có sức hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước. Sự đồng thuận của người dân phố cổ góp phần quan trọng trong quá trình tạo dựng, nâng cao uy tín thương hiệu du lịch - văn hóa Hội An.
Ông Võ Phùng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thể thao Hội An chia sẻ, nhằm thu hút du khách đến Hội An, từ năm ngoái, TP Hội An đã thực hiện thí điểm mở rộng thời gian và nội dung phục vụ khách tham quan khu phố cổ Hội An vào ban đêm. Ðây là sản phẩm du lịch mới nhằm tái hiện bức tranh văn hóa của một di sản sống động, tăng cường công tác quảng bá những giá trị văn hóa của phố cổ và đáp ứng nhu cầu của du khách tham quan phố cổ về đêm. Chương trình thử nghiệm này khởi động cho đề án Tái hiện không gian văn hóa-kiến trúc khu phố cổ Hội An xưa được kỳ vọng làm cho Ðêm phố cổ sau 12 năm thành công có thêm nội dung đi vào chiều sâu, chỉn chu và có tần suất hoạt động cao hơn so với trước đây.
Vào đêm, phố cổ vẫn lung linh trong ánh đèn lồng dọc hai bờ sông, hay trên các con phố. Khách tham quan không chỉ được thưởng lãm vẻ đẹp toàn bộ không gian kiến trúc đô thị cổ với hệ thống đèn lồng hắt sáng khắp các ngôi nhà cổ, mà có thể chọn bất kỳ địa điểm, thời gian tham quan các điểm di tích hay thưởng thức các loại hình nghệ thuật đặc sắc. Các điểm di tích có thể kể đến là chùa Cầu dài 18m, một kiến trúc đặc trưng và trở thành biểu tượng của Hội An được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 17; các ngôi nhà cổ ba trăm năm tuổi là nhà cổ Quân Thắng, Phùng Hưng và Ðức An, v.v. là những điểm tham quan không thể bỏ qua khi đến Hội An...
Vòng xoay ở ngã ba đường Bạch Ðằng và Nguyễn Thái Học - một trong những không gian sinh hoạt văn hóa - văn nghệ ngoài trời của Trung tâm Văn hóa Thể thao Hội An chính là điểm trò chơi dân gian bài chòi, điểm đến không thể thiếu của du khách khi tham quan phố cổ vào ban đêm. Thú chơi bài chòi trên các chòi tranh, tre, nứa với sự điều khiển cuốn hút của các anh hiệu hô bài, không quan trọng chuyện được thua mà thú vị ở chỗ thưởng thức những câu hô nhịp nhàng, vần điệu, lúc bổng, lúc trầm bổng của anh hiệu. Chơi bài chòi không những vui mà còn có cơ hội rinh quà phố Hội là chiếc đèn lồng về nhà cho những ai may mắn có đủ ba con bài như anh hiệu hô. Dấu ấn chương trình tham quan đêm phố cổ mới còn ở các điểm trình tấu nhạc dân tộc trong các nhà cổ, điểm tập hát dân ca ở vòng cung chùa Cầu... Con số gần 2.000 lượt khách mua vé vào tham quan khu phố cổ ban đêm có thể là nhỏ so với tất cả lượng khách đến phố nhưng cũng khẳng định thành công bước đầu và kinh nghiệm rút ra từ chương trình thử nghiệm phục vụ tham quan khu phố cổ vào ban đêm. Trong năm năm qua, du lịch của thành phố Hội An vẫn giữ tốc độ tăng trưởng cao (bình quân hơn 16%/năm) nhờ những sản phẩm du lịch, văn hóa như Ðêm phố cổ, Phố đi bộ, các hoạt động hướng dẫn tham quan di sản, làng nghề, thưởng thức nghệ thuật cổ truyền... Tuy nhiên, các sản phẩm du lịch hiện còn nghèo nàn và chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh vốn có cũng như chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách.
Phát huy thế mạnh du lịch văn hóa
Ðể khai thác tiềm năng, ý tưởng sản phẩm du lịch trong mùa lũ lụt tại Hội An cũng được tính đến. Khi nước dâng làm ngập nhà, không ít du khách và các nhiếp ảnh gia sẵn sàng bỏ tiền thuê thuyền theo dòng nước tham quan các ngõ ngách quanh co của Hội An, dừng chân ở các quán cà-phê trên tầng hai nhà cổ để chớp lấy hình những nhà cổ rêu phong chìm trong biển nước cũng như khám phá các phương thức độc đáo của cư dân Hội An từ bao đời nay để sống chung với lũ lụt mà năm nào phố cổ Hội An gần như phải hứng chịu vài ba trận. Với họ, lũ lụt lại là khoảnh khắc vàng để người xem có điều kiện tiếp cận phố cổ ở một góc nhìn khác. Ông Võ Phùng chia sẻ, dự án sản phẩm du lịch đặc thù trong mùa mưa lụt vào ba tháng cuối hằng năm chắc chắn sẽ mang đến một diện mạo, cảnh quan mới cho du lịch Hội An. Tuy nhiên, để có thể ứng dụng và phát triển sản phẩm du lịch độc đáo này với chủ trương biến họa thành phúc, chế ngự các yếu tố bất lợi về thiên nhiên hằng năm ở Hội An để khai thác du lịch; trước mắt chưa có khả thi, bởi cần có một lộ trình chặt chẽ, có hoạt động thử nghiệm với sự chung tay trách nhiệm của nhiều ngành chức năng, của cộng đồng để bảo đảm cứu hộ, an toàn tính mạng cho du khách.
Hướng khai thác sản phẩm du lịch của Hội An được xác định, bên cạnh giá trị văn hóa của khu phố cổ đang đuợc phát huy thì ưu thế của một Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm cũng sẽ được tận dụng khai thác. Ngoài những dịch vụ tắm biển, lặn biển ngắm san hô, các tuyến tham quan tại Cù Lao Chàm hiện cần được đầu tư nhiều hơn mới bắt kịp yêu cầu của khách du lịch. Với diện tích tự nhiên hơn 40.000 ha bao gồm vùng biển Cù Lao Chàm, vùng rừng ngập mặn Cửa Ðại, vùng lõi khu phố cổ, Hội An sở hữu đầy đủ tiềm năng đa dạng về sinh học, cảnh quan môi trường và các giá trị văn hóa lịch sử.
Thực tế, gần 12 năm kể từ khi phố cổ Hội An được Unesco công nhận là Di sản văn hóa thế giới, phát triển du lịch đang đặt ra cho Hội An vấn đề về bảo tồn và phát triển giá trị di sản. Theo ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Hội An, đó là bên cạnh việc giữ cho được nguyên trạng phố cổ Hội An trước cơn lốc đô thị hóa, thì điều quan trọng hơn là gìn giữ được hồn cốt của phố cổ. Hội An đang tiến hành dời dân, giảm tác động và mật độ kinh doanh, buôn bán trong phố cổ, xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng tại Cẩm Thanh...
Với cách tiếp cận mới, dự án Lồng ghép văn hóa và du lịch nhằm phát triển bền vững được triển khai trong vòng một năm qua đã mở đường cho việc khai thác tối đa lợi thế phát triển du lịch nhưng vẫn bảo tồn được di sản trước việc đầu tư mạnh như hiện nay. Ðó là việc huy động sự tham gia, đóng góp tích cực từ các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư sinh sống trong và chung quanh các khu vực di sản. Ðặc biệt cần tạo mối liên kết giữa việc quảng bá, xây dựng một trung tâm thông tin du khách và liên kết Cù Lao Chàm - Hội An - Mỹ Sơn.